Mỹ dàn xếp xong tranh cãi với EU về thuế công nghệ
Dù các quy định về thuế kỹ thuật số vẫn chưa được thực thi nhưng để bảo vệ các "ông lớn" công nghệ của mình, Mỹ đã thực hiện đàm phán nhằm tránh những xung đột trong tương lai đặc biệt là khi thoả thuận thuế tối thiểu toàn cầu cũng sẽ có hiệu lực vào năm 2023.
- Canada đơn phương áp thuế kỹ thuật số từ 1/1/2022
- Google tăng thu bù chi vì thuế kỹ thuật số tại châu Âu
- Mỹ sẽ có phản hồi với các chính sách đánh thuế kỹ thuật số của Pháp
Bộ Tài chính và Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) thông báo ngày 21/10, Washington đã giải quyết được vấn đề then chốt trong xung đột thương mại với châu Âu sau khi ký thỏa thuận chấm dứt các loại Thuế dịch vụ kỹ thuật số (DST) gây tranh cãi đối với các công ty công nghệ khổng lồ của Mỹ.
Trong một tuyên bố hoan nghênh thỏa thuận, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai cho biết: "Chúng tôi đã đạt được thỏa thuận về DST phù hợp với thỏa thuận toàn cầu lịch sử của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), qua đó giúp chấm dứt cuộc đua giảm thuế doanh nghiệp đa quốc gia bằng cách san bằng sân chơi thuế doanh nghiệp".
Thuế kỹ thuật số được xem là nguyên nhân của các cuộc "đối đầu" thương mại giữa Mỹ và EU.
Theo thỏa thuận, Mỹ và châu Âu sẽ chấm dứt đánh thuế các công ty Công nghệ lớn (Big Tech) sau khi thỏa thuận thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu có hiệu lực, dự kiến vào năm 2023. Tất cả các khoản thuế được thanh toán cho DST trong giai đoạn chuyển tiếp sẽ được ghi vào hóa đơn thuế trong tương lai.
Washington sẽ loại bỏ thuế trừng phạt đối với các sản phẩm từ Áo, Pháp, Italy, Tây Ban Nha và Anh. Mỹ yêu cầu rút lại ngay lập tức các khoản phí phân biệt đối xử đối với các công ty công nghệ khổng lồ của Mỹ như Amazon, Apple và Google, trong khi các quốc gia châu Âu mong muốn điều này sẽ được thực hiện khi chế độ thuế mới được thực thi.
Trong một tuyên bố chung, các quốc gia châu Âu nói trên đánh giá: "Thỏa thuận trên thể hiện một giải pháp thiết thực". Các quan chức và ngành công nghiệp châu Âu cũng lên tiếng hoan nghênh thỏa thuận.
Trên mạng xã hội Twitter, Ủy viên Thương mại EU Valdis Dombrovskis chia sẻ: "Đây là một tin tốt lành. Tôi hoan nghênh thỏa thuận hôm nay. Chúng ta sẽ tiến thêm một bước nữa trong hợp tác về thuế doanh nghiệp sau thỏa thuận toàn cầu mang tính bước ngoặt tại OECD".
Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak cho biết thỏa thuận trên tạo một giai đoạn chuyển tiếp cho DST của nước này. Ông nói: "Thỏa thuận này có nghĩa là DST của chúng tôi được bảo vệ khi chúng tôi chuyển sang năm 2023, vì vậy nguồn thu từ loại thuế này có thể được dùng cho các dịch vụ công quan trọng".
Về phần mình, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Máy tính & Truyền thông (CCIA) Matt Schruers cho biết: "Điều đáng khích lệ là sự đồng thuận mới về cải cách thuế toàn cầu dường như đang làm giảm căng thẳng thương mại và thuế quốc tế".
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận