QRCdoe khiến người Mỹ phải bất ngờ khi phát huy hiệu quả phòng dịch COVID-19
Dù trước đây là quốc gia không "mặn mà" với QRCode khi cho rằng không phải là tiến bộ công nghệ nhưng cho đến thời điểm hiện tại mã vạch lại được người Mỹ sử dụng như một biện pháp phòng dịch hiệu quả và đã trở thành công nghệ không thể thiếu trong việc hạn chế tiếp xúc ở trạng thái "bình thường mới".
- Mã QRCode 'luồng xanh' sẽ được cấp tự động tại địa chỉ website mới
- Hiệu ứng nở rộ thanh toán qua QR code
- Thanh toán tiền điện qua mã QR Code: Tiện lợi cho khách hàng trong mùa dịch
Giữ khoảng cách, hạn chế tiếp xúc giờ đây đã trở thành nguyên tắc “bình thường mới” ở nhiều nơi trên thế giới. Cũng chính bởi những nguyên tắc bình thường mới này, chưa bao giờ công nghệ QRCode lại phổ biến như hiện nay ở các quán ăn, nhà hàng tại Mỹ, nhất là tại các thành phố và bang lớn như New York.
Để được phục vụ, giờ đây thực khách chỉ cần dùng điện thoại cá nhân quét lên bảng mã vạch của nhà hàng đặt sẵn trên từng bàn lập tức sẽ truy cập được thực đơn và gọi đồ một cách dễ dàng mà không phải tiếp xúc trực tiếp với nhân viên của quán. Khách hàng cũng có thể tự nhập thông tin thẻ và trả tiền khi dùng bữa xong mà không phải tiếp xúc với bất kỳ ai.
QRCode phát huy hiệu quả từ việc đặt món.
Chỉ cách đây một năm rưỡi, khi đại dịch COVID-19 chưa xảy ra, việc khách quét mã vạch, gọi đặt đồ trong quán ăn, nhà hàng mà không tiếp xúc với nhân viên của quán, gần như chưa hề tồn tại ở Mỹ.
Nước Mỹ trước đây không mặn mà với mã vạch, dù một số nước như Nhật Bản hay Trung Quốc đã ứng dụng công nghệ này trong một số lĩnh vực từ cách đây hàng chục năm. Thế nhưng giờ đây, mã vạch trở thành công nghệ không thể thiếu tại hầu hết các quán ăn, nhà hàng tại Mỹ.
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Nhà hàng Mỹ, có tới một nửa số nhà hàng quy chuẩn trên toàn nước Mỹ đã chuyển sang sử dụng thực đơn dùng mã vạch kể từ khi đại dịch xảy ra.
Hiệp hội cũng cho biết ứng dụng mã vạch đã giúp các quán ăn, nhà hàng tiết kiệm được tới 30-50% chi phí nhân công lao động, thậm chí có những quán hoàn toàn không thuê nhân viên ghi thực đơn và thanh toán nữa.
Chị Olga Pozhayrybko, quản lý nhà hàng Bierhaus cho rằng: “Việc ứng dụng công nghệ mã vạch rộng rãi tại các nhà hàng rõ ràng hiệu quả bởi khách hàng và cả nhân viên phục vụ đều cảm thấy an tâm hơn. Hiện tại, tôi cho rằng đây là cách an toàn nhất để bảo vệ sức khỏe và phòng chống dịch bệnh đối với khách hàng tới dùng bữa tại nhà hàng cho nên chắc chắn chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục áp dụng phương thức này trong thời gian tới".
Trong khi đó, Trưởng Đại diện Văn phòng Xúc tiến Thương mại, Bộ Công thương tại New York, ông Nguyễn Mạnh Hùng, nhận định rằng việc ứng dụng mã vạch và các công nghệ khác phục vụ đời sống xã hội là hướng đi đúng, đặc biệt trong thời đại CMCN 4.0.
Ông Hùng cho biết đa số quán ăn, nhà hàng tại New York hiện đều sử dụng công nghệ mã vạch giúp khách hàng cảm giác yên tâm hơn khi đi vào những nơi đông người, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp hiện nay.
Đến sử dụng QRCdoe để thực hiện thanh toán không tiếp xúc.
Phân tích của Hiệp hội Nhà hàng Mỹ cũng cho thấy khi quét mã vạch, thực đơn hiển thị trên điện thoại thông minh của khách nhìn đẹp mắt hơn, hấp dẫn hơn và do đó, cũng khiến khách muốn đặt thêm đồ ăn, uống.
Thực đơn đặt qua mã vạch cũng giúp cho các nhà hàng thống kê nhanh chóng, dễ dàng những món đồ ăn, đồ uống bán chạy nhất và nhờ vậy, có thể điều chỉnh thực đơn và dự trữ thực phẩm phù hợp với nhu cầu của khách, giúp gia tăng doanh thu bán hàng.
Tuy nhiên, không ít khách hàng cũng băn khoăn rằng việc sử dụng mã vạch trên chính điện thoại cá nhân của họ có thể khiến nhà hàng biết được thói quen tiêu dùng của họ, và thậm chí tiếp cận được cả những thông tin cá nhân khác, ảnh hưởng tới quyền riêng tư bởi mã vạch có thể lưu trữ thông tin về việc mã vạch đó được quét ở đâu, khi nào, và bao nhiêu lần.
Công nghệ mới, và cả đại dịch COVID-19, đang làm thay đổi cuộc sống của người dân trên toàn thế giới theo nhiều cách. Những trải nghiệm mới như ứng dụng công nghệ mã vạch tại các quán ăn, nhà hàng rõ ràng đang giúp ngành công nghiệp ăn uống và cả thực khách yên tâm hơn trong thời đại dịch.
Tuy nhiên, sử dụng công nghệ này như thế nào để đảm bảo quyền riêng tư cho người dùng vẫn còn là một vấn đề cần nghiên cứu và có giải pháp.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận