Chúc Tết qua app, công nghệ đang dần thay đổi thói quen của nhiều người
Trong dịp Xuân về, truyền thống hỏi thăm sức khỏe và chúc Tết nhau đã gắn bó với người Việt từ lâu. Tuy nhiên, thay vì đến trực tiếp nhà như truyền thống, công nghệ đang dần thay đổi thói quen của nhiều người.
Ứng dụng công nghệ đã giúp họ như đang ngồi cùng nhau với sự hỗ trợ của Internet, smartphone và các ứng dụng OTT để thăm chúc nhau ngày Tết - Ảnh: P.Q.
Cuộc sống hiện đại, với áp lực công việc và học tập, đã khiến nhiều người phải ở xa gia đình trong những dịp lễ Tết. Sử dụng các ứng dụng công nghệ, họ có thể tận hưởng không khí Tết ngay cả khi cách xa, thông qua việc gọi video trên Internet và điện thoại thông minh.
"Với yêu cầu công việc, tôi ít khi có thời gian ở nhà và khó có thể đi xa. Bây giờ, ngay cả ba mẹ tôi cũng sử dụng Zalo, Facebook, nên tôi có thể dễ dàng gọi video để chúc Tết gia đình và bạn bè mọi lúc mọi nơi", anh Thành Trung, quản trị mạng tại TP.HCM, chia sẻ.
Chị Bích Phượng, Trưởng phòng truyền thông của một tập đoàn, kể: "Tôi sống và làm việc tại TP.HCM, nhưng gia đình và người thân ở Hà Nội. Tôi không có nhiều thời gian để về quê, từ nhiều năm nay tôi đã gọi video chúc Tết đặc biệt là vào dịp giao thừa và mùng 1 Tết".
Thường, những người thân có thể quây quần bên nhau vào những thời khắc này, chỉ cần gọi điện là mọi người có thể trò chuyện và thăm hỏi nhau. "Internet thực sự kết nối gia đình và tình thân, giúp chúng ta gần gũi hơn khi không thể gặp trực tiếp", chị Phượng chia sẻ.
Không chỉ thông qua các ứng dụng trên điện thoại, nhiều gia đình còn sử dụng TV thông minh có camera hoặc hệ thống hội nghị truyền hình để "gặp mặt" dễ dàng hơn.
"Chiếc TV thông minh với camera lớn đã trở thành một phần của cuộc sống gia đình tôi từ nhiều năm nay. Con tôi sống ở Mỹ, trong khi đứa khác lại ở Sài Gòn. Tết này, chúng tôi hẹn nhau gặp mặt trên màn hình TV", ông Hữu Xuân, một cư dân ở Quảng Ngãi, chia sẻ.
Ông Xuân cho biết từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, các con ông đã lắp "hệ thống" gọi điện video tiện lợi. "Khi con và chúng tôi có thời gian rảnh, chúng tôi sẽ nhắn tin qua app để hẹn gặp nhau. Bất cứ lúc nào, tôi chỉ cần bật TV, mở app là có thể trò chuyện với con cháu thoải mái", ông Xuân chia sẻ.
Mặc dù gọi video có thể mang lại cảm giác gần gũi hơn, nhưng không thể thay thế việc gặp gỡ trực tiếp vào dịp Tết, đặc biệt với gia đình.
Truyền thống Tết sẽ bị phai nhạt?
Việc phai nhạt hay tiếp nối truyền thống văn hóa nói chung và Tết nói riêng có vai trò rất lớn từ gia đình. Nếu gia đình các thế hệ từ ông bà, bố mẹ có cách để lan tỏa tình yêu và tinh thần Tết đúng đắn thì chắc chắn thế hệ trẻ cũng sẽ yêu Tết.
Tôi không cổ vũ việc ngày Tết phải mâm cao cỗ đầy, lau dọn từ sáng tới khuya... như thế sẽ khiến giới trẻ chỉ có thể sợ và "trốn" Tết. Họ sẽ càng dễ tìm được lý do để không về Tết, và dùng cuộc gọi video để thực hiện "nghĩa vụ" con cháu.
Nhưng nếu các gia đình có sự xoay chuyển theo kịp sự tiến bộ xã hội thì Tết vẫn vừa ấm áp đoàn viên theo truyền thống nhưng vẫn vừa có không gian riêng cho mỗi người, mỗi gia đình nhỏ trong một gia đình to được tận hưởng Tết theo cách riêng của mình.
Tôi nghĩ ai là người Việt Nam cũng đều yêu Tết, và tất cả mọi người đều chỉ muốn được về bên gia đình ngày Tết" - bà Trần Lê Hương Giang cho biết.
Theo tạp chí Điện tử và Ứng dụng