Giá điện sẽ được điều chỉnh trên cơ sở sức chịu đựng của người dân
Trước những quan tâm lớn của nhân dân và báo giới về vấn đề tăng giá điện, đại diện Bộ Công Thương cho biết giá bán sản phẩm đặc biệt này sẽ được điều chỉnh trên cơ sở cân nhắc sức chịu đựng của nền kinh tế, người dân và doanh nghiệp cũng như các quy định của pháp luật hiện hành.
- Bộ Công Thương sẽ ban hành thông tư để pháp điển hoá cơ cấu giá điện
- Căn cứ nào để Bộ Công Thương xây dựng biểu giá điện mới?
- Công tơ điện tử càng thông minh, người dân càng bớt than về giá điện
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công Thương đang cùng các bộ, ngành rà soát trên cơ sở đề xuất điều chỉnh giá điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) theo Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 24) quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân cũng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Công Thương cũng cân nhắc các phương án điều chỉnh giá điện căn cứ vào sức chịu đựng của nền kinh tế, người dân và doanh nghiệp.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, thực hiện theo Quyết định 24, EVN được quyền điều chỉnh giá 6 tháng/lần nếu các thông số đầu vào biến động tăng 3% trở lên so với giá bán hiện hành. Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh giá khi giá bán điện bình quân tính toán cao hơn giá điện hiện hành từ 10%.
Để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, Việt Nam vẫn giữ ổn định giá bán điện từ tháng 3/2019 đến nay trong điều kiện giá bán điện thấp hơn chi phí sản xuất và trên thế giới các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất điện như than, dầu…. đều tăng cao.
Giá điện sẽ được điều chỉnh theo thực tế điều hành của Chính phủ trên cơ sở xem xét khả năng chịu đựng của nền kinh tế, người dân và doanh nghiệp.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay, khác với việc xăng dầu là mặt hàng bình ổn giá, doanh nghiệp được quyền quyết định giá, còn điện là mặt hàng nhà nước định giá chứ không phải EVN. Mặt khác, việc điều chỉnh giá điện phải được tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng vì nó tác động rất lớn tới sản xuất - kinh doanh của toàn bộ nền kinh tế.
Trước đó, EVN đã có đề xuất, do biến động giá nhiên liệu như: than, dầu, khí trên thế giới khiến chi phí sản xuất điện và mua điện của EVN tăng rất cao. Căn cứ diễn biến giá nhiên liệu các tháng đầu năm 2022 và kế hoạch vận hành hệ thống điện đã được Bộ Công Thương phê duyệt từ đầu năm thì năm nay EVN có thể lỗ lên tới 64.805 tỷ đồng.
Để ứng phó vấn đề này, EVN đã thực hiện triệt để việc tiết kiệm và cắt giảm chi phí như: tiết kiệm 10% các chi phí thường xuyên; cắt giảm từ 20 - 30% chi phí sửa chữa tài sản cố định; tạm chi lương cho cán bộ công nhân viên bằng 80% mức lương bình quân năm 2020; tăng cường quản trị các khoản giảm giá thành điện... Đồng thời, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tối ưu hóa dòng tiền, thu cổ tức của các công ty cổ phần có vốn góp của EVN trong năm 2022.
Bên cạnh các giải pháp về quản trị, trong sản xuất EVN vận hành tối ưu hệ thống điện để phát tối đa nguồn thủy điện (chi phí thấp); điều phối các hợp đồng mua than, ưu tiên các nguồn than có giá rẻ hơn để giảm chi phí phát điện; đàm phán với các chủ đầu tư các nhà máy điện BOT về sản lượng phát điện để tối ưu hóa chi phí chung...
Theo tạp chí Điện tử & Ứng dụng
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận