Giới chức Mỹ cho TikTok thêm 2 tuần để bán mình
Trong thông báo mới nhất được phát đi từ Bộ Thương mại Mỹ cho biết, chính quyền nước này đã cho phép công ty sở hữu TilTok sẽ có thêm 2 tuần để tìm đối tác nhượng lại quyền khai thác ứng dụng trên lãnh thổ của họ sau thời hạn ngày 12/11.
- Bytedance muốn "bán mình" đâu có dễ
- Bị ép cùng đường, công ty Trung Quốc chấp nhận thoái vốn để cứu TikTok
- CEO ByteDance là 'kẻ phản bội' hay là ‘ kẻ thức thời’ khi bán TikTok cho Mỹ
Chính quyền Mỹ đã quyết định kéo dài thêm hai tuần thời hạn chót mà tập đoàn Trung Quốc ByteDance phải chuyển nhượng lợi ích trong các hoạt động của ứng dụng chia sẻ video TikTok tại Mỹ, từ ngày 12/11 sang ngày 27/11.
Trước đó, Thẩm phán Wendy Beetlestone tại tòa án bang Pennsylvania ngày 30/10 đã ra phán quyết ngăn chặn Bộ Thương mại Mỹ cấm TikTok có các hoạt động tại Mỹ như lưu trữ dữ liệu, dịch vụ nội dung và các giao dịch kỹ thuật khác.
TikTok sẽ có thêm 2 tuần kể từ hạn chót 12/11 để tìm kiếm đối tác tự "bán mình".
Trong một thông báo liên bang ngày 12/11, Bộ Thương mại Mỹ cho biết cơ quan này sẽ hoãn thi hành lệnh cấm, vốn được yêu cầu thực hiện dựa trên những mối quan ngại về an ninh quốc gia mà Washington nêu ra, sau phán quyết trên. Bộ Thương mại Mỹ nêu rõ lệnh cấm sẽ không có hiệu lực cho tới khi xuất hiện diễn biến pháp lý tiếp theo.
Một tuyên bố từ Bộ Tài chính Mỹ cho hay việc gia hạn thời hạn chót sẽ cung cấp cho các bên liên quan và Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) thêm thời gian để giải quyết vụ việc này.
TikTok đã lọt vào "tầm ngắm" của giới chức Mỹ với lý do quan ngại về an ninh quốc gia. Ngày 15/8, Tổng thống Trump cũng đã yêu cầu trong vòng 90 ngày, ByteDance phải chuyển nhượng các hoạt động của TikTok tại Mỹ.
Đáp lại, công ty mẹ của TikTok - tập đoàn ByteDance đã bác bỏ cáo buộc này. Cuối tháng Tám, TikTok đã đệ đơn kiện chính quyền của Tổng thống Trump liên quan đến sắc lệnh cấm các công ty Mỹ giao dịch với công ty chủ quản ByteDance.
TikTok ngày 19/9 thông báo đã chuẩn bị thỏa thuận, trong đó công ty phát triển phần mềm Oracle đóng vai trò là nhà cung cấp công nghệ và “đại gia” bán lẻ Walmart là đối tác thương mại tại Mỹ của nền tảng.
Thỏa thuận này được cho là sẽ giải quyết các lo ngại về an ninh của Chính phủ Mỹ, cũng như các câu hỏi xung quanh tương lai của TikTok tại nước này. Mặc dù chính quyền của Tổng thống Trump đã để ngỏ khả năng chấp thuận kế hoạch này song thỏa thuận vẫn chưa được hoàn thiện và triển vọng không rõ ràng.
Mặt khác, bất kỳ thương vụ nào cũng cần được sự chấp thuận của Bắc Kinh. Bộ Thương mại Trung Quốc đã công bố các quy định mới vào tháng Tám, bổ sung điều khoản "mục đích sử dụng dân sự" vào danh sách các loại công nghệ bị hạn chế xuất khẩu. Điều này có thể gây khó khăn hơn cho ByteDance trong việc bán các hoạt động của TikTok tại Mỹ.
Vụ việc này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh gia tăng về thương mại và an ninh quốc gia, với việc chính quyền Mỹ đã cấm “người khổng lồ” công nghệ Trung Quốc Huawei mua công nghệ của Mỹ và tham gia vào các giao dịch liên quan đến mạng không dây.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận