Bác Hồ - Người sáng lập ra Báo Việt Nam độc lập
Chủ tịch Hồ Chí Minh – anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam. Trong đó, Báo “Việt Nam Độc Lập” (VNĐL) là tờ báo cách mạng sau các tờ LeParia “Người cùng khổ”, “Thanh niên”, “Thân ái” đều do Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh sáng lập.
- Pác Bó - Nơi “khởi nguồn” cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam
- Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng Việt Nam
- Chủ tịch Hồ Chí Minh trong mắt báo giới quốc tế
Báo “Việt Nam Độc Lập” (VNĐL) là tờ báo cách mạng sau các tờ LeParia “Người cùng khổ”, “Thanh niên”, “Thân ái” đều do Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh sáng lập. Ảnh chụp tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó - Cao Bằng. (Ảnh: Đào Công)
Cùng với việc sáng lập ra Mặt trận Việt Minh (ngày 19/5/1941), nhằm tập hợp lực lượng, chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám sau này. Tại lán Khuổi Nặm, Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng (Cao Bằng), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã quyết định ra tờ báo VNĐL. Báo VNĐL ban đầu là cơ quan tuyên truyền của tỉnh Hội Việt Minh Cao Bằng, rổi sau đó trở thành cơ quan tuyên truyền của Liên tỉnh Hội Việt Minh Cao - Bắc - Lạng. Ngay số đầu tiên (Số 101) ra ngày 01/8/1941. Báo VNĐL có câu: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”.
Trong số này có “Xã luận”, “Việc trong nước” và “Tin thế giới” tiếp đó, có “Vườn văn”:
Khuyên đồng báo mua báo Việt Nam Độc Lập:
Đế quốc Pháp thật là ác nghiệt/ Làm dân ta như điếc, như mù./ Làm ta dở dại dở ngu/ Biết gì việc nước biết đâu việc đời./ Báo “Độc lập” hợp thời đệ nhất./ Làm cho ta mở mắt mở tai,/ Cho ta biết đó biết đây,/ Ở trong việc nước, ở ngoài thế gian;/ Cho ta biết kết đoàn tổ chức,/ Cho ta hay sức lực của ta,/ Cho ta biết chuyện gần xa,/ Cho ta biết nước non ta là gì./ Ai không chịu ngu si mù tối,/ Ắt phải xem báo ấy mới nên/ Giúp cho báo ấy vững bền/ Càng ngày càng lớn càng truyền khắp nơi/ Khuyên đồng bào nhớ bấy nhiêu lời”. (1)
Mục đích của “Báo VNĐL là cốt làm cho dân ta hết ngu hèn, biết các việc, biết đoàn kết, đặng thắng Tây, đánh Nhật, làm cho nước Việt Nam được độc lập, tự do” (2)
Những bài đăng trên Báo VNĐL luôn kêu gọi toàn dân đoàn kết, cổ động phụ lão, thanh niên, phụ nữ, thiếu nhi, binh sĩ, hào lý, trí thức… vào Hội Việt Minh. Báo tố cáo những tội ác dã man của phát xít Nhật - đế quốc Pháp đàn áp, bóc lột dân ta. Báo hướng dẫn đồng bào giữ bí mật, tham gia cứu nước, luyện tập quân sự, bảo vệ cơ quan, phòng địch càn phá. Trên các trang báo thường xuyên có mục: Tin thế giới, Tin trong nước và phong trào cứu quốc của tỉnh Cao Bằng. Báo cung cấp những thông tin cho người đọc nhằm nâng cao ý thức chính trị, một tầm nhìn rộng rãi, biết gắn phong trào cách mạng Việt Nam với tình hình quốc tế…
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người chỉ đạo trực tiếp báo VNĐL là “Tổng biên tập”, Người viết nhiều bài nhất cho báo, nhiều khi còn là “họa sĩ” minh họa các bài, vẽ tranh tuyên truyền, tham gia cho tờ báo sinh động hơn.
Ban đầu báo VNĐL là cơ quan tuyên truyền của Ban Việt Minh tỉnh Cao Bằng, do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và ra số đầu tiên vào ngày 1-8-1941, tại Pác Bó (Hà Quảng - Cao Bằng) mang số báo 101 (tức số 1), mang ý nghĩa kế tục lịch sử những tờ báo trước đó. Báo VNĐL ra mỗi tháng 3 kỳ, mỗi kỳ báo in trên 400 tờ, trên khổ giấy 18 x30 cm, là khổ giấy thông thường của vở học sinh để dễ mua, gọn nhẹ. Đây là công cụ đặc biệt quan trọng để tuyên truyền, giáo dục và tổ chức quần chúng làm cách mạng, là vũ khí sắc bén của Mặt trận Việt Minh để vận động cách mạng giải phóng dân tộc.
Lời thơ phụ đề tranh cổ động Báo VNĐL:
VNĐL thổi kèn loa/ Kêu gọi dân ta trẻ lẫn già/ Đoàn kết vững bền như khối sắt/ Để cùng nhau cứu nước Nam ta. (ngày 21/8/1941) (3).
Báo Việt Nam độc lập. Ảnh chụp tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó - Cao Bằng. (Ảnh: Đào Công)
Nói về Báo VNĐL không thể không nói đến đồng chí Vân Trình. Thời kỳ đó, làm báo thật gian nan, vất vả, phải in trên phiến đá. Mà muốn in được phải có người biết viết chữ ngược để in trên phiến đá, đó là đồng chí Vân Trình. Tên thật của đồng chí là Bế Nhật Huyền, quê ở xóm Bản Vạn, xã Bế Triều (nay thuộc thị trấn Nước Hai– Hòa An). Đầu năm 1941, khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về Pác Bó (Hà Quảng - Cao Bằng) Vân Trình cùng ở làm báo với Bác Hồ tại Khuổi Nặm, được Bác Hồ rất quý và tin yêu. Rồi Vân Trình theo Bác Hồ về căn cứ địa Lam Sơn. Nhưng do bệnh hiểm nghèo, trái tim đồng chí đã ngừng đập, lúc đó đầu còn gối lên phiến đá li tô. Vân Trình đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho sự nghiệp làm báo.cách mạng. Với công lao đó tên đồng chí được đặt tên là xã Vân Trình, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng.
Đầu năm 1942, báo VNĐL chuyển về khu căn cứ Lam Sơn (Hòa An). Khi căn cứ địa cách mạng được mở rộng, VNĐL trở thành cơ quan của Liên Tỉnh Hội Việt Minh: Cao Bằng - Bắc Cạn – Lạng Sơn. từ số 287 đến số 325 (tức là số 187 đến số 225) tại cơ quan của 3 tỉnh Cao - Bắc - Lạng. Sau khi Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thành công, báo còn ra thêm mấy số nữa.
Một góc trưng bày tại tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó - Cao Bằng. (Ảnh: Đào Công)
Giữa tháng 8 năm 1942 Chủ tịch Hồ Chí Minh đi Trung Quốc, giao cho đồng chí Phạm Văn Đồng trực tiếp chỉ đạo báo cho đến tháng 4/1945.
VNĐL là một tờ báo phản ánh rất đậm nét phong trào hoạt động cách mạng của vùng căn cứ địa cách mạng từ năm 1942 đến 1945. Qua tờ báo, người đọc thấy rõ được những chủ trương, đường lối của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trình bày một cách rất cụ thể bằng một phương pháp rất đặc biệt, một lối viết, lời văn rất dễ hiểu, sâu sắc, từng bước ngấm vào lòng người đọc. Từ khi về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng, Người chủ trương ra tờ báo VNĐL. Với nhiều bài viết không ký tên, hoặc mượn tên người khác, hoặc ký bút danh, người đọc báo VNĐL vẫn thấy được dấu ấn tư tưởng Hồ Chí Minh, văn phong, phương pháp của Người.
Ngày 1/11/1942, Người có bài Gửi anh em binh lính: …“Ngày mà thắng lợi chắc là không xa/ Lúc cách mệnh đứng ra khởi nghĩa/ Binh lính cùng ra giữa chiến trường/ Cùng quân cách mệnh một đường/ Quay súng bắn bọn hung cường, dã man/ Để khôi phục giang san đất nước/ Mới khỏa lòng mong ước đồng bào/ Làm cho cờ đỏ ngôi sao/ Được bay phấp phới trên cao nước mình”. Báo VNĐL, số 142, ngày 1/11/1942.
Tháng 8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh có: Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa
Hỡi đồng bào yêu quý!
Bốn năm trước đây, tôi có thư kêu gọi đồng bào ta đoàn kết. Vì có đoàn kết mới có lực lượng, có lực lượng mới giành được Độc lập, Tự do…
Hỡi đồng bào yêu quý!
Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà giải phóng cho ta.
Nhiều dân tộc trên thế giới đang đua nhau tiến bước giành quyền độc lập. Chúng ta không thể thể chậm chễ.
Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên!”( 4 )
Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh – Bác Hồ, Người sáng lập ra Báo VNĐL. Những tin, bài đã đăng tải trong thời kỳ đầu cách mạng từ ngày 01/8/1941, đến thời kỳ chuẩn bị tiến tới Tổng khởi nghĩa trong cách mạng Tháng Tám 1945, báo VNĐL đã hoàn thành xứ mệnh lịch sử của mình. Người vừa là chỉ đạo, vừa là Tổng biên tập, vừa là tác giả mang nhiều bút danh và nhiều đồng chí lãnh đạo Trung ương, tỉnh Cao Bằng đã tham gia viết báo, làm thơ. Vì vậy, Báo VNĐL đã tập hợp được quần chúng nhân dân, lực lượng cách mạng trong Mặt trận Việt Minh, góp phần vào thắng lợi của cách mạng tháng Tám năm 1945.
Nhân kỷ niệm 95 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam, những bài báo, bài thơ của Bác Hồ trong tờ báo VNĐL vẫn còn nguyên giá trị. Cũng vì vậy, mỗi người làm báo càng phải tu dưỡng, rèn luyện, học tập tư tưởng và phong cách làm báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là người một đời làm báo vì nước vì dân. Có như vậy, mới thực hiện được lời dạy của Người: Cán bộ báo chí, là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng./.
Chú thích:
- (1) Văn học yêu nước và cách mạng ở Cao Bằng trước năm 1945, nhà xuất bản văn hóa dân tộc, Hà Nội – 2008, Báo VNĐL số 101, ngày 1/8/1941, trang 75; (2) trang 79; (3) trang 87; (4) Trang 163 + 164.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận