Bắc Giang mùa Vải thiều dệt cung đường đỏ
Cứ vào mỗi độ Vải thiều vào chính vụ từ khoảng cuối tháng 5 đến cuối tháng 7, các thương lái từ khắp nơi đổ về đây thu mua tạo nên những cảnh sắc vô cùng nhộn nhịp. Đặc biệt, những hàng dài xe máy chở vải nối đuôi nhau từ các khu vườn về địa điểm tập kết dệt lên những cung đường ngập tràn sắc đỏ vô cùng sống động.
- Bắc Giang phát triển hệ thống du lịch thông minh
- Bắc Giang xây dựng Đô thị thông minh, nâng cao cuộc sống của người dân
- Bắc Giang tổ chức trao giải báo chí về Khoa học và Công nghệ lần thứ nhất
Chợ vải Lục Ngạn nằm dọc hai bên đường Quốc lộ 31, kéo dài tới 20km từ xã Phượng Sơn đến xã Hồng Giang. Gọi là “chợ” vải cũng đúng mà gọi là “đường” vải cũng không sai, vì tới đây du khách sẽ choáng ngợp với cảnh buôn bán vô cùng tấp nập, tiếng ô tô, xe máy hòa vào tiếng người nói cười, mặc cả mua bán từ sáng sớm đến khi chiều tà.
Mỗi ngày, dọc theo một số tuyến đường tại huyện Lục Ngạn cảnh ùn tắc giao thông kéo dài hàng cây số do hàng nghìn lượt xe máy, ô tô nối đuôi nhau chở vải vừa thu hoạch đi bán.
Chia sẻ với Tạp chí Điện tử, nhiếp ảnh gia Vũ Bảo Ngọc cho biết, ở Bắc Giang có nhiều điểm thu mua Vải thiều nhưng anh chọn khu vực xã Phượng Sơn, huyện Lục Ngạn vì ở đây có rất nhiều bối cảnh chụp ảnh đẹp, đặc biệt là nhiều cây cối, phù hợp với thời tiết những ngày nắng cực điểm này.
Những khu chợ vải ở Lục Ngạn lại tưng bừng tiếng nói cười, đốc thúc, vừa rộn ràng lại vừa khẩn trương để kịp thời sơ chế và vận chuyển vải thiều đi các vùng trong nước hoặc xuất khẩu.
Chùm Vải thiều cao ngang mặt người, tiếng ô tô, xe máy hòa vào tiếng người nói cười, mặc cả mua bán… Chợ Vải thiều Lục Ngạn đỏ rực giữa cái nắng gắt trong từng góc máy của nhiếp ảnh gia Vũ Bảo Ngọc.
Điều thú vị ở đây là người dân rất thân thiện. Dù trời nắng nóng, những bó Vải thiều tươi rói mang ra chưa được cân, nhưng người dân sẵn sàng nói chuyện với những du khách.
Vải thiều ở Phượng Sơn – Lục Ngạn được chuyên chở bằng xe máy. Thương lái đến sớm và đi khảo giá khắp các điểm thu mua trong sự mời chào của người bán hàng. Vì vậy, ở đây thường xảy ra tắc đường, còn dân nhiếp ảnh gọi là con đường Vải thiều đỏ.
Đến hẹn lại lên, vào mỗi thời điểm chính vụ thu hoạch, từng đoàn xe chở vải đều tăm tắp nối đuôi nhau ra các điểm thu mua vải.
Nhiếp ảnh gia Vũ Bảo Ngọc chia sẻ, để có hình ảnh bao quát và toàn cảnh anh thường phải nhờ đến sự hỗ trợ của thiết bị bay (Flycam).
Là một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, nhưng điều làm anh ấn tượng hơn cả ở đây đó là dưới tiết trời nắng nóng nhất trong những ngày qua, người dân vẫn ánh lên vẻ đẹp trong lao động. Họ có thể vất vả, nhọc nhằn, nhưng họ vẫn rất vui và lạc quan vào mùa Vải thiều bội thu.
Chợ vải Lục Ngạn tuy không có dáng vẻ yên bình như những khu chợ vùng quê, không bảng lảng, mộng mị như chợ vùng cao, nhưng điểm độc đáo ở đây là nó chỉ có một mặt hàng duy nhất, chính là quả vải.
Về Lục Ngạn dịp này, du khách sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng những vườn vải trải dài, chín mọng, thỏa mãn niềm đam mê chụp ảnh và được tự tay hái, thưởng thức ngay tại vườn những trái vải tươi, ngọt thanh mát.
Điểm thú vị trong hành trình ghi lại những khoảng khắc tại chợ Vải là có thể vừa chụp ảnh vừa nói chuyện, tìm hiểu về vùng đất với những con người thân thiện, vừa được thưởng thức những quả Vải thiều chín mọng, nhiếp ảnh gia Vũ Bảo Ngọc chia sẻ thêm.
Thời điểm này, Bắc Giang nói chung và Lục Ngạn nói riêng tấp nập các hoạt động thu hoạch, buôn bán vải, cùng lúc đó, những khu vườn vải còn tiếp đón những đoàn du khách ghé thăm, ngắm hàng trăm nghìn cây vải được trồng tầng tầng lớp lớp, bao quanh khắp bản làng, núi đồi.
Các bạn hãy ghé thăm Lục Ngạn trong thời gian này, bởi nơi đây đang vào mùa Vải thiều chín rộ, chắc chắn cảnh đẹp, con người nơi đây sẽ mang lại cho bạn những trải nghiệm tuyệt vời. Nhiếp ảnh gia Bảo Ngọc mật bí: "Buổi sáng, vải về ít giá khá cao, đến trưa vải về nhiều giá giảm đi đáng kể. Lúc đó là thời điểm hợp lý để mua vải về làm quà cho bạn bè và người thân".
Theo Tạp chí Điện tử
Ảnh: Nhiếp ảnh gia Vũ Bảo Ngọc
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận