Trẻ em Bỉ điều trị y tế dài ngày vẫn có thể đến trường bằng kính VR
Nhằm trợ giúp cho các trẻ em nhỏ tuổi phải điều trị dài ngày tại các cơ sở y tế, Bệnh viện Đại học Anvers (UZA) thử nghiệm kính thực tế ảo (VR) được kết nối với mạng 5G để đưa các bé trở về với trường lớp hay chính ngôi nhà thân thương của mình.
- Kính thực tế ảo đã giúp người mẹ Hàn Quốc gặp lại con đã qua đời
- Bây giờ thì đã hiểu vì sao Facebook lại mua nhà sản xuất kính thực tế ảo Oculus Quest
- Horizons Workroom - 'Viên gạch' đầu tiên để Facebook xây dựng 'vũ trụ kỹ thuật số'
Theo đó, UZA đang thử nghiệm một dự án thí điểm sử dụng kính thực tế ảo (VR) và robot để giúp các bệnh nhân nhỏ tuổi phải nằm viện dài ngày có cảm giác như được trở về nhà hoặc lớp học của mình.
Đây là một phần sáng kiến của UZA phối hợp cùng với Tập đoàn viễn thông Telenet của Bỉ. Theo đó, hình ảnh nhà hoặc trường học của các bệnh nhân có thể được trình chiếu qua kính VR thông qua kết nối 5G, giúp các bệnh nhi cảm thấy như thể các em đang có mặt tại ngôi nhà hoặc trường học thân thương của mình.
Ông Paul Van Aken, Giám đốc bộ phận chăm sóc bệnh nhân tại UZA, cho rằng thời gian nằm viện lâu thường gây ra gánh nặng tâm lý cho các bệnh nhân và gia đình, đặc biệt là trong năm vừa qua, khi dịch bệnh hoành hành tại châu Âu. VR và công nghệ 5G có thể giảm bớt vấn đề này, đồng thời tạo ra mối liên hệ ‘thực tế’ giữa các bệnh nhân với môi trường gia đình hoặc lớp học.
Việc áp dụng các thành tựu của công nghệ này sẽ giúp cho các bệnh nhi đạt được tâm lý thoải mái trong thời gian điều trị giúp phát huy hiệu quả của các pháp đồ.
Cédric Van Den Bogaerde, một bệnh nhân 13 tuổi, người đã thử nghiệm hệ thống VR, cho biết: “Thật tuyệt khi được cảm thấy như ở nhà trong một thời gian vì ở bệnh viện mọi thứ thường giống nhau. Với kính VR, giống như em đang được ở nhà vậy”.
Công nghệ VR được cho là cải thiện chất lượng âm thanh và hình ảnh hơn rất nhiều so với cuộc gọi video thông thường qua điện thoại thông minh, đặc biệt khi đeo kính VR, bệnh nhân như đã được về nhà hoặc trường học trong một tíc tắc.
Trước đó, nhiều thử nghiệm khác nhau với hệ thống VR đã được thực hiện tại UZA và những người khởi xướng dự án đánh giá kết quả thử nghiệm đã rất thành công.
Hệ thống VR nêu trên bao gồm một robot VR do công ty Horus VR của Hà Lan phát triển, được trang bị camera 360 độ, micro, loa và kết nối Internet, được đặt trong một căn phòng mà bệnh nhân muốn tới.
Sau đó, robot được kết nối với kính VR mà bệnh nhân đeo trong bệnh viện và bằng cách di chuyển đầu, bệnh nhân có thể nhìn quanh phòng nơi robot được đặt, theo đó bệnh nhân có thể nhìn thấy những gì đang diễn ra tại đó và trò chuyện với cho những người có mặt.
Hiện tại, đây là một dự án thử nghiệm, nhưng những người khởi xướng hy vọng rằng về lâu dài, các ứng dụng tương tự có thể được triển khai ở những nơi khác.
Do cần kết nối 5G tốc độ cao, do Telenet cung cấp cho dự án thử nghiệm, để khai thác hết tiềm năng của VR, việc triển khai rộng hơn sẽ phụ thuộc vào vùng phủ sóng 5G của Bỉ.
Giám đốc đổi mới sáng tạo 5G của Telenet, Piet Spiessens, cho biết: "5G nhanh hơn mạng 4G hiện tại từ 20 đến 30 lần. Hình ảnh không chỉ có thể được truyền nhanh hơn mà chất lượng cũng được duy trì ở mức tối ưu. Dự án này sẽ trở thành một ví dụ điển hình về cách 5G có thể được sử dụng ngày càng nhiều trong tương lai".
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận