Xe tự hành hoàn toàn được tái khởi động với những kỳ vọng đột phá
Với việc đại gia thương mại điện tử Amazon mua lại một công ty chuyên phát triển các phương tiện tự hành hồi cuối tháng Sáu đã làm "nóng" lại phần nào lĩnh vực công nghệ còn nhiều tiềm năng trên và được giới chuyên gia nhận định sẽ tạo ra bước đột phá lớn cho lĩnh vực này sau thời gian bế tắc.
- Hệ sinh thái ô tô 5G tạo nền tảng cho bước tiến mới của các xe tự lái
- Xe tự lái theo phân cấp của Hiệp hội Kỹ sư Ôtô (SAE) có mấy cấp độ?
- Honda - Nhà sản xuất ô tô Nhật Bản đầu tiên "trình làng" xe tự lái
“Gã khổng lồ” thương mại điện tử Amazon ngày 28/6 cho biết họ đã đồng ý mua lại công ty phát triển xe tự hành Zoox trong một thỏa thuận được cho là trị giá hơn 1 tỉ USD.
Kể từ khi thành lập vào năm 2014, Zoox đã được biết đến với tham vọng vô cùng lớn. Trong khi Waymo của Alphabet (công ty mẹ của Google) chỉ tập trung vào công nghệ tự hành và để việc sản xuất ô tô cho các nhà chế tạo ở Detroit, Zoox vẫn kiên quyết muốn tự thiết kế một chiếc xe tự hành và vận hành dịch vụ gọi xe của riêng mình.
Vào năm 2018, Zoox đã ra mắt chiếc xe nguyên mẫu đầu tiên với hình dáng như một chiếc xe golf được trang bị nhiều cảm biến. Công ty cũng đã thử nghiệm phần mềm tự hành trên những chiếc Toyota Highlanders ở San Francisco, nơi nó đang học cách xử lý những con đường hỗn loạn trong thành phố.
Xe tự hành trước những bước bế tắc
Về lý thuyết, xe tự hành và dịch vụ gọi xe công nghệ thường đi đôi với nhau. Khi Uber và Lyft vẫn đang chật vật để đo đếm tính kinh tế của các chuyến đi, cả hai tiếp tục phải chi hàng triệu USD mỗi năm để tuyển dụng và giữ chân các tài xế.
Song việc các bang như New York và California yêu cầu những tài xế đó được coi là nhân viên chính thức đang đe dọa mô hình kinh doanh của họ. Do vậy, một chiếc xe không cần tài xế càng trở nên hấp dẫn hơn đối với các công ty này.
Nhưng trong giai đoạn gần đây, lĩnh vực xe tự hành dường như đã dậm chân tại chỗ khi những hạn chế về công nghệ lớn hơn nhiều so với đánh giá trước đó của các giám đốc công nghệ.
Trong hai năm qua, các công ty dù có nguồn tài trợ không hề nhỏ như Uber, Lyft, Waymo, Cruise (công ty con của General Motors) và ArgoAI (thuộc sở hữu của Ford và Volkswagen) đều phải trì hoãn thời gian triển khai phương tiện tự hành.
Cả Uber và Lyft đều đã đầu tư khá nhiều vào công nghệ này. Nhưng bất chấp việc được “rót” thêm 1 tỷ USD từ Toyota, nhà cung cấp linh kiện ô tô Denso và Quỹ Vision của Softbank vào năm ngoái, Uber vẫn bị coi là tụt hậu hơn về mặt công nghệ. Hồi đầu năm nay, công ty thông báo sẽ đóng cửa một phòng thí nghiệm về Trí tuệ nhân tạo (AI).
Uber hiện đã thu hẹp số địa điểm thử nghiệm xe tự hành sau khi xảy ra vụ tai nạn gây chết người hồi năm 2018 tại Arizona. Một quản lý cấp cao của Uber từng nói với báo giới trong năm nay rằng công nghệ tự hành phải trải qua các giai đoạn phát triển, thử nghiệm và thương mại hóa. Uber vẫn đang trong giai đoạn phát triển.
Trong khi đó, Lyft có trung tâm phát triển công nghệ tự hành riêng ở Palo Alto (bang California). Hồi tháng Sáu, Lyft cho biết họ sẽ sử dụng dữ liệu từ các cảm biến gắn trên một nhóm nhỏ các ô tô thuộc mạng lưới gọi xe công nghệ của mình để đào tạo phần mềm tự hành.
Nhưng công ty cũng cần sự hợp tác từ công ty công nghệ vận tải Aptiv và Waymo để đưa những chiếc xe tự hành của họ vào mạng lưới của mình. Giới quan sát cho hay các công ty đang nỗ lực phát triển công nghệ tự lái như Lyft nên nghiêm túc xem xét mở rộng những thỏa thuận như vậy, vì “một cây làm chẳng nên non” trong môi trường hiện tại.
Mục tiêu xe tự hành hoàn toàn liệu có xa vời
Hồi giữa tháng Bảy, giới công nghệ đã xôn xao trước tuyên bố đầy tự tin của tỷ phú Elon Musk rằng Tesla có thể đưa ra một phương tiện tự hành có những "chức năng cơ bản" Cấp 5 vào cuối năm nay.
Song các nhà phân tích nói rằng đó là một tuyên bố quá cường điệu từ vị tỷ phú, người đã từng cam kết sẽ tung ra chiếc xe tự hành vào năm 2018 và gần đây là triển khai dịch vụ taxi tự hành vào năm 2020.
Tesla cũng đang được cho mới chỉ dừng lại ở cấp độ 3 trong các thang bậc của mức độ tự lái của xe ô tô.
Tính đến hiện tại, chỉ mình Waymo đang có một dịch vụ gọi xe với khả năng tự vận hành Cấp 4 tại khu vực Phoenix thuộc bang Arizona. Cấp 4 có nghĩa là một chiếc xe không cần tài xế và hoạt động trong một khu vực hạn chế về mặt địa lý. Nhưng rất ít khi những chiếc xe của Waymo có thể hoạt động mà không có ai ngồi ở ghế lái.
Lên tới Khả năng tự hành Cấp 5 có nghĩa là một chiếc xe có thể xử lý mọi tình huống, mọi loại thời tiết hoặc mọi địa hình mà không cần sự trợ giúp của con người - một mức yêu cầu vô cùng cao. Và chắc chắn Tesla chưa thể đáp ứng được mức độ này.
Các nhà phân tích nói rằng sự phấn khích to lớn cách đây vài năm về tiềm năng của công nghệ tự vận hành hoàn toàn đã suy yếu dần. Nhưng với sự tham gia mạnh mẽ hơn của một số đại gia như Amazon, giới đam mê công nghệ đang hy vọng về một tương lai “sôi động” hơn cho công nghệ xe tự hành.
Hồi năm ngoái, Amazon đã đầu tư 530 triệu USD vào công ty khởi nghiệp (startup) Aurora chuyên về công nghệ tự hành, cũng như thử nghiệm vận chuyển hàng hóa trên xe tải tự hành với một startup khác trong cùng lĩnh vực là Embark.
Amazon cũng dẫn đầu trong đợt gọi vốn trị giá 700 triệu USD cho startup chuyên về xe tải giao hàng chạy bằng điện Rivian và tuyên bố sẽ mua 100.000 xe từ công ty này cho tới năm 2030.
Tuy nhiên với Zoox, nếu Amazon quyết định dấn sâu hơn vào lĩnh vực công nghệ gọi xe để tạo tiền đề cho xe tự hành, họ có thể có một số lợi thế lớn. Trong một ghi chú mới đây, nhà phân tích Brian Nowak của ngân hàng Morgan Stanley đã viết rằng Amazon có thể giảm giá dịch vụ cho hơn 100 triệu thành viên chương trình Prime giống như đã từng triển khai với Whole Food, qua đó tạo một mạng lưới khách hàng ổn định.
Ông cũng đưa ra nhận định rằng từ lợi thế như vậy, Amazon có thể vượt lên trước các nhà sản xuất ô tô trong lĩnh vực xe tự hành, khi những những “đại gia” này phải giảm bớt đầu tư cho những công nghệ còn xa vời như vậy vì cuộc suy thoái do COVID-19 gây ra.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận