Sổ hộ khẩu đến hết ngày 31/12/2022 sẽ ra sao?
Sáng 21/10, thảo luận về dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi), nhiều đại biểu đồng tình với việc quy định sổ hộ khẩu, sổ tạm trú được sử dụng và có giá trị như giấy tờ xác nhận về cư trú theo quy định của luật này đến hết ngày 31/12/2022.
- Bỏ Sổ Hộ khẩu - Yêu cầu của thời đại công nghệ 4.0
- Bao giờ thì bỏ được thủ tục sổ hộ khẩu sau khi cấp thẻ căn cước công dân?
Người dân làm thủ tục hành chính tại phường 4, Q.Tân Bình (TP.HCM) luôn phải kèm theo hộ khẩu và chứng minh nhân dân. Ảnh: Tự Trung
Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết đa số ý kiến tán thành việc thay đổi phương thức quản lý cư trú từ hộ khẩu, sổ tạm trú, các tàng thư văn bản sang quản lý bằng số hóa và nhất trí luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2021.
Mặt khác, nhiều ý kiến đề nghị trong luật cần có một số quy định có tính chất chuyển tiếp phù hợp để bảo đảm sự thích ứng kịp thời của các cơ quan nhà nước có liên quan, tránh làm phát sinh thêm thủ tục, giấy tờ cho người dân.
Do ý kiến còn khác nhau nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra 2 phương án:
- Phương án 1: quy định chuyển tiếp, kể từ ngày luật có hiệu lực thi hành, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ xác nhận về cư trú theo quy định của luật này đến hết ngày 31/12/2022; thông tin về cư trú trong Cơ sở dữ liệu về cư trú là thông tin gốc, cơ quan đăng ký cư trú sẽ không cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.
- Phương án 2: giữ như nội dung Chính phủ đã trình là các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú vẫn có nguyên hiệu lực pháp luật. Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú không có giá trị sử dụng trong các giao dịch, quan hệ pháp luật được xác lập mới kể từ ngày luật có hiệu lực thi hành.
Thảo luận tại hội trường sau đó, nhiều đại biểu đồng tình với phương án 1. Đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) cho rằng việc bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú là vấn đề lớn do đó cần xem xét, cân nhắc, đánh giá toàn diện tránh ảnh hưởng cho người dân.
Do vậy, cần cho người dân sử dụng hai loại sổ này đến hết ngày 31/12/2022. Quy định này không làm hạn chế quyết tâm của Chính phủ và các bộ ngành trong việc xây dựng dữ liệu dân cư, cư trú, không ảnh hưởng đến hiệu lực thi hành của luật.
Ngược lại, quy định còn tránh những xáo trộn không cần thiết, tạo khoảng thời gian để cả cơ quan quản lý và người dân chuẩn bị tốt nhất cho việc quản lý cư trú bằng hình thức mới.
Cùng quan điểm, đại biểu Lê Quang Trí (Tiền Giang) cho rằng việc quy định chuyển tiếp cho sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đến ngày 31-12-2022 sẽ đảm bảo cho cơ quan, tổ chức có thời gian triển khai xong việc xây dựng Cơ sở dữ liệu dân cư, dữ liệu về cư trú cũng như việc kết nối liên thông các dữ liệu này.
Mặt khác, quy định này cũng nhằm tránh làm phát sinh thêm thủ tục, thêm khó khăn, phiền phức cho người dân, tạo áp lực quá lớn cho các cơ quan quản lý, đăng ký cư trú tại thời điểm luật có hiệu lực thi hành.
Bỏ quy định muốn đăng ký tạm trú phải có sự đồng ý của chủ trọ
Cũng tại buổi thảo luận, một số đại biểu cho rằng nên bỏ quy định "công dân chỉ được đăng ký tạm trú khi được người có nhà ở cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý" tại khoản 2 Điều 28 của dự thảo luật.
Đại biểu Trần Văn Mão (Nghệ An) cho rằng quy định này cản trở quyền cư trú của người dân. Chủ nhà ở khi đã cho ai đó thuê, mượn, ở nhờ thì đồng thời đồng ý cho người đó tạm trú tại nhà mình. Việc bỏ quy định này cũng nhằm nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân cho thuê, mượn nhà, tránh trường hợp cho thuê tràn lan, không khai báo tạm trú theo luật.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng nếu quy định "công dân chỉ được đăng ký tạm trú khi được người có nhà ở cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý" là tạo ra một loại giấy phép con, tạo điều kiện cho chủ nhà nhũng nhiễu người thuê, mượn, ở nhờ nhà.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận