Kinh doanh online - Mô hình thích ứng với xu thế tiêu dùng thời COVID-19
Khi dịch COVID-19 làm thay đổi thói quen người tiêu dùng cũng là lúc thương mại điện tử lên ngôi do đó việc thích ứng với thực tế buộc nhà sản xuất phải thay đổi phương thức kinh doanh của cả doanh nghiệp lẫn HTX.
- Kinh doanh online sẽ đi về đâu ‘thời iOS 14.5’
- Lộn xộn kinh doanh online mùa dịch COVID-19
- Dân kinh doanh online được dự báo là đối tượng của tội phạm mạng
Theo chia sẻ của Giám đốc điều hành Công ty CP Ubofood Đỗ Hoàng Thạch, ngay từ khi thành lập công ty đã định hướng bán hàng 100% qua sàn thương mại điện tử chứ không phải đợi khi có dịch COVID-19. Tuy nhiên, “vạn sự khởi đầu nan” và công ty cũng gặp rất nhiều khó khăn bởi người dân chưa có thói quen đặt hàng qua app mà vẫn đi chợ để tự lựa chọn thực phẩm.
Nhưng dịch bệnh xuất hiện đã làm thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân. Chỉ trong gần 1 tháng Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, Công ty CP Ubofood đã nhận được lượng đơn đặt hàng tăng gấp 10 - 15 lần, doanh thu tăng 10 lần so với những tháng trước đó.
Nhu cầu tiêu dùng thích ứng với yêu cầu giãn cách xã hội đã và đang là xu thế tất yếu buộc các doanh nghiệp phải tìm phương án tiếp cận phù hợp.
Việc đặt mua hàng cũng rất đơn giản, chỉ cần tải app hoặc vào trang web của công ty, khách hàng có thể đặt hàng trước 20h mỗi ngày, Ubofood xử lý đơn, giao hàng tới điểm giao dịch (Pos) hoặc giao tận nhà từ 9h - 11h ngày hôm sau.
Để đảm bảo rõ nguồn gốc và chất lượng, toàn bộ sản phẩm khi đưa lên app để cung ứng đều thông qua các khâu kiểm duyệt về giấy tờ chứng nhận.
Bên cạnh đó, hàng hóa trước khi cung ứng được lưu mẫu hàng ngày, sơ chế đóng gói đảm bảo điều kiện tiêu chuẩn, vận chuyển bằng xe chuyên dụng; đồng thời, có bộ phận chăm sóc khách hàng để nhận phản hồi và xử lý hàng hóa lỗi.
Để đảm bảo an toàn, công ty đã tuân thủ chặt chẽ những quy định về 5K trong phòng, chống dịch của Bộ Y tế. Toàn bộ đội ngũ nhân viên giao hàng đều là nhân sự thuộc công ty quản lý được tiêm vaccine phòng, chống dịch COVID-19 và cứ 3 ngày lại tiến hành test nhanh 1 lần.
Không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa khi nhiều điểm sản xuất không chủ động trong việc giao hàng, công ty đã tăng cường xe chuyên chở trực tiếp xuống tận nơi thu mua cho bà con.
Trong tổng số trên 1.500 sản phẩm Ubofood đang phân phối của 200 nhà cung cấp từ 30 tỉnh, thành phố có gần 100 sản phẩm OCOP là sản phẩm mang tính đặc thù của các vùng, miền trong Chương trình Mỗi xã Một sản phẩm.
Trước đây, dù có đạt chất lượng tốt nhưng bao bì, nhãn mác, giấy chứng nhận chưa bài bản nên việc khớp nối để tiêu thụ rất khó khăn. Từ khi công nhận OCOP nên các công đoạn từ bao bì, nhãn mác, giấy chứng nhận được chuẩn hóa nên sản phẩm đưa lên sàn thương mại điện tử khá thuận lợi.
Hiện Hà Nội có gần 50 sản phẩm Ubofood đang phân phối, điển hình như thịt lợn sinh học A-Z của HTX Hoàng Long đạt OCOP 4 sao, mỳ miến của Công ty Thực phẩm Minh Dương đạt OCOP 4 sao, xạ đen của Công ty CP MD Queens đạt OCOP 4 sao...
Với 11 sản phẩm được UBND TP đánh giá, phân hạng cấp sao, cơ sở sản xuất, kinh doanh của anh Lê Đình Tuấn là đơn vị tiên phong trong Chương trình OCOP tại huyện Thanh Trì. Trước thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, cơ sở này duy trì hàng trăm điểm tiêu thụ các sản phẩm trà thảo mộc, bột ngũ cốc dinh dưỡng trên khắp địa bàn Hà Nội.
Dù vậy, thực hiện Chỉ thị số 17/CT-UBND và mới đây nhất là Công điện số 18/CĐ-UBND của UBND thành phố, các điểm bán hàng cũng như nhiều hệ thống phân phối sản phẩm OCOP của cơ sở anh Lê Đình Tuấn đã phải tạm ngừng hoạt động.
Anh Tuấn cho biết, hiện việc kinh doanh của anh chủ yếu thực hiện qua phương thức online và phối hợp với một số sàn thương mại điện tử để giới thiệu, cung ứng sản phẩm đến người tiêu dùng….
Ngay cả những HTX được xem là lưu giữ cách thức kinh doanh truyền thống cũng đã phải "online".
Đồng quan điểm này, anh Khúc Văn Trọng, Giám đốc HTX Sữa bò Phù Đổng cho biết, trước khó khăn do dịch COVID-19, HTX đã đẩy mạnh tiêu thụ ra các địa phương lân cận như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Bình, Hải Dương… Trên địa bàn Hà Nội, HTX chủ yếu phân phối vào các hệ thống bán lẻ, đại lý. Các đơn vị này có liên kết với sàn thương mại điện tử và cũng phải tăng cường bán hàng online…
Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng thường trực Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội cho biết, hiện nay tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Hà Nội vừa phải thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch vừa phải đảm bảo nguồn cung ứng nông sản thực phẩm phục vụ nhân dân vì đây là mặt hàng thiết yếu cho nhu cầu hàng ngày của người tiêu dùng.
Do đó, để hỗ trợ cho việc sản xuất, tiêu thụ nông sản, Hà Nội đang nỗ lực triển khai hình thức bán nông sản qua hình thức online, livestream để tránh việc đứt gãy các chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản trên địa bàn thành phố, góp phần phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả.
Bán hàng qua sàn điện tử khá thuận tiện và dễ sử dụng. Khách hàng cũng có thể chủ động đặt hàng mọi lúc, mọi nơi, giá cả công khai, thông tin sản phẩm minh bạch, giao hàng tại nhà hạn chế tiếp xúc, phù hợp với tình hình dịch bệnh đang lây lan hiện nay.
Tuy nhiên, nhiều công ty cũng gặp không ít khó khăn do sự thay đổi thói quen của người tiêu dùng khi mua thực phẩm ngoài chợ truyền thống, siêu thị hay những người cao tuổi khó tiếp cận hơn khi tải và đặt hàng qua app. Riêng về sản phẩm OCOP, còn có hạn chế nữa là nhiều người tiêu dùng chưa hiểu về Chương trình nên cần sự vào cuộc, truyền thông của nhiều đơn vị một cách sâu rộng hơn nữa.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận