Sản xuất công nghiệp và thương mại đều tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm
Số liệu Bộ Công Thương vừa công bố cho biết, sản xuất công nghiệp tăng trưởng trên diện rộng với 56/63 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng so với cùng kỳ năm trước.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, sản xuất công nghiệp những tháng đầu năm 2024 tiếp tục cho thấy sự khởi sắc và có đóng góp tích cực đối với kết quả tăng trưởng chung của cả nền kinh tế. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 ước tăng 7,54% so với cùng kỳ năm 2023 (quý I tăng 6,47%; quý II tăng 8,55%). Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,67% (quý I tăng 7,21%; quý II tăng 10,04%), đóng góp 2,14 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 13,26%, đóng góp 0,5 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,13%, đóng góp 0,04 điểm phần trăm.
Sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm tăng 7,54%.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo ước tăng 8,5%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 13%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,3%. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng trên diện rộng với 56/63 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, có 25 địa phương tăng trưởng cao ở mức hai con số: Khánh Hòa tăng 46,4%; Bắc Giang tăng 26,5%; Hải Phòng tăng 15,2%; Quảng Ninh tăng 13,3%... Các địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp đạt mức tăng khá do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao so với cùng kỳ năm 2023: Lai Châu tăng 76,1%, Phú Thọ tăng 35,1%, Bắc Giang tăng 26,8%, Bình Phước tăng 17,0%, Hà Nam tăng 15,8%, Hải Phòng tăng 15,6%...; do ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao so với cùng kỳ năm 2023; Khánh Hòa tăng 375,3%, Trà Vinh tăng 79,1%, Cao Bằng tăng 36,4%, Thanh Hóa tăng 35,9%...
Trong 6 tháng đầu năm, với sự phục hồi của thị trường thế giới, các đơn hàng xuất khẩu gia tăng, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá trong nửa đầu năm 2024 tiếp tục khởi sắc và đạt được những kết quả tích cực. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 368,53 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu tăng 14,5%; nhập khẩu tăng 17% ; cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 11,63 tỷ USD
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 190,08 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 53,39 tỷ USD, tăng 20,6%, chiếm 28,1% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 136,69 tỷ USD, tăng 12,3%, chiếm 71,9%. Các nhóm hàng xuất khẩu chính bao gồm nông sản; công nghiệp chế biến chế tạo; nhiên liệu khoáng sản. Trong 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 178,45 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 65,74 tỷ USD, tăng 22,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 112,71 tỷ USD, tăng 14,1%. Các mặt hàng nhập khẩu chính gồm máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước.
Cán cân thương mại hàng hóa trong 6 tháng đầu năm 2024, ước tính xuất siêu 11,63 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 13,44 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 12,35 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 23,98 tỷ USD.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 3.098,7 nghìn tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2023; nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,7%. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa 6 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương tăng cao như: Quảng Ninh tăng 9,5%; Hải Phòng tăng 9,0%; Đà Nẵng tăng 7,8%; Cần Thơ tăng 7,6%; Hà Nội tăng 6,6%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 6,3%.
Theo tạp chí Điện tử và Ứng dụng