Ngành CNTT từ gia công đến sáng tạo phần mềm trong thời đại 4.0
Sau nhiều năm ngành CNTT chủ yếu thực hiện các hợp đồng gia công phần mềm là chính, thì hiện nay Việt Nam đang tiến tới việc sáng tạo ra phần mềm đề xuất khẩu và mang lại giá trị lợi nhuận cao trong xu thế của CMCN 4.0.
- EVN chuyển giao phần mềm văn phòng điện tử cho Đại học Bách khoa Hà Nội
- VNPT bàn giao phần mềm E-Cabinet cho EVN
- Bến Tre: Khởi nghiệp sáng tạo có nhiều đất để phát triển du lịch thông minh
Ngành CNTT Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng tốt và được xác định là một trong những ngành xuất khẩu tiềm năng trong thời gian tới. Tuy nhiên, muốn nâng cao năng lực cạnh tranh và giá trị sản phẩm dịch vụ CNTT, Việt Nam cần có chiến lược thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo hợp lý.
Từ gia công đến sáng tạo phần mềm
Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Chủ tịch danh dự Liên minh VNITO Alliance, Giám đốc Công viên phần mềm Quang Trung phân tích, sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã tạo điều kiện để Việt Nam tiếp cận và vận dụng thành tựu của các nước tiên tiến trên thế giới. Sau một khoảng thời gian làm gia công phần mềm cho nước ngoài, các doanh nghiệp Việt Nam đã tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm, kỹ năng để chuyển sang giai đoạn sáng tạo những sản phẩm độc lập, được thế giới công nhận. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhiều năm cũng tạo ra động lực để doanh nghiệp triển khai các hoạt động đổi mới, sáng tạo. Cùng với đó, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ngày càng được nâng lên, đặc biệt là tại Thành phố Hồ Chí Minh, đã tạo sức bật cho ngành CNTT Việt Nam phát triển.
Theo ông Lâm Nguyễn Hải Long, với gần 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp, Việt Nam đang có tỷ lệ các công ty khởi nghiệp cao thứ ba ở Đông Nam Á. Trong đó, các công ty công nghệ của Việt Nam đang bắt kịp xu hướng phát triển công nghệ mới của thế giới trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 ở hầu hết các lĩnh vực: dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI/ML), IoT, Blockchain, chuyển đổi số… Đây sẽ là cơ hội vàng để ngành công nghiệp CNTT của Việt Nam bứt phá, trở thành "Trung tâm đổi mới – Innovation Hub" hàng đầu tại Đông Nam Á.
Nhận định trên được nhiều chuyên gia đồng tình trong bối cảnh nền kinh tế số của khu vực Đông Nam Á vừa đạt đến một cột mốc mới, chạm ngưỡng 100 tỷ USD lần đầu tiên trong năm 2019, tăng tới 72 tỷ USD so với năm 2018 và Việt Nam là một trong hai nước có tốc độ tăng trưởng dẫn đầu trong khu vực, vượt mức 40% một năm.
Ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) cho rằng, ngành CNTT tại Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt chưa từng có với tốc độ phát triển nhanh và ấn tượng, đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng GDP và ngân sách nhà nước. Ứng dụng và phát triển CNTT góp phần giải phóng sức lực, nâng cao chất lượng cuộc sống, thúc đẩy công cuộc đổi mới, hỗ trợ hiệu quả quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, để hiện đại hóa và phát triển bền vững.
Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh luôn đi đầu trong làn sóng đổi mới và bùng nổ khởi nghiệp, số lượng các công ty khởi nghiệp chiếm gần 50% của cả nước. Việc triển khai lắp đặt trạm 5G đầu tiên tại Việt Nam ở Thành phố Hồ Chí Minh kỳ vọng sẽ giúp cho hoạt động của thành phố trở nên năng động hơn trong tương lai và dẫn đầu cả nước trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số.
Khai thác thị trường CNTT theo hướng sáng tạo
Ông Lâm Nguyễn Hải Long cho biết, nếu 15 năm trước, xuất khẩu dịch vụ CNTT của Việt Nam chỉ đơn thuần là lập trình, viết code thuê, gia công cho các công ty nước ngoài. Khoảng 5 năm trở lại đây, sản phẩm CNTT mang tính sáng tạo của Việt Nam đã bắt đầu xuất hiện. Nhờ đó, ngành CNTT của Việt Nam đang nhận được sự quan tâm của nhiều nước và trở thành động lực cho hoạt động đổi mới sáng tạo ở khu vực châu Á.
Theo phân tích của ông Long, việc chuyển đổi từ gia công sang sáng tạo sản phẩm dịch vụ CNTT không chỉ giúp nâng cao giá trị gia tăng lên 20 - 40 lần mà còn khẳng định được thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường công nghệ thế giới. Chính vì vậy, VNITO Alliance khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, nâng cấp các trung tâm nghiên cứu, phát triển của mình để tạo ra những sản phẩm có khả năng xuất khẩu ra khu vực và toàn cầu.
Nhiều chuyên gia công nghệ đánh giá, các doanh nghiệp CNTT của Việt Nam khá nhạy bén và đang chủ động cải thiện hoạt động đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, những hoạt động này còn mang tính riêng biệt ở từng doanh nghiệp, xuất phát từ sự thúc đẩy của thị trường. Trong khi đó, để hoạt động đổi mới sáng tạo có thể phát triển bùng nổ, các nhà hoạch định chính sách phải “mở đường” bằng việc tạo hành lang chính sách thông thoáng, cởi mở hơn.
Vấn đề mấu chốt trong quá trình hình thành và phát triển mỗi lĩnh vực là phải tạo ra được thị trường cho sản phẩm, dịch vụ của lĩnh vực đó. Đối với ngành CNTT Việt Nam, trước hết cần xây dựng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước đủ lớn để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư. Ngoài ra, để đưa sản phẩm dịch vụ CNTT ra nước ngoài, chỉ có sản phẩm tốt là chưa đủ mà phải có chiến lược quảng bá, xúc tiến thương mại hiệu quả.
Chia sẻ về xu hướng phát triển, ông Will Nguyễn, Giám đốc CNTT Tập đoàn KPMG Việt Nam cho rằng, mô hình kinh tế dựa vào các vật liệu sẵn có, dễ kiếm đã không còn ưu thế cạnh tranh, thay vào đó là nền kinh tế dựa trên sự đổi mới sáng tạo và các công nghệ mới. Khảo sát của KPMG cho thấy, các lĩnh vực được doanh nghiệp ưu tiên hàng đầu hiện nay là CNTT, tiếp đến là giải trí, ngân hàng và truyền thông. Một trong những phương thức kinh doanh hiệu quả hiện nay là sử dụng công nghệ phân tích, theo dõi thói quen tiêu dùng của khách hàng để phát triển thị trường.
Tại Việt Nam, ngành CNTT đang có tốc độ tăng trưởng rất nhanh nhưng mức độ đầu tư cho công nghệ, hoạt động nghiên cứu và phát triển còn khá thấp so với khu vực. Cụ thể, trung bình mỗi doanh nghiệp Việt Nam chỉ chi 2% chi phí đầu tư cho công nghệ, hoạt động nghiên cứu và phát triển, trong khi mức chi này ở các nước khác trong khu vực là 5%. Thêm vào đó, doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang đầu tư vào chuyển đổi và tự động hóa mà chưa đầu tư nhiều cho dữ liệu và an ninh mạng.
Ông Mark Birch, Giám đốc Khu vực châu Á - Thái Bình Dương Stack Overflow nhận định, dịch vụ CNTT là một loại hàng hóa dễ dàng trao đổi ở phạm vi rộng và được nhiều doanh nghiệp sử dụng để tăng trải nghiệm cho khách hàng. Tuy nhiên, trên thực tế, Việt Nam không có nhiều doanh nghiệp tận dụng được những thành tựu đổi mới sáng tạo để tối ưu hóa hoạt động của mình, bởi chưa xây dựng được đội ngũ vận hành đổi mới sáng tạo phối hợp ăn ý, nhuần nhuyễn.
Theo ông Mark Birch, nhiều tổ chức, doanh nghiệp đang cố gắng xây dựng nền tảng cơ sở dữ liệu lớn nhưng không cập nhật thường xuyên nên thông tin đó trở nên lạc hậu. Vì vậy, việc thiết lập thêm nhiều kho dữ liệu độc lập là không cần thiết, thay vào đó cần xây dựng thói quen cập nhật và chia sẻ thông tin. Các doanh nghiệp muốn thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp cần hội đủ các yếu tố gồm văn hóa coi trọng người kỹ sư, có năng lực về kỹ thuật và tài chính, có nhận thức chia sẻ thông tin và được kết nối với hệ sinh thái phù hợp.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận