Galaxy Upcycling: Tái sử dụng điện thoại cũ thành thiết bị y tế
Galaxy Upcycling của Samsung là chương trình dùng điện thoại thông minh cũ để tái chế thành thiết bị y tế hữu ích. Chương trình không chỉ giải quyết các rào cản trong chăm sóc sức khỏe mắt mà còn là một minh chứng tuyệt vời về cách chúng ta có thể sử dụng các giải pháp sáng tạo trong giảm thiểu chất thải điện tử và tái chế các nguồn tài nguyên quý.
- Công nghệ tái chế pin xe điện mới thúc đẩy ngành sản xuất ô tô điện phát triển
- Rác thải điện tử toàn cầu tăng ‘chóng mặt’
- 'Biến' rác thải điện tử thành vàng
Nhân Ngày Sức khỏe Thế giới năm nay, Samsung tiếp tục hành trình mới với chủ đề “Hành tinh của chúng ta, Sức khỏe của chúng ta”. Thông qua chương trình Galaxy Upcycling, Samsung đã thực hiện sứ mệnh thực hành sáng tạo đổi mới và phát triển bền vững, không chỉ để bảo tồn tài nguyên trái đất mà còn thu hẹp trở ngại khi tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Nhìn lại năm đầu tiên thực hiện chương trình, Samsung đã nâng cấp hàng trăm thiết bị Galaxy đã qua sử dụng và cung cấp dịch vụ chăm sóc mắt cơ bản đến hơn 3.000 bệnh nhân ở Ma-rốc, Ấn Độ và Papua New Guinea.
“Thông qua chương trình Galaxy Upcycling của Samsung, điện thoại thông minh cũ được tái chế thành thiết bị y tế hữu ích. Chương trình không chỉ giải quyết các rào cản trong chăm sóc sức khỏe mắt mà còn là một minh chứng tuyệt vời về cách chúng ta có thể sử dụng các giải pháp sáng tạo trong giảm thiểu chất thải điện tử và tái chế các nguồn tài nguyên quý” – Tiến sĩ Sangchul Yoon, Giáo sư tại Đại học Yonsei và Giáo sư thỉnh giảng tại Trường Y Harvard chia sẻ.
Được biết, trên toàn cầu hiện có khoảng 1,1 tỷ người bị suy giảm thị lực, 90% trong số đó sống ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, khó tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe mắt chất lượng.
Để giải quyết vấn đề này, Samsung đã hợp tác với Cơ quan Phòng chống Mù lòa Quốc tế (IAPB) và Hệ thống Y tế Đại học Yonsei (YUHS) để chuyển đổi công nghệ Galaxy cũ và không được sử dụng thành máy ảnh chẩn đoán y tế có tên là Máy chụp võng mạc EYELIKE™, cho phép chuyên gia trong và ngoài ngành y tế đều có thể sàng lọc bệnh nhân với tiềm ẩn nguy cơ mù lòa.
“Chúng tôi tự hào về đội ngũ của mình tại Samsung, những người đã giúp đưa công nghệ chẩn đoán suy giảm thị lực tiên tiến đến với bệnh nhân thông qua nền tảng EYELIKE™.” Tiến sĩ Aloknath De, Giám đốc Tư vấn Điều hành, Sáng tạo Mở của Viện R&D Samsung ở Bangalore cho biết.
Kể từ khi giới thiệu EYELIKE™ tại Ma-rốc, Samsung đã hợp tác với Global Care và 21 tổ chức, bao gồm cả các trung tâm y tế công cộng và phòng khám tư nhân, để tái sử dụng 60 thiết bị điện thoại thông minh cũ thành Máy chụp võng mạc EYELIKE™.
“Ở Ma-rốc, chúng tôi thiếu nhân viên y tế và thiết bị y tế nhãn khoa, vì vậy tôi tin tưởng rằng EYELIKE™ sẽ mang lại những lợi ích to lớn – đặc biệt cho những bệnh nhân sống ở vùng xa,” bác sĩ nhãn khoa Mohcine Ait Hida cho biết.
Tính đến nay, các bác sĩ nhãn khoa địa phương đã sử dụng thiết bị để sàng lọc hơn 2.028 bệnh nhân và cung cấp dịch vụ chăm sóc sau chẩn đoán, bao gồm kê đơn kính thuốc cho 128 người, lên lịch thăm khám cho 205 người và kết nối 50 người đến bệnh viện mắt để tiếp tục điều trị.
Nhận thấy bệnh mù lòa đang là một thực trạng nổi cộm ở Ấn Độ, Samsung đã tái sử dụng gần 200 thiết bị điện thoại thông minh, cung cấp cho các bệnh viện địa phương. Giải pháp cấp tiến này đã cải thiện thị lực cho rất nhiều người có bệnh lý giống như Jamuna Prasad.
Cụ thể, sau khi được kiểm tra mắt bằng Máy chụp võng mạc EYELIKE™ tại Trung tâm Chăm sóc Mắt chính của Bệnh viện Mắt Sitapur, anh đã nhận được chẩn đoán chính xác về bệnh võng mạc tiểu đường. Nhờ đó, thị lực của Jamuna đã được cải thiện rõ rệt.
Cũng tại Ấn Độ, rất nhiều bệnh nhân sống ở vùng sâu vùng xa khó di chuyển đến các trung tâm nhãn khoa, nhờ thiết kế nhỏ gọn, các chuyên viên đo thị lực đã có thể mang Máy chụp võng mạc EYELIKE™ tới những ngôi làng hẻo lánh thông qua chương trình tiếp cận cộng đồng và sàng lọc các bệnh tiềm ẩn về mắt. Và đã có hơn 1.000 bệnh nhân ở Ấn Độ đã được khám sàng lọc thông qua các cơ sở y tế địa phương và các chương trình tiếp cận cộng đồng như vậy.
Hay tại Papua New Guinea, các cơ sở chăm sóc sức khỏe thường phải chật vật để tìm kiếm bác sĩ nhãn khoa đã qua đào tạo cũng như trang thiết bị thiết yếu để điều trị các bệnh võng mạc. Thực trạng càng trở nên đáng báo động hơn khi tỷ lệ mù lòa lan rộng trên toàn quốc.
Tiến sĩ Jambi Garap, Chủ tịch Ủy ban Phòng chống mù lòa và Giảng viên Nhãn khoa tại Đại học Papua New Guinea cho biết: “Nhờ chương trình hợp tác và Máy chụp võng mạc EYELIKE™, chúng tôi hiện có đủ thiết bị để mở rộng các dịch vụ chăm sóc và sàng lọc quy mô toàn quốc. Chúng tôi hiện đang đào tạo các bác sĩ với hy vọng rằng họ có thể giúp chẩn đoán bệnh nhân trên toàn quốc và nâng cao hiểu biết của mọi người về các bệnh liên quan tới mắt.”.
Chương trình EYELIKE™ đang hỗ trợ kéo gần khoảng cách về bình đẳng y tế thông qua việc đào tạo các bác sĩ và nhân viên phòng khám ở khu vực nông thôn cách sử dụng thiết bị trong sàng lọc bệnh nhân. Bất chấp các hạn chế, chậm trễ trong việc khám sàng lọc cho bệnh nhân do đại dịch COVID-19 gây ra, Tiến sĩ Garap mong sẽ tiếp tục tổ chức các buổi khám sàng lọc này trong năm nay. Cô hy vọng có thêm bác sĩ hướng dẫn đến các khu vực nông thôn để chia sẻ kiến thức, bên cạnh việc tiến hành nghiên cứu về các rối loạn mắt hiếm gặp như bệnh Eales bằng thiết bị EYELIKE™.
Là một phần trong sứ mệnh khai thác công nghệ vì mục đích tốt đẹp thông qua tác động tích cực đến con người và Trái đất, Samsung đã lên kế hoạch nâng tầm hỗ trợ kỹ thuật dài hạn và hợp tác toàn diện nhằm tiếp tục chương trình đào tạo và khám sàng lọc bệnh nhân.
Samsung cũng đồng thời cam kết cải tiến công nghệ giúp xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn và trao quyền cho người dùng góp phần phát triển hệ sinh thái bền vững. Điều này cũng bao gồm việc thực hiện các hành động thiết thực nhằm giảm tác động lên môi trường và định hình lại trải nghiệm của người dùng thông qua chiến dịch Galaxy for the Planet.
EYELIKE™ đặc biệt giúp Samsung giảm thiểu tác động đến môi trường bằng cách hỗ trợ đạt mục tiêu Không rác thải chôn lấp (Zero Waste) và giảm thiểu rác thải công nghệ vào năm 2025.
Theo Tạp chí Điện tử