Facebook ứng phó thế nào với làn sóng #StopHateForProfit?
Trước tình hình làn sóng #StopHateForProfit vẫn đang ngày càng lan rộng khi thu hút đến 900 công ty tham gia đã buộc Facebook phải đưa ra các biện pháp cứng rắn gỡ bỏ các nội dung độc hại và thù ghét là nguyên nhân dẫn đến làn sóng trên.
- Chiến dịch tẩy chay Facebook đã "thổi bay" hàng tỉ USD trên thị trường tài chính
- Làn sóng tẩy chay Facebook: Công ty mất 56 tỷ USD, CEO mất 7,2 tỷ USD
- Sự thật đằng sau làn sóng #Stophateforprofit trong thời gian qua
Ngày 7/7, Facebook đã cam kết sẽ tăng cường các biện pháp nhằm gỡ bỏ các nội dung độc hại và thù ghét, trong bối cảnh ban lãnh đạo công ty dự kiến sẽ có cuộc gặp với những người đứng đầu phong trào tẩy chay quảng cáo trên mạng xã hội lớn nhất thế giới này.
Làn sóng #Stophateforprofit vẫn đang ngày càng lan rộng khiến cho ông lớn công nghệ Mỹ sẽ phải thay đổi chính sách của mình.
Theo kế hoạch, Giám đốc điều hành (CEO) Mark Zuckerberg và Giám đốc Sheryl Sandberg sẽ có cuộc thảo luận trực tuyến với những người đứng đầu chiến dịch tẩy chay quảng cáo trên Facebook mang tên #StopHateForProfit, hiện đã thu hút 900 công ty tham gia.
Phong trào do Liên đoàn Chống phỉ báng và Hiệp hội Vì sự tiến bộ của người da màu (NAACP) đứng đầu này đang gây áp lực buộc Facebook phải gỡ bỏ nội dung độc hại, vốn góp phần làm gia tăng tình trạng phân biệt chủng tộc và bạo lực. Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo của Facebook cũng lên kế hoạch tham vấn với các nhà quản lý về quyền dân sự khác.
Trên Facebook, bà Sandberg nhấn mạnh các cuộc gặp trên diễn ra trong bối cảnh phong trào #StopHateForProfit có thể trở thành phong trào xã hội lớn nhất trong lịch sử Mỹ.
Theo bà, đây là cơ hội tốt nhất để hành động chống lại nạn phân biệt chủng tộc. Bà cho biết Facebook sẽ công bố các cập nhật chính sách sau cuộc thảo luận với các nhà hoạt động dân sự.
Bà Sandberg khẳng định Facebook đang thay đổi, không phải vì lý do tài chính hay áp lực liên quan đến quảng cáo, mà vì đây là điều đúng đắn. Theo bà, trong nhiều năm qua, Facebook đã nỗ lực giảm thiểu sự hiện diện của nội dung thù ghét trên nền tảng này.
Đó là lý do tại sao Facebook đồng ý thực hiện đánh giá về quyền dân sự cách đây 2 năm. Báo cáo cuối cùng về quá trình đánh giá này sẽ được công bố trong ngày 8/7 và đây sẽ là cơ sở để Facebook thay đổi chính sách.
Trước đó, lãnh đạo phong trào #StopHateForProfit đã kêu gọi các doanh nghiệp ngừng mọi hoạt động quảng cáo trên Facebook và trên ứng dụng Instagram của công ty này trong tháng 7, nhằm gây áp lực buộc Facebook phải xem xét lại chính sách của mình trong việc xử lý những ngôn từ mang tính thù địch và những thông tin sai lệch.
Nhiều nhãn hàng nổi tiếng như Unilever, Coca-Cola, Lego, Ben & Jerry’s, The North Face, REI, Patagonia, Eddie Bauer... đã tuyên bố sẽ rút quảng cáo trên Facebook và Instagram để đợi nền tảng truyền thông này "có hành động rõ ràng trong việc ngăn chặn thông tin phân biệt chủng tộc".
Trong bối cảnh làn sóng chỉ trích ngày một tăng, Facebook ngày 26/6 đã công bố một số biện pháp nhằm thắt chặt kiểm soát nội dung đăng tải trên các nền tảng ứng dụng.
Cụ thể, Facbook sẽ dán nhãn các bài đăng tải vi phạm các chính sách của công ty như cách mà Twitter đã làm gần đây. Facebook cũng sẽ đưa ra các biện pháp bảo vệ bổ sung nhằm ngăn chặn hành vi "đánh lừa" cử tri và bảo vệ người nhập cư khi loại bỏ các quảng cáo có nội dung mang tính phân biệt chủng tộc.
Facebook đạt doanh thu 69,7 tỉ USD từ quảng cáo trong năm 2019, đứng thứ hai thế giới chỉ sau tập đoàn Google. Theo các chuyên gia, chiến dịch trên có thể sẽ không gây ảnh hưởng quá lớn đến doanh thu của Facebook, nhưng sẽ nâng cao nhận thức và "tạo nên những sự thay đổi thực sự".
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận