Mỹ: 4 hãng sản xuất xe ô tô bị điều tra chống độc quyền
Trước những lo ngại sẽ hạn chế tính cạnh tranh của thoả thuận giữa 4 hãng sản xuất ô tô với chính quyền California, Bộ Tư pháp Mỹ đã mở cuộc điều tra chống độc quyền theo hướng Washington coi thoả thuận này "phá hỏng" kế hoạch của chính quyền Tổng thống Trump.
Bộ Tư pháp Mỹ đã mở một cuộc điều tra chống độc quyền xung quanh thỏa thuận của bang California với 4 hãng sản xuất ô tô liên quan đến tiêu chuẩn tiết kiệm nhiên liệu, vốn bị Washington coi là "phá hỏng" kế hoạch của chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Theo thỏa thuận mà bang California đạt được với 4 hãng xe lớn là Ford, Honda, Volkswagen và BMW từ tháng 7 vừa qua, những sản phẩm ô tô bán tại bang này sẽ có tiêu chuẩn về tiết kiệm nhiên liệu cao hơn. Nhưng điều này lại mâu thuẫn với kế hoạch của Nhà Trắng về những quy định môi trường. Bộ Tư pháp Mỹ đã gửi thư tới 4 hãng sản xuất ô tô, bày tỏ lo ngại rằng thỏa thuận với bang California có thể hạn chế cạnh tranh.
Hai hãng BMW và Honda khẳng định nhận được yêu cầu của Bộ Tư pháp. Trong khi Ford không trả lời và Volkswagen từ chối bình luận.
Chính sách của bang California yêu cầu các sản phẩm ô tô mới đến năm 2026 phải đáp ứng tiêu chuẩn 4,7 lít nhiên liệu/100 km, tăng so với mức 6,4 lít/100 km hiện nay, một quy định phù hợp với cơ cấu chủ chốt trong chiến lược về chống biến đổi khí hậu mà cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama (Ba-rắc Ô-ba-ma) đưa ra. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Donald Trump lại tuyên bố đảo ngược chính sách này. .
Về phần mình, Thống đốc bang California Gavin Newsom (Ga-vin Niu-xơm) vẫn bảo vệ các chính sách tiết kiệm nhiên liệu của bang, đồng thời tuyên bố sẵn sàng giải quyết vấn đề này qua tòa án. Theo Thống đốc Gavin Newsom, bang California, cùng với một liên minh các bang khác và 4 hãng xe này đang đi đầu trong việc đưa ra các chính sách giúp không khí trở nên sạch và an toàn hơn cho tất cả mọi người. Ông Newsom kêu gọi sự tham gia của toàn bộ ngành ô tô nước Mỹ để chính quyền Tổng thống Donald Trump thông qua thỏa thuận thực tiễn này, thay vì theo đuổi sự thay đổi quy định mang tính thụt lùi.
Các nhóm hoạt động môi trường đã có phản ứng trái chiều bởi đây là thỏa thuận tự nguyện và không ràng buộc về pháp lý. Trong khi đó, người phát ngôn của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ Michael Abboud (Mai-cơ Áp-bút) cho rằng thỏa thuận này chỉ có tính chất quảng bá mà không đem lại lợi ích cho người tiêu dùng Mỹ.
Năm ngoái, Tổng thống Donald Trump đã đề xuất chấm dứt quy định về khí thải gây hiệu ứng nhà kính và quãng đường mà xe ô tô hạng nhẹ được phép đi mà người tiền nhiệm Obama đưa ra. Tuy nhiên, bang California, vốn là bang giàu có nhất và có sức ảnh hưởng lớn đến các hãng xe, đã thông báo ý định đặt ra quy định riêng. California và các bang khác sau đó đã cam kết sẽ áp dụng những tiêu chuẩn cứng rắn hơn về khí thải như dưới thời Tổng thống Obama. Các nhà sản xuất xe hơi lo ngại rằng tranh cãi pháp lý giữa chính quyền bang và chính phủ liên bang sẽ khiến các nhà sản xuất phải hứng chịu rủi ro trong nhiều năm.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận