CEO ByteDance là 'kẻ phản bội' hay là ‘ kẻ thức thời’ khi bán TikTok cho Mỹ
CEO ByteDance đang thể hiện dấu hiệu chùn chân trước những thách thức không thể vượt qua ở Mỹ khi cân nhắc bán ứng dụng TikTok cho Microsoft nhằm tránh bị cấm hoạt động tại Mỹ.
- 'Nỗi oan Thị Mầu' TikTok trong mắt Mỹ
- Cấm Tik Tok ở Mỹ - Tại sao không?
- Facebook – TikTok khẩu chiến
Trước sức ép của Mỹ, mặc dù trong nội dung trong bài đăng chính thức vào Chủ nhật 2/8 của công ty, ByteDance cho biết họ "sẽ vẫn cam kết với tầm nhìn trở thành một công ty toàn cầu hóa".
Nhưng sang thứ Hai ngày 3/8, trong bức thư gửi nhân viên của CEO Zhang Yiming, ông cho biết: "Chúng tôi phải đối mặt với khả năng thực sự buộc phải bán việc kinh doanh với TikTok tại Mỹ hoặc đối mặt với lệnh cấm hoàn toàn ứng dụng TikTok ở đây".
Cùng thời điểm đó, Microsoft xác nhận đang đàm phán để theo đuổi việc mua TikTok. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã tuyên bố nước Mỹ cũng cần được trả tiền trong thương vụ mua bán này.
CEO ByteDance đã phải chấp nhận một lựa chọn khó khăn khi bán TikTok cho công ty của Mỹ. Ảnh minh hoạ
Nhưng lựa chọn của ByteDance rõ ràng đã không giành được sự ủng hộ từ một số người dùng Internet ở Trung Quốc. Trên Weibo, nền tảng mạng xã hội phổ biến nhất Trung Quốc, hàng trăm người dùng ẩn danh đã tham gia dưới một bài đăng về lá thư của Zhang, chửi rủa ông là kẻ phản bội Trung Quốc, một người tôn sùng nước Mỹ và một kẻ hèn nhát, cùng rất nhiều biệt danh khác.
"Zhang Yiming đã từng ca ngợi Mỹ vì đã cho phép tranh luận, không giống như ở Trung Quốc, nơi các ý kiến là một chiều. Bây giờ anh ta đang bị Mỹ tát vào mặt, vậy tại sao không đứng ra tranh cãi?", đây là một trong những bình luận phổ biến nhất với hàng ngàn lượt thích.
CEO ByteDance- Ông Zhang Yiming đã chịu nhiều chỉ trích từ cộng đồng mạng Trung Quốc. Ảnh minh hoạ
Theo các chuyên gia, rất khó để đánh giá sự thể hiện tình cảm của các cư dân mạng Trung Quốc xuất phát từ cảm xúc, hay được dàn dựng. Bởi trên thực tế, chính quyền Bắc Kinh cũng tỏ ra tương đối cam chịu và thờ ơ khi đề cập tới vấn đề này. Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ phủ nhận cáo buộc của Mỹ chống lại TikTok rằng ứng dụng này là mối đe dọa an ninh quốc gia.
Dẫu vậy, trái ngược với cư dân mạng, các công ty khởi nghiệp và nhà đầu tư ở Trung Quốc đã tỏ ra thông cảm hơn với ByteDance. Nhiều người đồng ý rằng nếu thỏa thuận của Microsoft được thông qua, đó có thể là "kết quả tồi tệ nhất" đối với TikTok.
"Họ bị mắc kẹt trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan", ông William Bao Bean, đối tác chung của Chinaccelerator, một tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp tại Trung Quốc bình luận. "Chúng ta đang ở trong một môi trường pháp lý thay đổi nhanh chóng. Tôi nghĩ rằng người tiêu dùng có thể muốn tiếp tục sử dụng dịch vụ và đây là một cách tiềm năng để thực hiện điều đó. Rõ ràng, tôi không nghĩ đó là điều ByteDance thực sự muốn."
"Tôi nghĩ rằng đó là một kết quả tốt cho tất cả các bên. Microsoft tất nhiên được hưởng lợi rất nhiều từ việc tham gia vào sân chơi truyền thông xã hội. ByteDance nhận được một khoản thanh toán tốt, và Bytedance cùng chính phủ Trung Quốc sẽ tương đối thân thiện với Microsoft", CEO của AppInChina đánh giá.
Cộng đồng công nghệ cũng đánh giá câu chuyện của TikTok là điều rất hiếm khi xảy ra. Bởi trên thực tế, không có nhiều công ty internet có thể tiến từ Trung Quốc sang thị trường phương Tây sớm và thành công như thế này.
"Hầu hết các giải pháp được xây dựng cho Trung Quốc đều không giải quyết được vấn đề mà mọi người ở phương Tây gặp phải", ông Bao Bean nói.
Hiện tại, so với ứng dụng thì các trò chơi từ Trung Quốc đang có cơ hội chinh phục thị trường phương Tây tốt nhất, như việc Tencent đang tiến hành các thương vụ mua lại thành công. Còn các nhà phát triển nhỏ hơn thì dựa vào chiến lược phát triển lĩnh vực game di động, mảng mà mọi người không đặt nặng vấn đề nguồn gốc.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận