Google ngày càng cho kết quả "lạc lạc" so với mục tiêu tìm kiếm của người dùng
Trong những năm gần đây khi công nghệ ngày càng phát triển và Google đang ngày càng cho thấy những hướng đi "lệch lạc" so với kế hoạch ban đầu khi các kết quả tìm kiếm của ông lớn công nghệ đang hướng người dùng đến các sản phẩm được trả tiền nhiều hơn là mục tiêu tìm kiếm của người dùng theo tiêu chí "10 liên kết xanh".
- Thế giới siết chặt Facebook, Google để tránh 'lộng quyền'
- 3 cách mà Google Home có thể giúp việc học tập của bọn trẻ dễ dàng hơn
- AI của Google tạo đột phá khi phân tích cấu trúc protein được coi là động lực của sự sống trên trái đất
Ngày nay, khi muốn tìm kiếm thông tin gì, đa phần người dùng sẽ nghĩ đến Google, nhất là trong lĩnh vực mua sắm. Những năm trước đây, không ít người tin rằng Google là "Thụy Sĩ của mua sắm trực tuyến", bởi nó cung cấp các kết quả trung lập từ hàng chục nghìn nội dung trả về theo từ khóa mỗi giây.
Theo thống kê, chỉ riêng tại châu Âu, Google chiếm 92% thị phần tìm kiếm, xếp vị trí thứ hai là Bing của Microsoft - 3%. Thế nhưng, giới chuyên gia cho rằng Google đang xa rời tiêu chí "10 liên kết xanh" - 10 liên kết trung lập hiển thị đầu tiên trên trang tìm kiếm vốn được công ty Mỹ đưa ra kể từ khi ra mắt, năm 1998.
Sau hơn 20 năm, giờ đây Google đang cho quảng cáo xuất hiện nhiều nhất có thể lên trang tìm kiếm. Thậm chí, chúng xuất hiện lên đầu tiên, giống một kết quả trả về thông thường. Nếu không để ý kỹ, người dùng dễ dàng nhấp vào các liên kết này. Tất nhiên, Google sẽ được tiền từ đó, nhưng họ đang rời xa tiêu chí ban đầu.
Các kết quả tìm kiếm mà Google trả cho người dùng đang ngày càng sai lệch so với mục tiêu. Ảnh: wired
"Tiền đang chi phối kết quả tìm kiếm trên Google. Không phải lúc nào bạn cũng tìm được kết quả như ý muốn ở trên cùng của trang tìm kiếm. Đó không còn là một sân chơi bình đẳng", Charlotte Sheridan, Giám đốc Viện Small Biz - công ty chuyên quảng bá thương hiệu trên Google và các mạng xã hội - nhận xét.
Telegraph đã thử bằng cụm từ khóa "khách sạn giá rẻ ở London". Bốn kết quả đầu tiên mà Google trả về là quảng cáo, tiếp đến là giao diện thu gọn của Google Maps với tên của bốn khách sạn khác nhau. Những nội dung từ Google Maps cũng là quảng cáo.
Những thông tin này lấp đầy màn hình ở đầu kết quả tìm kiếm. Để tìm các liên kết trung lập, người dùng cần thêm thao tác lăn chuột. 10 kết quả tìm kiếm tiếp theo hiện ra. Cuối cùng là thêm hai liên kết quảng cáo, trước khi dãy chữ Google nhiều màu sắc đưa người dùng đến trang tiếp theo.
Theo Google, các công ty du lịch có thể đặt quảng cáo trên Google Maps để hiển thị trên Google Search. Hãng tìm kiếm khẳng định việc quảng cáo vẫn tuân thủ nguyên tắc cộng đồng, đồng thời cũng có các thỏa thuận với công ty du lịch nhằm đưa ra ưu đãi tốt nhất cho người dùng. Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng đúng.
Chẳng hạn, bốn khách sạn hiển thị trên kết quả tìm kiếm mà Telegraph thử nghiệm có mức giá mỗi đêm là 19 bảng (2 khách sạn có cùng mức giá), 21 bảng và 28 bảng Anh.
Kiểm tra qua Kayak, một website về du lịch và đặt phòng khách sạn, kết quả trả về là 4 mức giá rẻ nhất - tương ứng 17, 19, 20 và 21 bảng. Phải mất hai lần cuộn trang, các khách sạn mà Google đề xuất hàng đầu mới xuất hiện trên Kayak.
Những năm gần đây, ngày càng nhiều người nghi ngờ kết quả tìm kiếm của Google, khi quảng cáo liên tục xuất hiện. Theo các chuyên gia, điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng của những gì người dùng thấy trước màn hình.
"Có phải Google Search đang trở nên tồi tệ hơn hay không, hay chỉ mình tôi có cảm giác đó?", một người dùng Reddit đưa ra nghi vấn. "Tại sao các cụm từ tìm kiếm cụ thể của tôi bị bỏ qua và nhiều kết quả không liên quan khác lại được đẩy lên hàng đầu", một người dùng Quora đặt câu hỏi.
Các kết quả tìm kiếm hiển thị đầu tiên rất quan trọng. Theo thống kê của Sistrix năm 2020, khoảng 28% người dùng nhấp vào các kết quả tìm kiếm không được tài trợ trên Google. Sau những hiển thị đầu tiên, việc nhấp chuột giảm đáng kể. Càng về sau, lượt nhấp chuột càng ít.
Nhiều cơ quan thuộc chính phủ trên toàn cầu đang chú ý đến các cáo buộc từ những công ty du lịch, các nhà bán lẻ bên thứ ba. Những doanh nghiệp này tố cáo Google đã theo dõi các website như Yelp hoặc Expedia để "đánh chặn" các nội dung tìm kiếm.
Yelp, một nền tảng đánh giá địa điểm, đã cáo buộc Google ăn cắp nội dung của họ trong việc tìm kiếm, chuyển hướng số click chuột từ website của họ vào Google. Yelp từng bày tỏ lo ngại này, nhưng Google được cho là đã đe dọa sẽ không cho nội dung từ công ty này hiển thị lên kết quả tìm kiếm nếu phản đối.
Liên minh châu Âu (EU) từng điều tra Google và phạt tập đoàn này vì đã quảng cáo sản phẩm của chính mình trên nội dung của các đối thủ cạnh tranh. Google đang kháng cáo. Công ty cũng từng nhiều lần phủ nhận các cáo buộc từ cơ quan quản lý ở châu Âu, Mỹ và Anh về cạnh tranh không lành mạnh, đồng thời khẳng định mục tiêu của hãng là cung cấp dịch vụ tìm kiếm tốt nhất cho người dùng.
Tại Mỹ, Bộ Tư pháp đã mở không ít cuộc điều tra nhằm vào Google, trong đó cáo buộc công ty "sử dụng các chiến thuật chống cạnh tranh để duy trì và mở rộng sự độc quyền của mình trên thị trường tìm kiếm và quảng cáo tìm kiếm" trong nhiều năm.
Theo một số email nội bộ Google do Bộ Tư pháp Mỹ thu thập được, các lãnh đạo cấp cao của hãng này từng bày tỏ lo ngại công ty có thể mất thị phần vào các website tìm kiếm chuyên về các lĩnh vực có tỷ suất lợi nhuận cao như du lịch, khách sạn.
Tại phiên điều trần diễn ra tháng 7 năm ngoái, David Cicilline, Chủ tịch Tiểu ban chống độc quyền của Hạ viện Mỹ, chỉ trích mô hình kinh doanh của Google là "có vấn đề".
Cicilline nói Google có "những hiểu biết sâu sắc về sự giám sát lưu lượng truy cập web để xác định đối thủ tiềm năng", cũng như "tăng cường hiển thị website và sản phẩm của mình lên đầu" trong kết quả tìm kiếm. "Đó chẳng phải là hành vi chống lại sự cạnh tranh hay sao?", Cicilline chất vấn Sundar Pichai, CEO Alphabet - công ty mẹ của Google.
John Cawdery, một cựu Giám đốc phụ trách quảng cáo toàn cầu của Google, cho rằng, với mức đầu tư tiền "tấn" cùng các kỹ sư giỏi nhất, thật khó để nhận xét rằng công cụ tìm kiếm của hãng này kém hiệu quả.
"Một cụm từ tìm kiếm có thể dẫn người dùng đến chính xác những gì họ muốn thấy. Vấn đề là nó hơi độc đoán, bởi các nội dung được hiển thị chủ yếu liên quan đến Google", Cawdery, CEO hãng quảng cáo Incubeta, nhận xét.
Trớ trêu là những công ty đang phàn nàn về sự độc quyền của Google lại đang là đối tác quảng cáo lớn nhất của hãng này. Hãng nghiên cứu Skift Research ước tính, trên toàn cầu, ngành du lịch, bao gồm Expedia và Booking.com, đã chi khoảng 16 tỷ USD cho quảng cáo trên Google chỉ riêng năm 2019.
Những năm qua, Google đang dần khiến người dùng ngày càng phụ thuộc vào hệ sinh thái của mình. "Các hoạt động thao túng nội dung tìm kiếm trên Google đã gây ra tổn hại đáng kể cho người tiêu dùng. Nhiều dịch vụ tốt nhất đang tồn tại, nhưng chúng bị loại khỏi kết quả tìm kiếm và thay thế bằng nội dung trả phí", Shivaun Raff, người đồng sáng lập website so sánh Foundem, nói.
Theo Raff, việc Google ưu tiên quảng cáo của những đơn vị sẵn sàng trả tiền sẽ gây bất lợi cho người dùng. "Người tiêu dùng có thể phải trả nhiều tiền hơn cho một sản phẩm, dịch vụ mà không hề hay biết", bà Raff nói.
Theo Tạp chí Điện tử/Telegraph
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận