Tương lai nào cho Facebook sau làn sóng tẩy chay?
Facebook sẽ chịu tổn thất từ chiến dịch tẩy chay quảng cáo hay tiếp tục 'vững như bàn thạch' nhờ các cơ hội mới?
- Chiến dịch tẩy chay Facebook đã "thổi bay" hàng tỉ USD trên thị trường tài chính
- Làn sóng tẩy chay Facebook: Công ty mất 56 tỷ USD, CEO mất 7,2 tỷ USD
- Làn sóng tẩy chay quảng cáo "bùng phát" khi Facebook xuất hiện quá nhiều phát ngôn thù địch
Gần 2 tháng, Facebook phải xử lý làn sóng chỉ trích vì chính sách quản trị nội dung, đặc biệt là nội dung thù ghét và xuyên tạc trên nền tảng. Công ty phải thay đổi một số chính sách và nỗ lực hơn trong ngăn chặn các nội dung này.
Tuy nhiên, các nhà hoạt động dân quyền không hài lòng, khẳng định sẽ tiếp tục gây sức ép để mạng xã hội đáp ứng yêu cầu của họ, chẳng hạn cấm quảng cáo chính trị chứa sự lừa dối.
Đây không phải lần đầu chính sách quản lý nội dung của Facebook bị đặt vào tầm ngắm song nó khác hoàn toàn những lần trước. Nhân viên bày tỏ sự bất mãn đối với công ty, trong khi hàng trăm doanh nghiệp dùng tiền lực để vận động thay đổi từ bên ngoài.
Áp lực là thách thức không nhỏ đối với mong muốn duy trì nền tảng tự do thể hiện của CEO Mark Zuckerberg. Dù vậy, quy mô và quyền lực của Facebook – cũng như tầm ảnh hưởng nội bộ của Zuckerberg – đồng nghĩa chưa có gì rõ ràng.
Hai tuần sóng gió
1/6: Nhân viên Facebook tổ chức tuần hành ảo vì quyết định không làm gì đối với hàng loạt bài viết gây tranh cãi của Tổng thống Donald Trump, trong đó có cụm từ “súng nổ khi có cướp bóc” mang tính chất phân biệt chủng tộc. Twitter đã dán nhãn cảnh báo với bài viết tương tự vì vi phạm quy định kích động bạo lực.
2/6: Zuckerberg tổ chức cuộc họp ảo với toàn bộ nhân viên để biện minh cho quyết định của mình song không nhận được thông cảm từ mọi người. Brandon Dail, một kỹ sư Facebook, đăng tweet: “Ngày hôm nay làm sáng tỏ việc lãnh đạo từ chối đứng cùng chúng ta”.
17/6: Facebook nói sẽ cho phép người dùng chặn quảng cáo chính trị. Cùng ngày, liên minh các tổ chức phi lợi nhuận tung ra chiến dịch #StopHateForProfit, kêu gọi doanh nghiệp tạm dừng quảng cáo trên Facebook trong tháng 7 vì công ty liên tục thất bại trong việc xử lý vấn đề tuyên truyền thù ghét trên các nền tảng.
18/6: Facebook xóa quảng cáo từ chiến dịch vận động tranh cử của ông Trump do vi phạm chính sách thù địch.
19/6: Hãng quần áo dã ngoại The North Face trở thành thương hiệu lớn đầu tiên tham gia tẩy chay.
23/6: Thêm nhiều nhãn hàng nổi tiếng khác tham gia chiến dịch. Trong cuộc gọi với các nhà quảng cáo, một lãnh đạo Facebook thừa nhận mạng xã hội này đang đối mặt với thiếu hụt niềm tin.
26/6: Danh sách các nhà quảng cáo tẩy chay Facebook tiếp tục nối dài, bao gồm Unilever, Coca-Cola. Cũng trong tuần này, Facebook viết email cho các nhà quảng cáo: “Chúng tôi không thay đổi chính sách dưới áp lực doanh thu”.
Cùng ngày, Zuckerberg thông báo Facebook sẽ cấm quảng cáo gọi người thiểu số, nhập cư và các nhóm người khác là mối đe dọa với sức khỏe hay an toàn của bất kỳ người dùng nào. Facebook cũng sẽ dán nhãn nội dung có giá trị tin tức nhưng vi phạm chính sách.
29/6: Cổ phiếu Facebook giảm 3% trước khi phục hồi, dấu hiệu cho thấy chiến dịch tẩy chay bắt đầu khiến nhà đầu tư lo ngại.
7/7: Zuckerberg và các lãnh đạo khác họp với thủ lĩnh chiến dịch tẩy chay để bàn về các yêu cầu. Sau cuôc họp, liên minh gọi đây là một thất bại và chỉ trích Facebook vì không cam kết hoặc đưa ra khung thời gian thực hiện thay đổi mà họ yêu cầu.
Điều gì tiếp theo?
Ngay lúc này, Facebook rõ ràng đang có vấn đề, đặc biệt sau khi nhóm vận động tỏ ra không hài lòng với Zuckerberg. Chiến dịch tẩy chay không giống bất kỳ điều gì mà Facebook từng trải qua trong lịch sử. Song, động thái có thực sự tạo ra thay đổi lâu dài hay làm thiệt hại doanh thu cho công ty hay không còn phải chờ thời gian.
Dù những công ty tẩy chay Facebook đều nổi tiếng và ngân sách lớn, hầu hết doanh thu quảng cáo Facebook lại tới từ doanh nghiệp vừa và nhỏ, giúp cho mạng xã hội không bị ảnh hưởng quá nhiều về tài chính. Sau khi thời hạn tẩy chay kết thúc, một số có thể muốn quay lại để tiếp cận hàng tỷ người dùng và kho dữ liệu khổng lồ của nó.
Ngoài ra, Zuckerberg – người nắm quyền bỏ phiếu và không thể bị các cổ đông trục xuất – là một nhân tố khiến Facebook cứng rắn hơn trước áp lực bên ngoài so với hầu hết công ty khác.
Ngay cả trong những ngày tháng sóng gió, Facebook vẫn được ban cho cơ hội mới. Ngay sau khi Ấn Độ cấm TikTok, Instagram đã bắt đầu thử nghiệm tính năng mới Reels tại nước này.
Nó sẽ giúp Facebook tăng cường hiện diện hơn nữa tại một trong các thị trường lớn nhất thế giới và là dấu hiệu cho thấy mạng xã hội vẫn rộng đường phát triển bất chấp gặp phải thách thức vài tuần gần đây.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận