Bác Hồ - Người chăm lo cho hạnh phúc nhân dân
Chủ tịch Hồ Chí Minh là hình mẫu nhân cách cao đẹp của con người, của nhà lãnh đạo cộng sản được nhân dân nhân gọi mãi là Bác Hồ. Lòng yêu thương con người, chăm lo hạnh phúc cho nhân dân của Bác Hồ được thể hiện sâu sắc qua mỗi lời nói, việc làm và cả trong những lời căn dặn của Bác trong bản Di chúc thiêng liêng.
- Dòng điện nhớ ơn Bác Hồ
- Bác Hồ - Người sáng lập ra Báo Việt Nam độc lập
- Những dấu ấn lịch sử trong cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong những phẩm chất, đạo đức cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có một yếu tố vô cùng quan trọng, là động lực thôi thúc hoạt động không mệt mỏi vì nước, vì dân của Người; cũng là nền gốc để quy tụ, đoàn kết hết thảy mọi tầng lớp, mọi lực lượng... đó chính là lòng yêu thương con người của Bác.
Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1946. Ảnh: Hochiminh.vn/
Điều này được thể hiện sâu sắc qua mỗi lời nói, việc làm và cả trong những lời căn dặn của Bác trong bản Di chúc thiêng liêng.
“Ôm cả non sông mọi kiếp người”
Xuất phát từ lòng yêu nước nồng nàn và thương dân vô bờ bến, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã quyết chí đi tìm đường cứu nước khi mới vừa tròn 21 tuổi.
Và suốt mấy chục năm sau đó, cho đến lúc về thế giới người hiền, con người vĩ đại ấy đã dành cả cuộc đời mình để đấu tranh giải phóng cho dân tộc, đem lại tự do và hạnh phúc cho nhân dân.
Trải qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, Người đã đưa con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua mọi phong ba bão táp để đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác và cập bến vinh quang.
Bên cạnh hình ảnh một Hồ Chí Minh tận trung với nước - người anh hùng giải phóng dân tộc - là hình ảnh một Hồ Chí Minh hết mực yêu thương con người. Hai hình ảnh đó hòa quyện làm một, bổ sung cho nhau làm sáng lên phẩm chất, đạo đức Hồ Chí Minh.
Trong đó, lòng yêu thương con người chính là động lực to lớn, thôi thúc hoạt động không mệt mỏi vì nước, vì dân của Người, cũng là nền gốc để quy tụ hết thảy mọi tầng lớp nhân dân đoàn kết lại.
Tình cảm ấy, không đơn thuần là do truyền thống “yêu nước, thương dân” được thừa hưởng từ dân tộc, nó còn là sự lắng đọng sâu sắc của tất cả những gì Người đã trải qua, chứng kiến và cảm nhận trong những năm tháng bôn ba tìm đường cứu nước cũng như trong cả sự nghiệp giải phóng dân tộc của Người. Tình yêu thương đó đã vượt qua mọi giới hạn để trở thành phẩm chất đạo đức cao đẹp nhất.
Tình thương yêu của Bác là vô cùng rộng lớn và dành cho tất cả mọi tầng lớp nhân dân. Đúng như những vần thơ của nhà thơ Tố Hữu: “Bác ơi! Tim Bác mênh mông thế. Ôm cả non sông mọi kiếp người.”
Bác thương từ cụ già để “xuân về gửi biếu lụa” cho đến các em nhỏ “trung thu gửi cho quà.” Từ các “đoàn dân công đêm nay ngủ ngoài rừng” đến “người chiến sỹ đứng gác ngoài biên cương.”
Không chỉ “Sữa để em thơ, lụa tặng già,” Bác còn quan tâm đến chỗ ở, việc làm, đến từng bát cơm, manh áo hàng ngày cho nhân dân.
Năm 1942, Bác bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam. Trong “Mười bốn trăng tê tái gông cùm” ấy, bao lần bị giải đi trong gió lạnh, nhưng Bác vẫn nặng lòng thương những người lao động cực nhọc gặp ở dọc đường. Có lần nhìn những người phu làm đường vất vả, Bác thương cảm:
“Phu đường vất vả lắm ai ơi
Dãi nắng dầm mưa chẳng nghỉ ngơi
Ngựa xe hành khách thường qua lại
Biết cảm ơn anh được mấy người.” (1)
Nếu không phải là người có trái tim rộng mở thì làm sao có thể vượt qua sự đau khổ của bản nhân, mà thấu hiểu cho những gian khổ của người khác như vậy.
Trong thời kỳ miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội và kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Bác luôn có mặt ở hầu hết những nơi mũi nhọn. Bác chân thành thăm hỏi, động viên từ công nhân khu mỏ Quảng Ninh, đồng bào dân tộc miền núi, quê hương “năm tấn” Thái Bình, đến các đơn vị không quân anh hùng, các trường học...
Đối với nông dân, những người phải “năm nắng mười mưa” chống chọi với thiên tai, với bom đạn của kẻ thù để làm ra hạt lúa, Bác tận tình thăm hỏi:
“Bác vẫn đi kia giữa cánh đồng
Thăm từng ngọn lúa, hỏi từng bông
Ghé từng hợp tác, qua thôn xóm
Xem mấy trường tươi, mấy giếng trong.” (2)
Đối với tầng lớp công nhân ngày đêm tất bật trên dây chuyền sản xuất, hăng hái thi đua lập chiến công, Bác cũng thường xuyên thăm hỏi, động viên:
“Bác vẫn về kia những sớm trưa
Hỏi lò than, xưởng máy, giàn tơ
Hỏi anh, hỏi chị công nhân ấy
Vàng ngọc thi đua được mấy giờ.” (3)
Bác cũng dành tình thương đặc biệt đối với miền Nam. Bác từng nói: “Miền Nam luôn ở trong trái tim tôi.” Bởi vậy, mỗi khi có đại biểu, các chiến sỹ miền Nam ra thăm, Bác đều tiếp đón, thăm hỏi, tặng quà, cùng chụp ảnh kỷ niệm... Bác vô cùng đau xót khi thấy đồng bào bị áp bức, kìm kẹp và vui mừng khi được tin thắng lợi.
Đặc biệt hơn cả là tình yêu của Bác đối với thiếu niên nhi đồng. Bác luôn nhắc nhở các cán bộ chiến sỹ và đồng bào “Nhiệm vụ của chúng ta là phải làm sao cho các em có cơm ăn, có áo ấm, được đi học.”
Bác Hồ bón cơm cho một cháu bé khi đến thăm trại nhi đồng ở chiến khu Việt Bắc (1950). (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Dù là “ông Ké,”“già Thu” ở chiến khu xưa, hay là Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước sau này, Bác vẫn luôn dõi theo, dành tình cảm, thời gian cho các cháu. Hầu như Tết Trung thu năm nào Bác cũng gửi thư thăm hỏi, động viên và đặt nhiều niềm tin nơi các cháu.
Trong thư gửi các em học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên (tháng 9/1945), Bác viết: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có được vẻ vang sánh vai các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu.” (4)
Bác cũng dành tình yêu thương, sự tin tưởng cho thanh niên, những chủ nhân tương lai của nước nhà. Bác coi thanh niên là người thân trong gia đình, sự hy sinh của thanh niên cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc là nỗi đau trong cơ thể Bác.
Năm 1947, khi nhận được tin con trai bác sỹ Vũ Đình Tụng hy sinh, Bác đã gửi thư chia buồn, trong thư Bác viết: "Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu của tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi đứt một đoạn ruột..." (5)
Ngày 19-5-1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Nhà máy xe lửa Gia Lâm. Người ân cần hỏi thăm tình hình đời sống và công việc của anh chị em công nhân nhà máy. Căn dặn cán bộ, công nhân nhà máy phải đoàn kết chặt chẽ và thi đua lao động sản xuất.
Đến thăm Nhà máy xe lửa Gia Lâm (19-5-1955). Ảnh: Hochiminh.vn.
Thật hiếm có vị lãnh tụ nào lại có tình thương mênh mông, dành cho bao số phận, mọi kiếp người như Bác. Đúng như nhà thơ Tố Hữu đã viết:
"Ôi lòng Bác vậy cứ thương ta
Thương cuộc đời chung thương cỏ hoa
Chỉ biết quên mình cho hết thảy
Như dòng sông chảy nặng phù sa" (bài thơ "Theo chân Bác")
“ Tôi để lại muôn vàn tình thương yêu cho toàn dân, toàn Đảng...”
Xuất phát từ tình yêu thương bao la ấy, trong Di chúc để lại cho muôn đời sau, khi viết về những việc Đảng, Nhà nước cần làm sau ngày thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược, Bác đã nhấn mạnh về việc đầu tiên “là công việc đối với con người.”
Bác Hồ tiếp và nói chuyện với đoàn đại biểu Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra thăm miền Bắc từ ngày 28/2/1969 đến ngày 20/3/1969 như người Cha gặp các con. (Ảnh: Vũ Tín/TTXVN)
Cụ thể, “đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sỹ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong...) Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn, chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần "tự lực cánh sinh.
Đối với các liệt sỹ, mỗi địa phương (thành phố, làng, xã) cần xây dựng vườn hoa và bia tưởng niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sỹ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta.” (6)
Người cũng chu đáo, quan tâm đến cha, mẹ vợ, con của thương binh và liệt sĩ và dặn “phải giúp đỡ họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói, rét." (7)
Ngay cả đối với những người Việt Nam lầm lỡ, trước đây làm việc cho chế độ cũ hoặc không lương thiện trong chế độ cũ, Bác cũng nhắc nhở: "Nhà nước phải vừa dùng giáo dục, vừa dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện" (8). Chi tiết này đã thể hiện đậm nét sự khoan dung, nhân hậu trong tấm lòng vị cha già dân tộc.
Lời cuối cùng trong Di chúc, cũng là những lời xúc động nhất “tôi để lại muôn vàn tình thương yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng." (9) Cho đến lúc đi xa, Bác vẫn để lại trên cõi đời này muôn vàn tình thương yêu cho toàn thể dân tộc.
Bác đi xa khi miền Nam chưa được giải phóng, non sông vẫn đang bị chia cắt. Nhưng đến nay, ở nơi xa ấy, Bác có thể mỉm cười khi thấy nhân dân ta, đất nước ta thực hiện và hoàn thành được “ham muốn tột bậc” của Người, rằng “nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành.” (10)
“Là kết tinh của văn hóa, tư tưởng nhân văn của Hồ Chí Minh được thể hiện vô cùng đa dạng và phong phú, nó thấm được trong toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp của người, được tỏa sáng trong từng việc làm, từng cử chỉ, từng mối quan tâm ân cần của người; tất cả đều toát lên tình yêu thương, sự tôn trọng, thái độ bao dung và niềm tin vào khả năng cải tọa của con người, dù cho họ có nhất thời lầm lạc. Bằng hành động và ứng xử của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh truyền lại cho chúng ta một đạo lý làm người là phải biết yêu thương và sống với nhau có tình nghĩa”. (11).
Hiện nay, đất nước đang đẩy mạnh công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, đời sống vật chất, tinh thần của xã hội được nâng cao; nhưng triết lý sống phải luôn đặt lợi ích của Đảng, của đất nước lên trên, lên trước, phải biết lo cho nhân dân, cho địa phương, cho đơn vị trước khi lo cho chính mình vì mọi người luôn khiêm tốn, giản dị, tiết kiệm… của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc đối với mọi người, nhất là đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên, thiết thực góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, xứng đáng với niềm tin yêu và trọng trách mà nhân dân giao phó.
Theo tiểu sử chính thức, Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ngày 19-5-1890 tại quê mẹ là làng Hoàng Trù (Trùa), xã Chung Cự, tổng Lâm Thịnh, nay là xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, cha là Nguyễn Sinh Sắc và mẹ là Hoàng Thị Loan, được đặt tên là Nguyễn Sinh Cung, là thứ ba trong gia đình có bốn con.
Lần đầu tiên, sinh nhật của Chủ tịch Hồ Chí Minh được công bố vào năm 1946. Lúc đó, Bác đã là Chủ tịch của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, là vị nguyên thủ quốc gia đầu tiên của nước Việt Nam độc lập. Sáng 19-5-1946, tại Bắc Bộ phủ, Bác Hồ đã tiếp đại biểu Thiếu nhi Thủ đô, tự vệ, hướng đạo sinh và các đại biểu Nam bộ đến chúc thọ. Bác đã chụp ảnh chung với các cháu thiếu nhi và nói chuyện với các đại biểu Nam bộ.
--------------------------------------
(1): “Phu làm đường” - trích “Nhật kí trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh
(2), (3): trích “Theo chân Bác” - Tố Hữu
(4): Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.4, tr.33
(5): Hồ Chí Minh Toàn tập, sđd, t.5, tr.40
(6), (7), (8): Hồ Chí Minh Toàn tập, sđd, t.12, tr.503, 504
(9): Hồ Chí Minh Toàn tập, sđd, t.12, tr.512
(10): Hồ Chí Minh Toàn tập, sđd, t.4, tr.161
(11): Hồ Chí Minh Toàn tập, sđd, t.1, tr.XXVIII
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận