Bóng đá Việt Nam đang nỗ lực hiện thực hóa giấc mơ World Cup
Bóng đá Việt Nam đã đi lên chuyên nghiệp gần 20 năm, tuy nhiên, các khoản thu phần lớn đều nằm ở nhà tài trợ - chính là những ông chủ của các đội bóng và đến từ các khoản hỗ trợ của nhà nước. Trong khi đó, nguồn tài chính liên quan đến thương hiệu cầu thủ hay khai thác bản quyền còn khá hạn chế.
- Diễn đàn Thể thao Việt Nam quy tụ nhiều chuyên gia hàng đầu thế giới
- Cùng vivo đánh thức giấc mơ thể thao
- Những lưu ý chọn TV xem bóng đá để có trải nghiệm tốt nhất
Tại phiên thảo luận Bóng đá - Môn thể thao vua tại Việt Nam trong khuôn khổ Diễn đàn Thể thao Việt Nam (Vietnam Sports Forum - VSF), bà Lê Thị Mỹ Dung - Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Đào tạo Bóng đá PVF đã mang đến góc nhìn tổng quan về nền bóng đá Việt Nam hiện nay: “Một trong những vấn đề khiến các câu lạc bộ trong nước cũng như đội tuyển Việt Nam khó có thể đạt được các mục tiêu do Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đưa ra chính là sự thiếu hụt nguồn nhân lực có chuyên môn, đặc biệt là đội ngũ đào tạo các cầu thủ.
Bên cạnh đó, các câu lạc bộ chưa được xây dựng thật sự chuyên nghiệp từ cơ cấu pháp lý, cho tới các hệ thống quản lý, nguồn nhân lực cũng như cơ sở vật chất cũng là vấn đề nan giải".
Tại Việt Nam, bóng đá không chỉ là môn thể thao, mà còn là chất xúc tác khơi dậy niềm tự hào dân tộc, thể hiện tinh thần đoàn kết của gần 100 triệu người dân Việt Nam. Tuy nhiên, để lan tỏa tinh thần “ăn bóng đá, ngủ bóng đá, khóc cười cùng bóng đá” đến với đông đảo người Việt một cách khéo léo, bà Lê Thị Mỹ Dung gợi ý: “Chúng ta có thể xây dựng một cộng đồng bóng đá tại các địa phương thông qua các hoạt động giao lưu thể thao, rồi từ các địa phương lan rộng ra toàn nước. Khi đã có sự yêu thích thì người hâm mộ sẽ luôn sẵn lòng ủng hộ những bước tiến của chúng ta trong tương lai”.
Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Đào tạo Bóng đá PVF Lê Thị Mỹ Dung chia sẻ tại diễn đàn.
Đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam trong những năm qua đã giành được một số huy chương cấp khu vực và đang nỗ lực hiện thực hóa giấc mơ tham dự sâu hơn vào World Cup. Một số cầu thủ bóng đá Việt Nam hiện đang theo đuổi con đường sự nghiệp chuyên nghiệp ở châu Âu và Đông Bắc Á.
Bà Lê Thị Mỹ Dung cho rằng, bóng đá Việt Nam nên được đặt đúng vị thế của nó - là môn thể thao vua tại Việt Nam. Từ đó, thúc đẩy sự ủng hộ tích cực của các thương hiệu lớn, các nhà quảng cáo và người hâm mộ từ mọi tầng lớp xã hội.
“Tôi cho rằng 60 đến 100 tỷ đồng để hoạt động bóng đá không phải một khoản kinh phí quá lớn nếu chúng ta nhìn vào những kinh phí đầu tư khác trong xã hội. Do đó, huy động nguồn lực là điều khả thi nhưng huy động như thế nào, sử dụng nó như thế nào để thực sự mang lại giá trị cho những nhà đầu tư là bài toán cần được chú trọng. Làm thế nào để những nhà đầu tư cảm thấy nguồn đầu tư đó là đáng giá, đem lại giá trị cho xã hội và có cả những lợi ích kinh doanh là điều người làm thể thao chuyên nghiệp phải đưa ra để thuyết phục các nhà đầu tư”, bà Lê Thị Mỹ Dung chia sẻ thêm.
Các đại biểu tham dự diễn đàn.
Diễn đàn Thể thao Việt Nam 2022 là sự kiện đồng thời hưởng ứng Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX được tổ chức vào tháng 12 năm 2022 tại Quảng Ninh.
Diễn đàn mở ra cơ hội để các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp và cá nhân đang hoạt động trong lĩnh vực bản quyền, xúc tiến, tiếp thị và tổ chức thể thao cùng ngồi lại và thảo luận về những hướng đi mới, cơ hội mới, hứa hẹn mang lại giá trị thực tiễn trong nhiều khía cạnh trên hành trình phát triển thể thao đỉnh cao Việt Nam.
Theo tạp chí Điện tử & Ứng dụng
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận