Những dấu ấn lịch sử trong cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Kỷ niệm 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 - 5/6/2021). Trong hành trình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người cha già vĩ đại của dân tộc có hàng trăm dấu ấn, hàng trăm mẩu chuyện cảm động, trong đó luôn chứa đựng tình cảm dạt dào với dân tộc Việt Nam. Sau đây là những mốc son lịch sử quan trọng trong cuộc đời của Bác đối với dân tộc Việt Nam.
- Bác Hồ - Người sáng lập ra Báo Việt Nam độc lập
- Hồ Chí Minh: lãnh tụ vĩ đại trong mắt bạn bè quốc tế
- Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng Việt Nam
Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh tư liệu)
Thời còn thơ ấu Bác có tên là Nguyễn Sinh Cung, sinh ngày 19/5/1890 trong một gia đình nhà nho, nguồn gốc nông dân, ở làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, nơi có truyền thống đấu tranh kiên cường chống ách thống trị của thực dân phong kiến.
Năm 11 tuổi, Nguyễn Sinh Cung chịu cảnh đau thương vĩnh viễn mất đi người mẹ yêu quý nhất và được cha đưa về sống tại quê nội (làng Sen) và đổi tên thành Nguyễn Tất Thành. Khi ấy, cha đã gửi Người sang học với thầy Vương Thúc Quý, thầy Quý đã dạy cho Nguyễn Tất Thành tư tưởng yêu nước thương dân và chí làm trai phải giúp ích cho đời.
Trong những ngày học tập tại nhà thầy Quý, cậu học trò Nguyễn Tất Thành đã có cơ hội được tiếp xúc với các sỹ phu yêu nước, nhờ đó cậu thiếu niên Tất Thành dần dần hiểu được thời cuộc và sự day dứt của các bậc cha chú trước cảnh nước mất nhà tan. Vấn đề liên quan đến sự sống còn của dân tộc đã ngày một thấm sâu vào trái tim và khối óc cậu thiếu niên yêu nước Nguyễn Tất Thành. Ngay từ năm 15 tuổi Người đã tham gia công tác bí mật, làm liên lạc cho các chiến sĩ yêu nước như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh...
Khi lớn dần lên, Nguyễn Tất Thành thấm thía thân phận cùng khổ của người dân mất nước phải sống trong ách đô hộ của thực dân Pháp. Nung nấu quyết tâm đi tìm một con đường cứu nước mới, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành đã đi bộ từ Phan Thiết, vượt qua những khó khăn khắc nghiệt của thời tiết, nhiều khi lả đi vì đói, vì mệt, vì khát để tới Sài Gòn, tìm cơ hội thực hiện ý định cháy bỏng đó. Đây chính là bước ngoặt quan trọng, một sự lựa chọn lịch sử có ý nghĩa rất quan trọng, mở đầu cho quá trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành.
Với mục đích ra đi để xem người khác làm rồi trở về giúp đồng bào, mùa thu năm 1910 Nguyễn Tất Thành vào Sài Gòn, đến ngày 3/6/1911, Người xin được làm phụ bếp trên tàu La Touche Tréville. Khi đó chính là lúc Người đang dần thực hiện được những chuyến đi xa để thực hiện quyết tâm cháy bỏng: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đây là tất cả những điều tôi hiểu”.
Tháng 6/1911, Người bắt đầu đi ra tìm đường cứu nước từ bến cảng Nhà Rồng. Suốt 30 năm hoạt động, Người đã đi đến nước Pháp và nhiều nước châu Âu, châu Á, châu Phi, châu Mỹ. Người hòa mình với những phong trào của công nhân và nhân dân các dân tộc thuộc địa, vừa lao động kiếm sống, vừa học tập, hoạt động cách mạng và nghiên cứu các học thuyết cách mạng.
Năm 1917, thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga và sự ra đời của Quốc tế Cộng sản đã đưa Người đến với chủ nghĩa Mác - Lênin. Từ đây, Người đã nhận rõ đó là con đường duy nhất đúng đắn để giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp.
Năm 1919, Người gia nhập Đảng Xã hội Pháp và hoạt động trong phong trào công nhân Pháp.
Tháng 6/1919, thay mặt Hội Những người Việt Nam yêu nước tại Pháp, Người gửi tới Hội nghị Versailles (Pháp) Bản yêu sách của nhân dân An Nam, yêu cầu Chính phủ Pháp thừa nhận các quyền tự do và quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam.
Tháng 12/1920, tại Đại hội lần thứ 18 của Đảng Xã hội Pháp tại thành phố Tours, Người bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế Cộng sản và tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp.
Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội Đảng Xã hội Pháp lần thứ XVIII họp ở Thành phố Tours tháng 12/1920. Ảnh tư liệu
Từ năm 1921 - 6/1923, Người tham gia nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy phong trào giải phóng các dân tộc thuộc địa, Người tham gia sáng lập Hội Liên hiệp thuộc địa; Sử dụng báo chí Pháp tấn công chủ nghĩa thực dân - đáng chú ý Người là Chủ nhiệm kiêm chủ bút báo Le Paria (Người cùng khổ).
Tháng 6/1922, trong thời gian tham gia câu lạc bộ Phôbua, Người đã sáng tác vở kịch “Con rồng tre” nhằm đả kích vua bù nhìn Khải Định khi ông này sang Pháp dự Hội chợ thuộc địa Mác-xây.
Ngày 30/6/1923, Người đến Liên Xô và bắt đầu một thời kỳ hoạt động, học tập và nghiên cứu về chủ nghĩa Mác - Lênin, về chế độ xã hội chủ nghĩa ngay trên đất nước của Lênin vĩ đại. Tại Đại hội lần thứ I Quốc tế Nông dân (10/1923), Người được bầu vào Đoàn Chủ tịch Quốc tế Nông dân.
Năm 1924, Người dự Đại hội lần thứ V của Quốc tế Cộng sản và được cử làm cán bộ Ban phương Đông của Quốc tế Cộng sản, đồng thời là Ủy viên Đoàn chủ tịch Quốc tế Nông dân, Nguyễn Ái Quốc được giao theo dõi và chỉ đạo phong trào cách mạng ở một số nước Châu Á.
Năm 1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Người tham gia thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức Á Đông, sáng lập tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, ra báo Thanh niên để truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin về trong nước, đồng thời mở lớp đào tạo cán bộ cho cách mạng Việt Nam.
Ngày 27/10/1929, Quốc tế Cộng sản gửi những người Cộng sản Đông Dương tài liệu về việc thành lập một Đảng Cộng sản Đông Dương, yêu cầu những người cộng sản Đông Dương phải khắc phục ngay sự chia rẽ giữa các nhóm cộng sản và thành lập một đảng giai cấp vô sản.
Ngày 3/2/1930, Người chủ tọa Hội nghị thành lập Đảng họp tại Bến Cửu Long (gần Hương Cảng). Hội nghị đã thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ Đảng do chính Người soạn thảo. Người ra lời kêu gọi nhân dịp thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (sau đổi là Đảng Cộng sản Đông Dương, rồi Đảng Lao động Việt Nam và nay là Đảng Cộng sản Việt Nam).
Năm 1931, Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc đó có tên là Tống Văn Sơ bị chính quyền Anh bắt ở Hồng Kông và buộc tội là “một phần tử cộng sản nguy hiểm”, “phái viên của Đệ tam Quốc tế đến Hồng Kông để lật đổ chính quyền”.
Năm 1941, Người về nước, triệu tập Hội nghị lần thứ 8 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, quyết định đường lối cứu nước, thành lập Việt Nam độc lập đồng minh Hội (Việt Minh), tổ chức lực lượng vũ trang giải phóng, chính sách căn cứ địa, lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa từng phần và chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; tổ chức Tổng tuyển cử tự do trong cả nước, bầu Quốc hội và thông qua Hiến pháp dân chủ đầu tiên của Việt Nam. Quốc hội khóa I đã bầu Người làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1946).
Ngày 19/12/1946, Người kêu gọi cả nước kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc, bảo vệ và phát triển những thành quả của Cách mạng Tháng Tám.
Trong “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Hỡi đồng bào toàn quốc. Chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ…”.
Tháng 6/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng mở rộng quyết định mở Chiến dịch Biên giới Thu - Đông 1950. Để lãnh đạo, điều hành làm công tác chuẩn bị và chỉ huy Chiến dịch, Đảng ủy và Bộ Chỉ huy Chiến dịch được thành lập do Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam làm Bí thư Đảng ủy mặt trận và Chỉ huy trưởng kiêm Chính ủy Chiến dịch. Các cán bộ chủ chốt của Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Cung cấp được cử trực tiếp làm Tham mưu trưởng, Chủ nhiệm chính trị và Chủ nhiệm cung cấp của Chiến dịch.
Tháng 2/1951, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ hai của Đảng khai mạc tại chiến khu Việt Bắc. Trong Báo cáo Chính trị trình bày tại Đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ nhiệm vụ chính trị của Đảng là: Đưa kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn và tổ chức Đảng Lao động Việt Nam.
Ngày 6/12/1953, tại Tỉn Keo, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Bộ Chính trị thông qua kế hoạch tác chiến của Bộ Tổng tư lệnh, quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ với bí danh Trần Đình, Người chỉ thị cho Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”.
Năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm “Đạo đức cách mạng“, trong đó Người nêu lên tư cách của một người đảng viên là: Phải trung thành tuyệt đối với Đảng, quyết tâm suốt đời phấn đấu cho Đảng, cho cách mạng; ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lao động lên trên lợi ích của cá nhân, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, vì Đảng vì dân mà đấu tranh; gương mẫu trong mọi việc, ra sức học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, luôn luôn dùng phê bình và tự phê bình để nâng cao tư tưởng và cải tiến công tác của mình và đồng chí mình tiến bộ.
Tháng 9/1960, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III Đảng Lao động Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đại hội lần này là Đại hội xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh hoà bình thống nhất nước nhà“. Đại hội đã bầu lại Chủ tịch Hồ Chí Minh là Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam.
Năm 1962, khi tiếp Đoàn đại biểu nhân dân miền Nam ra thăm miền Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Hình ảnh miền Nam yêu quý luôn luôn ở trong trái tim tôi“. Người mong muốn miền Nam sớm được giải phóng để vào thăm đồng bào, cán bộ và chiến sĩ thân yêu.
Năm 1963, khi Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đề nghị tặng Huân chương Sao vàng cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đề nghị: “Chờ đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc thống nhất, Quốc hội cho phép đồng bào miền Nam trao cho tôi Huân chương cao quý đó. Như vậy thì toàn dân ta sẽ sung sướng, vui mừng“.
Tháng 8/1964, đế quốc Mỹ gây ra sự kiện “Vịnh Bắc Bộ“, và từ tháng 2/1965 đã mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc và ồ ạt đưa quân viễn chinh Mỹ vào miền Nam Việt Nam. Trước tình hình đó Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi toàn thể nhân dân Việt Nam: “Lúc này chống Mỹ cứu nước là nhiệm vụ thiêng liêng nhất của mọi người Việt Nam yêu nước“.
Tháng 7/1966, Mỹ đã dùng máy bay ném bom Thủ đô Hà Nội và thành phố Hải Phòng, Chủ tịch Hồ Chí Minh động viên nhân dân Việt Nam vượt qua hy sinh gian khổ và kêu gọi: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm, hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố xí nghiệp có thể bị tàn phá. Song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do! Đến ngày thắng lợi nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!“.
Tháng 12/1967, Bác Hồ chủ tọa cuộc họp Bộ Chính trị, phân tích tình hình, quyết định mở đợt tổng công kích, tổng khởi nghĩa Tết Mậu Thân 1968 để giành thắng lợi quyết định. Sau đó, tháng 1/1968, hội nghị Trung ương lần thứ 14 (khóa III) thông qua Nghị quyết Bộ Chính trị tháng 12/1967, khẳng định quyết tâm, mục tiêu và hướng chiến công chiến lược.
Ngày 30/4/1975, sau hơn 20 năm kháng chiến gian khổ, non sông đất nước đã được thu về một mối. Trong ngày vui thống nhất, Người không còn nữa để nhìn thấy niềm vui ấy, nhưng cả dân tộc vẫn luôn hướng về Người.
Có được cuộc sống hòa bình, ấm no, hạnh phúc như ngày hôm nay, mỗi chúng ta đều khắc sâu trong tim niềm biết ơn vô hạn với những công lao và hi sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trải qua trong suốt 30 năm trên hành trình bôn ba nơi đất khách quê người.
Đó cũng chính là mốc son quan trọng và thiêng liêng trong lịch sử giải phóng dân tộc Việt Nam. Toàn quân, toàn dân ta nguyện vững bước theo con đường cách mạng mà Đảng và Bác đã chọn, quyết tâm đưa đất nước ta trở thành đất nước giầu mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh để tự tin "sánh vai với các cường quốc năm châu" như Bác hằng mong muốn.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận