Đợt rét đậm rét hại mới tại miền Bắc kéo dài trong bao lâu?
Khối không khí lạnh tăng cường có cường độ mạnh đang di chuyển xuống phía Nam sẽ bắt đầu gây ảnh hưởng đến các tỉnh phía Bắc từ hôm nay và có thể kéo dài đến hết ngày 12/1 với nền nhiệt độ thấp nhất có thể dưới 0 độ C.
- Chống rét cho cây trồng, vật nuôi vào những ngày đầu năm 2021
- Dự báo thời tiết Hà Nội ngày mai 13/1: Sương mù dày đặc kèm theo rét
- Hàng nghìn người đội mưa rét đi hiến máu trong ngày Chủ nhật Đỏ
Nhiệt độ dưới 0 độ C kéo dài trong bao lâu?
Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia Trần Quang Năng cho biết, từ ngày 7-12/1, không khí lạnh tăng cường và ảnh hưởng tới các tỉnh, thành phố Bắc Bộ và Trung Bộ.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh mạnh, từ gần sáng 7/1, Bắc Bộ có mưa, mưa nhỏ. Từ đêm 7/1, khu vực Trung Bộ có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to. Từ đêm 7/1, Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh trời chuyển rét đậm, rét hại.
Không khí lạnh tăng cường mạnh tràn về gây rét đậm, rét hại với nền nhiệt có nơi dưới 0 độ C.
Trọng tâm rét hại tập trung ở các tỉnh: Lào Cai, Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn. Nhiệt độ thấp nhất 8-11 độ C, vùng núi 4-7 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 0 độ C và có khả năng xảy ra mưa tuyết, băng giá.
Các tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi trời chuyển rét, phía Bắc có nơi rét đậm với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 13-17 độ C. Các tỉnh Tây Nguyên trời chuyển lạnh, có nơi chuyển rét. Từ ngày 9/1, các tỉnh, thành phố khu vực Nam Trung Bộ, Nam Bộ chuyển lạnh vào đêm và sáng sớm.
Từ chiều và đêm 7/1, Thủ đô Hà Nội có mưa nhỏ; từ đêm 7/1, trời chuyển rét hại với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 8-11 độ C.
Theo Tiến sĩ Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, trong tháng 1 và tháng 2/2021, khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa -Thừa Thiên - Huế được dự báo có nhiệt độ trung bình tháng thấp hơn trung bình nhiều năm từ 0,5-1,0 độ C.
Đối với tình hình rét đậm, rét hại ở Bắc Bộ và Trung Bộ, các chuyên gia y tế khuyến cáo, nhiệt độ xuống thấp sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Người dân cần biết cách giữ ấm và phòng, chống rét cho bản thân và gia đình.
Khi thời tiết xuống dưới 10 độ C, người già và trẻ em có khả năng mắc các bệnh lý như hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, giãn phế quản, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, xương khớp, không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới viêm phổi, suy hô hấp, đột quỵ, ảnh hưởng đến tính mạng.
"Các đợt rét đậm, rét hại xảy ra trong thời kỳ từ nửa cuối tháng 12/2020 đến tháng 2/2021 và có khả năng kéo dài từ 5-7 ngày, kéo dài nhiều ngày hơn ở vùng núi phía Bắc Bắc Bộ. Các địa phương vùng núi cao đề phòng nhiệt độ giảm sâu, gây ra băng giá, mưa tuyết" TS. Lâm thông tin thêm.
Biển động mạnh do ảnh hưởng của không khí lạnh
Đêm 6/1, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, vùng biển phía Tây của Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa), khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) và giữa Biển Đông có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8, biển động mạnh, sóng biển cao từ 2 - 4m.
Không khí lạnh tăng cường khiến biển động mạnh nên các tàu thuyền cần phải về nơi tránh trú an toàn.
Từ ngày 7-8/1, vịnh Bắc Bộ, vùng biển Trung Bộ, Nam Bộ có gió Đông Bắc mạnh cấp 7, giật cấp 9; biển động mạnh, sóng biển cao từ 3 -5m. Khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) và giữa Biển Đông có gió Đông Bắc mạnh cấp 7, có nơi cấp 8, giật cấp 10, biển động mạnh, sóng biển cao từ 5-7m.
Vùng biển phía Tây của Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6 -7, giật cấp 8 -9, biển động mạnh, sóng biển cao từ 3-5m. Gió Đông Bắc trong đất liền ở Bắc Bộ và Trung Bộ mạnh dần lên cấp 3-4, vùng ven biển cấp 5.
Trước diễn biến thời tiết nguy hiểm trên biển, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Kiên Giang thông báo, hướng dẫn cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền biết diễn biến của gió mạnh trên biển để phòng tránh, di chuyển vào bờ hoặc tránh trú tại các khu vực an toàn và chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo an toàn, hiệu quả.
Các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Kiên Giang duy trì thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện và thuyền trưởng các tàu, thuyền; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.
Các địa phương tổ chức kiểm tra và triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho các khu dân cư, công trình ven biển, nhất là các công trình đang thi công hoặc đã bị sự cố trong các trận bão, mưa lũ tháng 10-11/2020 nhưng chưa được khắc phục.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận