Không khí lạnh tăng cường mạnh gây sương muối và băng giá ở phía Bắc
Một đợt không khí lạnh tăng cường mạnh đag di chuyển xuống phía Nam được dự báo là sẽ gây rét đậm, rét hại tại khu vực miền núi phía Bắc kèm theo đó là băng giá và sương muối.
- Bão số 6 tiếp tục mạnh lên do tác động của không khí lạnh tăng cường
- Dự báo thời tiết Hà Nội ngày mai 13/10: Không khí lạnh gây mưa trên khắp khu vực
- Dự báo thời tiết Hà Nội ngày mai 12/12: Không khí lạnh tăng cường yếu nên Thủ đô ấm lên
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường mạnh, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời tiếp tục rét, vùng núi có nơi rét đậm, rét hại với nhiệt độ thấp nhất phổ biến khoảng 11-14 độ C, vùng núi 7-10 độ C, vùng núi cao dưới 5 độ C và có khả năng xảy ra băng giá và sương muối.
Tối 4/12, không khí lạnh đã ảnh hưởng đến hầu hết các nơi ở Trung Trung Bộ. Vịnh Bắc Bộ đã có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7. Đêm 4/12, không khí lạnh sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến các nơi khác ở Trung Trung Bộ.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường mạnh có thể gây ra hiện tượng sương muối và băng giá trên đỉnh Fansipan.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, nhiệt độ xuống thấp sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Người dân cần biết cách giữ ấm, phòng, chống rét cho bản thân và gia đình. Khi thời tiết xuống dưới 10 độ C, người già, trẻ em có khả năng mắc các bệnh lý như hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, giãn phế quản, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, xương khớp... Nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới viêm phổi, suy hô hấp, đột quỵ, ảnh hưởng đến tính mạng.
Để phòng ngừa mắc bệnh khi thời tiết thay đổi, người dân nên mặc đủ ấm, tránh những vị trí gió lùa... Người cao tuổi, tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột như từ trong nhà ấm chạy ra ngoài lạnh. Nếu thay đổi nhiệt độ đột ngột sẽ gây thay đổi về huyết áp có nguy cơ bị tai biến mạch máu não.
Trẻ nhỏ đôi khi lại ở tình trạng ngược lại, buổi tối trẻ được mặc quá ấm, khi ngủ, trẻ sẽ toát mồ hôi dẫn tới ướt quần áo; mồ hôi sẽ thấm ngược lại cơ thể trẻ gây ra nguy cơ viêm phổi.
Do đó, các bậc cha mẹ, ông bà nên lưu ý giữ nhiệt độ chung trong phòng cho đủ ấm và mặc quần áo vừa phải; luôn kiểm tra, nếu trẻ bị toát mồ hôi nhiều phải thay áo, tránh để trẻ mặc áo ướt. Những người theo nghề đặc thù phải làm việc ở ngoài trời khi rét đậm, rét hại cần mặc nhiều quần áo, hạn chế để da tiếp xúc với môi trường lạnh.
Khu vực các tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi trong tối 4/12 tiếp tục có mưa, mưa rào rải rác.
Trên đất liền khu vực Bắc và Trung Trung Bộ, gió Đông Bắc mạnh cấp 3, vùng ven biển cấp 4. Đêm 4/12, vịnh Bắc Bộ có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7, biển động, sóng biển cao từ 2-3m.
Đêm 4 và ngày 5/12, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) gió Đông Bắc mạnh cấp 7, giật cấp 9, biển động mạnh; sóng biển cao từ 4-6m.
Khu vực giữa Biển Đông và vùng biển từ Quảng Trị đến Ninh Thuận gió Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8, biển động mạnh; sóng biển cao từ 3-5m.
Vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và vùng biển phía Tây của khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, biển động mạnh; sóng biển cao từ 3-5m. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định, từ 22 giờ 30 phút ngày 4/12 đến 9 giờ 30 phút ngày 5/12 tại tỉnh Đắk Lắk, lũ trên sông Srêpốk tiếp tục xuống chậm, sông Krông Ana tiếp tục xuống.
Sáng 5/12, mực nước dự kiến trên sông Krông Ana tại Giang Sơn xuống mức 422,0m, ở mức báo động 2; trên sông Srêpốk tại Bản Đôn xuống mức 173,8m, dưới báo động 3 là 0,2m. Nguy cơ xảy ra sạt lở đất ở vùng núi tỉnh Đắk Lắk, đặc biệt tại các huyện: M’Đrắk, Krông Bông, Ea Kar, Lắk, Krông Pắk, Krông Ana, Cư Kuin.
Tình trạng ngập lụt ở vùng trũng thấp, ven sông, khu đô thị tại Đắk Lắk tiếp tục diễn ra, đặc biệt các huyện: M’Đrắk, Krông Păk, Krông Buk, Krông Bông, Lăk, Krông Ana, Ea Súp, Ea Hleo, Buôn Đôn. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, ngập lụt, sạt lở đất cấp 2.
Theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, lũ quét thường xảy ra bất ngờ tại các sông, suối khu vực miền núi; lũ lên nhanh và cũng xuống nhanh, có sức tàn phá lớn, thường đi kèm với sạt lở đất, đá.
Người dân cần cảnh giác trước các dấu hiệu xuất hiện lũ quét như: Mưa lớn nhiều ngày ở vùng thượng lưu, nước sông hoặc suối chuyển màu đục, có tiếng động bất thường của đất đá hoặc âm thanh lạ trong lòng đất...
Khi thấy các dấu hiệu trên, người dân cần nhanh chóng di chuyển khỏi khu vực có thể xảy ra lũ quét để đến nơi có vị trí cao hơn; sẵn sàng sơ tán theo hướng dẫn của chính quyền.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận