Tết Tân Sửu 2021 nhu cầu di chuyển lớn những các đơn vị vận tải cũng khó có thể đáp ứng
Dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 nhu cầu đi lại lớn nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến việc đáp ứng trở nên khó khăn khi các điều kiện về phòng chống dịch COVID-19 cùng với đó là quy định ở mỗi địa phương lại khác nhau khiến các nhà xe cũng như người dân đi lại gặp không ít những khó khăn.
- Giá cước của xe công nghệ sẽ phải tính như doanh nghiệp vận tải
- Bộ GTVT yêu cầu mọi đối tượng tham gia vận tải hành khách đều phải đeo khẩu trang
- Sẽ thanh tra đột xuất hoạt động vận tải hành khách dịp tết Canh Tý 2020
Thực hiện công văn chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ số 931/VPCP-KGVX ngày 5/2 về việc áp dụng biện pháp hạn chế đi lại, cách ly tại một số địa phương, trưa ngày 6/2, nhiều tỉnh, thành phố đã điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch. Tuy nhiên, thực tế, các biện pháp mà các địa phương đưa ra không thống nhất, thậm chí còn gây khó cho doanh nghiệp và người dân.
Thực hiện các quy định phòng dịch và vận tải đang khiến không ít các nhà xe gặp khó.
Cụ thể, ngày 5/2, UBND tỉnh Quảng Ninh chấp thuận phương án tổ chức giao thông vận tải trên địa bàn nhằm đảm bảo chống dịch COVID-19 và phục vụ đi lại của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Tuy nhiên, với mục tiêu không muốn dịch bệnh từ Quảng Ninh lây lan ra các tỉnh khách, Quảng Ninh có quy định riêng và theo đó, từ 12 h ngày 6/2, các phương tiện vận tải của tỉnh Quảng Ninh sẽ được phép hoạt động kinh doanh trở lại (trừ các tuyến vận tải khách đi/đến tỉnh Hải Dương, thị xã Đông Triều và huyện Vân Đồn (Quảng Ninh), nhưng phải đủ điều kiện kinh doanh, phải thực hiện nghiêm hướng dẫn về phòng chống dịch theo phương án: mỗi phương tiện chỉ được chở không quá 50% trọng tải (số ghế hành khách) trong mọi thời điểm.
Toàn bộ các lái xe, nhân viên phục vụ trên phương tiện, nhân viên làm việc tại bến xe, cảng bến tàu… phải có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trước ngày 10/2 mới tiếp tục bố trí việc làm. Ngoài ra, các nhà xe phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch bắt buộc khác theo quy định của Bộ Y tế.
Ông N.V. T, chủ hãng xe Limosines T.H cho hay, riêng chỉ với quy định được xếp khách 50% số trên xe, không được tăng giá vé dịch vụ đã là một điều khó khăn với nhà xe.
"Nay, cộng thêm điều kiện các nhà xe phải tự bỏ chi phí làm xét nghiệm đối với lái xe, phụ xe với mức giá mỗi xét nghiệm khoảng 850.000 đồng/mẫu xét nghiệm thì việc kinh doanh vận tải khách không hiệu quả, thậm chí còn lỗ vốn so với chi phí vận hành". Ông N.V. T bày tỏ, doanh nghiệp đã khó khăn nếu quay lại hoạt động kinh doanh với điều kiện trên là điều không thể.
Theo phòng Vận tải thuộc Sở Giao thông vận tải Quảng Ninh, tính đến 17h ngày 6/2, chưa có bất kỳ xe vận tải chở khách nào của tỉnh Quảng Ninh đăng ký vận hành chở khách trở lại. Chỉ có lác đác vài ba xe của tỉnh ngoài có hợp đồng chở khách quay trở lại hoạt động.
Dự kiến, tới đây, quy định này sẽ được mở rộng áp dụng đối với các phương tiện vận tải từ tỉnh ngoài vào Quảng Ninh nhằm tạo môi trường công bằng trong kinh doanh.
Cùng với những quy định được áp dụng ở mỗi địa phương khác nhau cũng khiến cho hành khách gặp không ít trở ngại khi di chuyển.
Tương tự, thành phố Hải Phòng cũng vừa có quy định: Kể từ 12 giờ ngày 6/2, thành phố kiểm soát tất cả các công dân ra và vào thành phố:. Đối với công dân vào thành phố phải có giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã tại nơi đi; trong đó, nêu rõ lý do, lịch trình vào thành phố.
Với quy định trên, người dân buộc phải đến UBND xã, phường nơi cư trú xin xác nhận, xong nội dung xác nhận như thế nào, ra sao thì lại không có bất kỳ một hướng dẫn.
Việc làm này không chỉ gây khó cho người dân mà gây khó cho cả chính UBND xã, phường của tỉnh Quảng Ninh bởi họ không biết xác minh nội dung cho công dân của mình để đáp ứng yêu cẩu chung chung của phía bên Hải Phòng.
Theo công văn 931/VPCP-KGVX của Văn phòng Chính phủ nêu rõ: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có ý kiến chỉ đạo: UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với mức nguy cơ của tỉnh khu vực trên địa bàn, bảo đảm khoanh vùng, cách ly, phong tỏa ở phạm vi gọn nhất, hạn chế tối đa các tác động bất lợi đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân và sản xuất kinh doanh, nhất là hoạt động vận chuyển hành khách, hàng hóa, nguyên liệu sản xuất trong dịp Tết Nguyên đán; có biện pháp cụ thể tạo thuận lợi cho nhân dân tiêu thụ hàng hóa, nông sản, nhất là tại vùng có dịch, vùng bị phong tỏa.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, mỗi địa phương có một quy định riêng nhằm ngăn ngừa dịch COVID-19 xâm nhập vào hoặc lây lan ra. Tuy nhiên, thực tế với cách làm trên của chính quyền các tỉnh, thành phố thì chưa thực sự phù hợp với tinh thần chỉ đạo chung của Chính phủ là tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận