An toàn trong sử dụng điện sinh hoạt còn nhiều bất cập
Ngày 30/6, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH phối hợp với Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp và Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức Hội thảo “An toàn phòng cháy trong sử dụng điện sinh hoạt, sản xuất và kinh doanh”.
- 11 lý do khiến bạn không nên sử dụng điện thoại quá nhiều
- EVN khuyến cáo sử dụng điện tiết kiệm trong mùa nắng nóng
- Ngành Điện Hà Nội khuyến cáo khách hàng sử dụng điện tiết kiệm trong mùa nắng nóng
Trong thời gian qua Bộ Công an và Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ, chủ động, kịp thời tham mưu và đề xuất với Chính phủ, Quốc hội sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật như Luật Điện lực, Luật Phòng cháy và chữa cháy, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật phòng cháy và chữa cháy, Chỉ thị số 47-CT/TW, ngày 25/6/2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy.
Đồng thời Quốc hội cũng có những hoạt động tích cực như ban hành: Nghị quyết số 62/2018/QH14 ngày 15 tháng 6 năm 2018 của Quốc hội về thành lập Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018”; Nghị quyết 99/2019/QH13 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về việc tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy…
Tuy nhiên, thực trạng các vụ cháy xảy ra trên toàn quốc nói chung, các vụ cháy có liên quan đến việc sử dụng điện của các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp dịch vụ... sau công tơ nói riêng đang diễn ra hết sức phức tạp và ngày càng có chiều hướng gia tăng.
Theo Báo cáo số 41/BC-ĐGS, ngày 17/10/2019 400/BC-CP của Đoàn Giám sát của Quốc Hội về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về PCCC giai đoạn 2014-2018, các vụ cháy có nguyên nhân do sự cố hệ thống, thiết bị điện là trên 50%.
Lãnh đạo 3 đơn vị chủ trì Hội thảo.
Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng trao đổi, từ các đơn vị trong ngành điện, người sử dụng điện và chuyên gia, từ nhiều góc độ và cách tiếp cận khác nhau về thực trạng của công tác an toàn PCCC trong quản lý, sử dụng điện.
Hội thảo đã phân tích rõ những vướng mắc, chồng chéo của văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về lĩnh vực điện, PCCC; quản lý chất lượng từ khâu sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thiết bị điện; trách nhiệm thẩm định, nghiệm thu hệ thống, thiết bị điện của các cơ quan quản lý, chủ đầu tư; tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn và kiểm tra an toàn về PCCC đối với hệ thống điện tại các cơ sở, hộ gia đình.
Đồng thời, đưa ra các biện pháp, giải pháp nhằm hoàn thiện chính sách pháp luật, tăng cường các biện pháp quản lý an toàn điện và PCCC đối với hộ tiêu thụ; nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trong công tác quản lý, kiểm tra an toàn PCCC và điều tra nguyên nhân vụ cháy, nổ... có liên quan đến sử dụng điện.
Trong phạm vi quản lý của mình, EVN đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm ngăn ngừa các nguy cơ cháy nổ, gây mất an toàn, ảnh hưởng vận hành lưới điện như tăng cường thực hiện kiểm tra, rà soát chụp ảnh nhiệt, đo bắn nhiệt tại các vị trí, điểm tiếp xúc trên đường dây dẫn điện, trạm biến áp trung, hạ thế thuộc phạm vi quản lý để phát hiện sớm khả năng phát sinh cháy, nổ trên lưới điện vào thời điểm các phụ tải tăng cao; Đồng thời, kiểm tra nhằm phát hiện, thay thế kịp thời các vật liệu, thiết bị đã qua sử dụng lâu ngày hoặc chất lượng kém.
Ngoài ra, EVN thường xuyên phối hợp chính quyền địa phương, Cảnh sát PCCC tuyên truyền về sử dụng điện an toàn, hiệu quả đối với lưới điện sau công tơ của cơ sở, hộ tiêu thụ điện và tham gia các đoàn kiểm tra an toàn PCCC, an toàn sử dụng điện của cơ quan quản lý nhà nước tại các cơ sở, hộ tiêu thụ điện trên địa bàn.
Sau Hội thảo, Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, Cục KTAT&MTCN, EVN và các cơ quan liên quan sẽ đề xuất, kiến nghị hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC và an toàn điện, góp phần kiềm chế, giảm thiểu các vụ cháy và thiệt hại do nguyên nhân bất cẩn trong sử dụng điện gây ra, mặt khác tăng cường công tác tuyên truyền để tạo được sự đồng thuận cao của toàn xã hội về công tác phòng cháy trong sử dụng điện.
Kết luận hội thảo, Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC&CNCH và Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp đều khẳng định, nền kinh tế đất nước trong những năm qua phát triển với nhịp độ khá cao, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa nhanh ở hầu hết các địa phương.
Nhiều nhà cao tầng, cơ sở dịch vụ, vui chơi giải trí (chung cư, khách sạn, văn phòng, trung tâm thương mại...) có quy mô lớn được xây dựng, mở rộng; sự gia tăng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, kho chứa có nguy cơ cháy nổ đặc biệt cao; làng nghề truyền thống, nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh ngày càng tăng (theo thống kê, hiện có 811 đô thị các loại, 895 khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp; trên 265.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh và hơn 25 triệu hộ gia đình); cùng với đó, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao, nhu cầu sử dụng các thiết bị điện ngày càng nhiều. Những yếu tố phát triển đó kéo theo sự gia tăng tiêu thụ năng lượng điện, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ. Đồng thời nhấn mạnh các giải pháp về tăng cường công tác phòng chống cháy, nổ trong việc sử dụng điện sinh hoạt, kinh doanh, sản xuất và dịch vụ:
Một là: Nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến tham luận của các đơn vị, chuyên gia và bổ sung những vấn đề mới vào báo cáo tham luận và hoàn thiện bộ tài liệu “An toàn phòng cháy trong sử dụng điện sinh hoạt, sản xuất và kinh doanh”, đồng thời tiếp tục phối hợp với các nhà khoa học, cơ quan quản lý nghiên cứu mở rộng các vấn đề khác có liên quan đến an toàn PCCC trong sử dụng điện.
Hai là: Các cơ quan, đơn vị có liên quan trong phạm vi trách nhiệm của mình tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Công Thương, các Bộ, Ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai hiệu quả Nghị quyết số 99/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội khóa XIV về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về PCCC và Quyết định số 630/QĐ-TTg ngày 11/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 99/2019/QH14.
Ba là: Chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác quản lý, đánh giá chất lượng sản phẩm hàng hóa, thiết bị điện, kiểm tra, điều tra giải quyết các vụ cháy, nổ. Tập đoàn Điện lực Việt Nam cần chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc cử cán bộ, chuyên viên phụ trách an toàn tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về an toàn PCCC.
Bốn là: Cần có các quy định, chế tài đủ mạnh để buộc các chủ đầu tư, tổ chức, doanh nghiệp khi đầu tư xây dựng dự án, công trình phải nghiên cứu, nắm bắt rõ và vận dụng đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong thiết kế, lựa chọn thiết bị, lắp đặt và nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng bảo đảm vận hành an toàn, tin cậy; trong quá trình sử dụng điện khi có nhu cầu sử dụng thêm các thiết bị tiêu thụ điện cần phải báo cáo bên bán điện rà soát, đánh giá lại hệ thống đường dây dẫn, thiết bị bảo vệ có đáp ứng yêu cầu hay không, trường hợp không bảo đảm phải được cải tạo, thay thế đồng bộ trước khi đưa vào sử dụng; kiểm tra, bảo trì hệ thống, thiết bị điện, thay thế kịp thời các thiết bị hư hỏng hoặc không bảo đảm yêu cầu. Việc sử dụng điện phải bảo đảm quy định an toàn về PCCC.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận