Nhân lực chất lượng cao - Điểm yếu của doanh nghiệp công nghệ ứng phó với diễn biến của dịch bệnh
Trong giai đoạn hiện nay, các doanh nghiệp công nghệ không chỉ phải đối mặt với khó khăn của dịch COVID-19 mà còn là vấn đề về nhân lực chất lượng cao còn thiếu và yếu trong đáp ứng yêu cầu công việc ngày càng cao trong quá trình thực hiện chuyển đổi số.
- CMCN 4.0: Một số vấn đề về quản trị nhân lực trong Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4
- Kinh nghiệm quản lý nguồn nhân lực của Australia trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0
- Nhân lực số - Trụ cột quan trọng của nền kinh tế số thích ứng với thời kỳ hậu COVID-19
Trong một nghiên cứu mới đây do Vietnam Report tiến hành liên quan tới ngành công nghệ thông tin và viễn thông đã chỉ ra 5 chiến lược cần ưu tiên của các doanh nghiệp công nghệ để ứng phó với bối cảnh dịch bệnh.
Theo đó, lần lượt sẽ là tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; nâng cao hệ thống quản trị, đặc biệt là hệ thống quản trị rủi ro; tăng cường hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D); nâng cao năng lực cạnh tranh so với những đối thủ công nghệ khác và cải thiện chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng.
Theo ông Vũ Đăng Vinh, Tổng Giám đốc Vietnam Report, trước những khó khăn từ sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, các doanh nghiệp công nghệ thông tin và viễn thông trong thời gian tới sẽ tập trung đẩy mạnh việc tăng cường đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao trong công việc.
Nhân lực chất lượng cao là vấn đề lớn mà các doanh nghiệp công nghệ cần tập trung phát triển.
Cụ thể, đã có nhiều doanh nghiệp sử dụng mô hình đào tạo Fresher, nghĩa là tiếp cận và mời các bạn sinh viên có tiềm năng đến thực tập tại công ty ngay từ khi còn đang học năm 3, năm 4 để đào tạo và áp dụng các kiến thức được học trong môi trường thực tế.
Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng tạo điều kiện để nhân viên học thêm các khóa đào tạo về công nghệ thông tin và nâng cao trình độ ngoại ngữ thông qua việc mua các tài khoản học trực tuyến. Song song với đó, hệ thống sẽ thống kê và có phần thưởng nhằm khuyến khích và ghi nhận sự tiến bộ của từng nhân viên trong công ty.
Chiến lược ưu tiên tiếp theo của các doanh nghiệp công nghệ thông tin là nâng cao hệ thống quản trị, đặc biệt là hệ thống quản trị rủi ro. Sau nhiều biến động trong thời gian vừa qua, với sự xuất hiện và tác động rất lớn từ đại dịch COVID-19, trong năm 2021, nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin và viễn thông vẫn sẽ tiếp tục nâng cao hệ thống quản trị; đồng thời, tăng cường hoạt động nghiên cứu và phát triển để nâng cao năng lực cạnh tranh so với các đối thủ công nghệ khác.
Đây cũng chính là hai vấn đề được xem là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này trong thời gian tới. Qua đó có thể thấy, các doanh nghiệp ngành công nghệ đã sẵn sàng đối mặt với thử thách và quyết tâm vượt qua nó.
Bên cạnh các chiến lược về quản trị, việc cải thiện chất lượng và dịch vụ chăm sóc khách hàng vẫn được doanh nghiệp công nghệ thông tin và viễn thông đặc biệt quan tâm.
Theo một khảo sát do Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) mới tiến hành gần đây đối với các doanh nghiệp công nghệ thông tin và viễn thông cho thấy, hơn 82% ý kiến phản hồi rằng "cú hích" của đại dịch COVID-19 đã đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số ở các doanh nghiệp.
Đây cũng là 1 trong 3 cơ hội chính để phát triển ngành công nghệ thông tin và viễn thông ở Việt Nam trong vài năm tới đây. Chuyển đổi số là chuyển đổi cách vận hành của doanh nghiệp trên nền tảng hệ thống công nghệ thông tin, do đó, nó phải xuất phát từ vấn đề nghiệp vụ. Cốt lõi của chuyển đổi số là hệ thống nghiệp vụ của doanh nghiệp hay còn gọi là hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp.
Cũng theo các chuyên gia tham gia khảo sát của Vietnam Report, chuyển đổi số dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) thường sử dụng các ứng dụng để ở chế độ đám mây (on cloud).
Bản thân các doanh nghiệp đó không xây dựng mạng nội bộ như trước đây và phần lớn đẩy hết lên cloud. Họ cũng không mua các ứng dụng được đặt hàng riêng cho từng doanh nghiệp mà dùng trực tiếp các ứng dụng khá chuyên nghiệp và được thiết kế chung cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đây chính là mảng thị trường mà các doanh nghiệp công nghệ thông tin viễn thông Việt Nam đang làm khá tốt. Tuy nhiên, vì số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa quá lớn dẫn đến mỗi doanh nghiệp lại có một nhu cầu riêng, nên khoảng trống này sẽ là điều kiện cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin phát huy năng lực của mình.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận