TikTok tuyên bố bám trụ dù có bất kỳ sức ép nào từ Mỹ
Theo tuyên bố mới nhất từ ByteDance cho biết sẽ không rời thị trường lớn nhất của mình và hoãn lại thương vụ chuyển nhượng với Microsoft giữa lúc sức em của chính quyền Mỹ đang ngày một lớn.
- 'Nỗi oan Thị Mầu' TikTok trong mắt Mỹ
- Facebook – TikTok khẩu chiến
- Cấm Tik Tok ở Mỹ - Tại sao không?
Tuyên bố này được lý giải là do Mỹ hiện đang là thị trường lớn nhất của TikTok.
Ngày 1/8, đại diện TikTok tuyên bố hiện "không có kế hoạch rời khỏi Mỹ” sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo cấm ứng dụng chia sẻ video nổi tiếng của Trung Quốc hoạt động tại Mỹ.
Trong một tuyên bố đưa ra trên nền tảng TikTok, Giám đốc TikTok tại Mỹ, bà Vanessa Pappas khẳng định: “Chúng tôi không có kế hoạch đi đâu hết”, đồng thời lưu ý công ty dự kiến tạo thêm 10.000 việc làm tại Mỹ trong 3 năm tới.
Hiện nền tảng trực tuyến này tuyển dụng 1.500 nhân viên tại Mỹ. Bà Pappas nhấn mạnh công ty đang nỗ lực đem đến cho người dùng một “ứng dụng an toàn nhất” giữa lúc giới chức Mỹ lo ngại về vấn đề bảo mật dữ liệu.
Ứng dụng TikTok đặc biệt phổ biến trong giới trẻ và hiện có khoảng 1 tỷ người dùng trên toàn thế giới. Tuy nhiên, giới chức Mỹ gần đây lo ngại mạng xã hội này có nguy cơ được dùng làm công cụ của tình báo Trung Quốc.
Công ty mẹ của TikTok - tập đoàn ByteDance đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc này. Ngày 31/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo đang cân nhắc cấm ứng dụng này hoạt động tại Mỹ và bày tỏ không ủng hộ việc cho phép một công ty nước này mua lại TikTok.
Cùng ngày, tờ Wall Street Journal dẫn các nguồn thạo tin cho biết các cuộc đàm phán giữa tập đoàn ByteDance và tập đoàn công nghệ Microsoft về nhượng lại quyền sở hữu đối với chi nhánh TikTok hoạt động tại Mỹ đã bị tạm hoãn.
Dù trước đó, Báo The New York Times đã dẫn các nguồn thạo tin cho biết quyết định trên của TikTok được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Trump đang cân nhắc ban hành các biện pháp mạnh tay, theo đó buộc TikTok phải tách khỏi công ty mẹ - tập đoàn ByteDance.
Theo một nguồn tin giấu tên, Ủy ban Đầu tư nước ngoài của Mỹ (Cfius) đang xem xét thương vụ năm 2017 của ByteDance, khi tập đoàn này mua Musical.ly và sau đó chuyển đổi công ty này thành TikTok, qua đó tạo ra một phương tiện truyền thông xã hội ở Mỹ - ứng dụng Trung Quốc đầu tiên thực hiện các giao dịch như vậy.
Khi TikTok trở nên phổ biến hơn, các quan chức Mỹ đã lo ngại về khả năng Chính phủ Trung Quốc sử dụng ứng dụng này để lấy dữ liệu của công dân Mỹ, qua đó có thể gây ra mối đe dọa an ninh quốc gia đối với Washington.
Cfius đã quyết định yêu cầu ByteDance thoái vốn chi nhánh TikTok tại Mỹ và Chính phủ Mỹ đang tham gia các cuộc đàm phán về các điều khoản trong kế hoạch chia tách ByteDance và TikTok.
Ngày 31/7, người đứng đầu ủy ban trên - Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven T. Mnuchin đã thông báo với Tổng thống Trump về kế hoạch yêu cầu thoái vốn trên.
Mặc dù vậy, Tổng thống Trump vẫn chưa đưa ra quyết định cụ thể như Mỹ có áp dụng lệnh thoái vốn đối với tất cả các hoạt động của TikTok tại Mỹ hay không và liệu hành động của Washington có ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của ứng dụng này trên toàn cầu hay không.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận