EVN đảm bảo an toàn sau bão số 6
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay, dự kiến, đến hết ngày hôm nay 11/11, sẽ cơ bản khôi phục cấp điện cho các khách hàng bị ảnh hưởng do bão, ngoại trừ những khu vực ngập sâu, chia cắt buộc phải tạm thời cắt điện chủ động để đảm bảo an toàn.
- Bão số 6 tiếp tục mạnh lên do tác động của không khí lạnh tăng cường
- Cập nhật các chuyến bay bị huỷ do bão số 6
- Đà Nẵng sẵn sàng sơ tán dân các vùng ngập sâu do ảnh hưởng bão số 6
Do ảnh hưởng của cơn bão số 6 (Nakri), lưới điện trung áp, hạ áp tổng cộng có khoảng 200.000 khách hàng ở các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Kon Tum, Khánh Hòa bị ảnh hưởng do bão.
Các đơn vị Điện lực tại miền Trung đã nỗ lực xử lý sự cố lưới điện do ảnh hưởng bão ngay trong tối và đêm 10/11, nên đến sáng nay đã khôi phục cấp điện được cho khoảng 40.000 khách hàng. Lưới điện truyền tải 500 kV, 220 kV và lưới điện 110 kV đang vận hành bình thường, không có sự cố.
Các hồ chứa thủy điện thuộc EVN đang vận hành theo các quy trình liên hồ/đơn hồ, mức nước của hầu hết các hồ chứa thủy điện khu vực bị ảnh hưởng vẫn đang dưới mức nước theo quy trình điều tiết liên hồ.
Riêng hồ Thủy điện Sông Ba Hạ đạt đỉnh lũ 2300 m3/s lúc 22h ngày 10/11, xả qua cửa xả 1.000m3/s. Do mức nước nhiều hồ vẫn ở mức thấp nên dung tích phòng lũ các hồ chứa từ Quảng Nam đến Khánh Hòa, khu vực Tây Nguyên tương ứng vẫn còn gần 2 tỷ m3.
Theo EVN, hiện sơ bộ tình hình thiệt hại, không có thiệt hại về người do ảnh hưởng của bão; các thiệt hại về tài sản vẫn đang được thống kê bởi các đơn vị chức năng...
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hòa cho biết, nhờ chuẩn bị tốt công tác ứng phó và bão số 6 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới khi vào bờ nên không gây thiệt hại về người, tài sản của nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Bão số 6 bắt đầu ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, gây gió mạnh và mưa lớn từ lúc 20 giờ ngày 10/11, sau đó nhanh chóng suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Toàn bộ tàu thuyền của Khánh Hòa đều được tránh trú, neo đậu an toàn. Toàn tỉnh có 2.590 bè nuôi trồng thủy sản, các hộ nuôi trồng thủy sản đã chủ động chằng, néo, di dời lồng bè đến nơi an toàn.
Hơn 6.000 lao động trên các lồng bè đã di chuyển vào bờ. Riêng khu vực bè nuôi trồng thủy sản ở xã Vạn Thạnh, Vạn Ninh, thời điểm 17 giờ ngày 10/11 còn 2 ngư dân đang ở trên lồng bè nuôi cá, bị mắc kẹt lại.
Do điều kiện gió to, sóng lớn, các tàu chức năng không thể tiếp cận khu vực này để cứu nạn. Đến 21 giờ 30 phút cùng ngày, khi sóng biển tạm lắng xuống, 2 ngư dân đã bơi xuồng vào hòn đảo gần đó an toàn.
Hiện nay, mực nước trên các sông của tỉnh Khánh Hòa đều ở mức thấp, dưới mức báo động I. Dựa vào lượng mưa phổ biến từ 85-125mm từ 6h ngày 10/11 đến sáng 11/11, tỉnh Khánh Hòa đã chủ động tích nước cho hệ thống hồ chứa, đưa dung tích nước chứa nâng từ 55% lên 67% so với tổng dung tích toàn bộ, đáp ứng yêu cầu tưới tiêu và cấp nước sinh hoạt, sản xuất điện thời gian tới.
Các cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch tại địa phương thông tin và thực hiện biện pháp đảm bảo an toàn cho du khách trước, trong và khi bão đổ bộ nên không xảy ra trường hợp đáng tiếc.
Theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh Khánh Hòa có hơn 100m kênh mương bị hư hỏng, 40 m đường giao thông nông thôn bị sạt lở, khoảng 350 ha lúa và hoa màu bị ngập, chủ yếu tại huyện Vạn Ninh và một phần thị xã Ninh Hòa. Ngoài ra, 10 bè nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại, hai thuyền (dưới 30 CV) bị dứt dây khi neo đậu bị chìm.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận