Sớm công bố bộ công cụ hỗ trợ cơ quan nhà nước làm việc từ xa
Để hỗ trợ các cơ quan, tổ chức nhà nước triển khai cho các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động chuyển đổi sang mô hình làm việc trực tuyến, từ xa, Cục Tin học hóa đang làm việc với các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, giải pháp công nghệ để sớm công bố bộ công cụ hỗ trợ
- Biện pháp bảo vệ thông tin an toàn khi làm việc trực tuyến
- Bùng nổ tấn công mạng vào hệ thống làm việc online mùa COVID-19
- Các phiên bản Zoom độc hại nhắm mục tiêu vào nhân viên làm việc từ xa
Các giải pháp hỗ trợ họp, hội nghị trực tuyến là 1 trong 7 nhóm sản phẩm sẽ được Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT công bố để khuyến nghị cơ quan nhà nước sử dụng (Ảnh minh họa)
Theo đại diện Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT, làm việc tại nhà mang lại nhiều lợi ích song để đạt hiệu quả, các cơ quan nhà nước phải hình thành nhanh kỹ năng, thói quen giao tiếp trực tuyến; thay đổi cách thức làm việc để công tác chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc, kết nối, trao đổi thông tin được thực hiện trên môi trường mạng; áp dụng công nghệ số hiệu quả, phù hợp với nhu cầu, điều kiện thực tế của đơn vị, triển khai nhanh nhưng phải phục vụ lâu dài, liên tục; và đặc biệt là phải bảo đảm an toàn, an ninh thông tin.
Để hỗ trợ các cơ quan, tổ chức nhà nước triển khai cho các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động chuyển đổi từ mô hình làm việc tại văn phòng, trụ sở sang mô hình mới – làm việc trực tuyến tại nhà, Cục Tin học hóa đang làm việc với các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, giải pháp công nghệ để sớm đưa ra gói ưu đãi govtech.
Danh mục các sản phẩm, giải pháp công nghệ hỗ trợ các cơ quan, tổ chức nhà nước làm việc trực tuyến dự kiến sẽ phân thành 7 nhóm theo các nội dung công việc chính như: Họp, hội nghị trực tuyến; Tương tác, làm việc nhóm; Soạn thảo và quản lý văn bản; Chia sẻ dữ liệu; Quản lý và điều hành công việc; An toàn bảo mật; Một số công cụ thông minh khác.
Điểm đặc biệt là các nền tảng, ứng dụng, dịch vụ trong bộ công cụ hỗ trợ các cơ quan, tổ chức nhà nước đều đã được kiểm tra, đánh giá hoặc kiểm định bởi Trung tâm Chính phủ điện tử thuộc Cục Tin học hoá, Bộ TT&TT.
Các sản phẩm, giải pháp này đã và đang được các doanh nghiệp CNTT có nhiều kinh nghiệm trong triển khai Chính phủ điện tử tại Việt Nam như Viettel, VNPT, FPT, VNG, AIC sẵn sàng cung cấp. Hiện nay, đã có trang giải pháp hội nghị trực tuyến đã chính thức đi vào hoạt động tại địa chỉ http://emeeting.mic.gov.vn/.
“Hệ thống giải pháp công nghệ hỗ trợ các cơ quan, tổ chức nhà nước làm việc trực tuyến sẽ sớm được công bố đầy đủ trên trang thông tin điện tử chính thức, hỗ trợ cho các cơ quan, tổ chức nhà nước chuyển đổi sang mô hình làm việc mới, vượt qua khó khăn trong mùa dịch bệnh Covid-19”, đại diện Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT chia sẻ.
Trước đó, vào cuối tháng 3/2020, dưới sự bảo trợ của Bộ TT&TT, Cục Tin học hóa thuộc Bộ đã đồng hành cùng cộng đồng Vietnam Remote Workforce (VRW) xây dựng danh sách hơn 50 phần mềm và giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tại địa chỉ https://ict.mic.gov.vn và https://remote.vn.
Theo ictnews
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận