Áp dụng thống nhất danh mục hàng hoá cấm lưu thông để thống nhất cách hiểu về hàng hoá thiết yếu
Để tạo điều kiện cho hàng hoá lưu thông cũng như xây dựng cách thức áp dụng chuẩn hoá cho các chốt kiểm soát dịch bệnh trong điều kiện áp dụng Chỉ thị 16, Bộ Công Thương cho rằng nên có danh mục hàng hoá cấm lưu thông thay vì các mặt hàng hoá thiết yếu cần được hiểu như thế nào.
- Hà Nội cung cấp đủ hàng hoá thiết yếu cho người dân Thủ đô theo "luồng xanh" nội thành
- Mã QR code sẽ là nền tảng chính trong xây dựng 'luồng xanh' quốc gia
- "Luồng xanh" Hà Nội định tuyến như thế nào trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội
Mặc dù Chính phủ đã quy định danh mục các mặt hàng thiết yếu, tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng nhưng mỗi địa phương lại có cách hiểu và áp dụng khác nhau.
Chính vì vậy, chiều 27/7, Bộ Công Thương có văn bản tốc gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất Chính phủ ban hành Danh mục hàng hóa “cấm lưu thông” thay vì liệt kê Danh mục “hàng hóa thiết yếu” được phép lưu thông.
Theo Bộ Công Thương, nếu đề xuất này được thông qua, các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp chỉ cần tham chiếu theo Danh mục hàng hóa cấm lưu thông (đây là danh mục hàng hoá, dịch vụ cấm hoặc hạn chế lưu thông theo quy định của pháp luật).
Xây dựng cách hiểu thống nhất về hàng hoá thiết yếu trong thực hiện giãn cách xã hội giúp việc lưu thông được thông suốt.
Cùng với đó, hàng hóa, dịch vụ còn lại không nằm trong danh sách này sẽ được cấp “thẻ xanh” để lưu thông trên địa bàn, địa phương, hoặc từ địa phương này sang địa phương khác.
Công văn số 4482 do Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải ký chiều ngày 27/7 nêu rõ: Thời gian vừa qua, khi một số tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 và đã xuất hiện tình trạng một số địa phương còn lúng túng và thực hiện thiếu thống nhất trong việc cho phép lưu thông hàng hóa.
Vì thế, để tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Y tế và Bộ GTVT đã liên tiếp có các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn địa phương về các vấn đề có liên quan đến lưu thông hàng hóa thiết yếu, góp phần thực hiện thống nhất các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 đối với các phương tiện vận tải hàng hóa thiết yếu khi lưu thông qua địa bàn tỉnh, thành phố; đồng thời yêu cầu các địa phương không được đặt ra các điều kiện cản trở việc lưu thông hàng hóa thiết yếu.
Cụ thể là công văn 1015/TTg-CN ngày 25/7 của Thủ tướng Chính phủ về việc vận chuyển hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống người dân vùng có dịch COVID-19; công văn số 4349/BCT-TTTN ngày 21/7 của Bộ Công Thương về việc hàng hóa, dịch vụ thiết yếu; công văn số 5753/BYT-MT ngày 19/7 của Bộ Y tế về việc xét nghiệm và tạo điều kiện thuận lợi cho người vận chuyển hàng hóa; công văn số 5886/BYT-MT ngày 22/7 của Bộ Y tế về việc vận chuyển hàng hóa và các công văn số 5017/TCĐBVN-VT ngày 19/7 của Bộ GTVT về việc tạo thuận lợi cho các phương tiện vận chuyển các loại hàng hoá thiết yếu và hàng hoá phục vụ sản xuất kinh doanh tại các địa phương áp dụng Chỉ thị 16.
Ngoài ra còn có công văn số 5223/TCĐBVN-VT ngày 25/7 của Tổng cục Đường bộ Việt Nam về việc điều chỉnh, bổ sung một số nội dung liên quan đến đăng ký Giấy nhận diện phương tiện có mã QRCode; công văn số 7630/BGTVT-VT ngày 27/7 của Bộ GTVT về việc tạo thuận lợi cho phương tiện vận chuyển hàng hoá thiết yếu, xe đưa đón công nhân, chuyên gia được lưu thông thuận lợi khi đi, đến hoặc đi qua khu vực thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg.
Tuy nhiên, do cách hiểu cũng như tổ chức triển khai thực hiện các văn bản nêu trên tại một số địa phương có khác nhau nên xảy ra tình trạng một số hàng hóa là nguyên liệu đầu vào của sản xuất hoặc phục vụ nhu cầu thiết yếu cho đời sống của người dân nhưng còn gặp khó khăn, thậm chí ách tắc khi lưu thông trên địa bàn, địa phương hoặc giữa các địa phương với nhau.
Nhằm xử lý vấn đề nêu trên và thống nhất về cách hiểu và áp dụng giữa các địa phương, trong Công văn số 4482, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép lưu thông như trong điều kiện bình thường các hàng hóa cần vận chuyển với điều kiện bảo đảm phòng, chống dịch COVID-19.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận