Xem phim ở website lậu có phải là vi phạm pháp luật ?
Nhằm nâng cao ý thức người dùng Internet về bản quyền trí tuệ, một số quốc gia trên thế giới đặt ra mức phạt tiền, thậm chí tù giam, cho hành vi phát tán hoặc xem phim 'lậu'.
- PC03 - Công an TP.HCM khởi tố vụ án hình sự liên quan đến phimmoi.net
- 8 bộ phim hay nhất trên VieON để xem khi ở nhà mùa dịch Covid-19
- Bộ phim Friends phiên bản mới - Có sự tham gia của Lady Gaga
Xem phim “lậu” không chỉ là vấn nạn tại riêng Việt Nam, mà vẫn xảy ra trên toàn thế giới. Trên các diễn đàn quốc tế, nhiều khán giả vẫn không biết được vì sao xem phim miễn phí là sai.
Vấn đề nằm ở chỗ, khi một bộ phim hay bài hát được sản xuất và đem bán ra thị trường, những người tham gia vào khâu sản xuất đều có quyền hưởng lợi nhuận từ thành phẩm. Cho nên, phim hay nhạc đều được bảo vệ bởi pháp luật để không thể sao chép, bán lại khi chưa có sự đồng ý của chủ sở hữu.
Do đó, khi khán giả xem phim không phải từ chính nhà sản xuất, đó là điều bất hợp pháp. Tương tự, kể cả khi người dùng tải bài hát hay tệp tài liệu miễn phí không rõ nguồn gốc cũng là điều không đúng.
Câu chuyện muôn thuở
Vừa qua, một website xem phim "lậu" nổi tiếng ở Việt Nam bất ngờ bị chặn truy cập, khiến cư dân mạng xôn xao. Nhưng đáng chú ý, trước khi bị cơ quan chức năng “sờ gáy”, trang phim lậu này liên tục áp dụng chiêu trò "thoát xác" nhằm tái diễn đăng tải trái phép những bộ phim vi phạm bản quyền.
Cụ thể, sau nhiều lần "sập lên, sập xuống", quản trị của trang web phimmoi không chịu khuất phục mà còn lách luật bằng cách thay đổi hàng loạt tên miền khác hòng qua mặt các cơ quan chức năng như: Phimmoiz.net, phimmoizz, phimmoizzz, zphimmoi... Các tên miền này đều có chung từ khóa "phimmoi", chỉ thêm một vài ký tự khác để tránh bị chặn.
Được biết, khi một tên miền bị đánh sập, quản trị trang web này sẽ chỉ cần kích hoạt tên miền mới và liên kết với kho phim vốn có của mình. Các trang mới sau khi kích hoạt cũng tiếp tục hiển thị nhiều quảng cáo đánh game bài, cá cược trái phép đang bị cấm tại Việt Nam.
Các chuyên gia an ninh mạng chia sẻ, trang web phimmoi đều sử dụng tên miền quốc tế, có giá thành rất rẻ, chỉ khoảng vài trăm nghìn đồng/năm. Vì vậy, tình trạng cứ mỗi khi có một trang web phim lậu “chết” đi, sẽ ngay lập tức xuất hiện một website khác thay thế là điều không thể tránh khỏi.
Trang web phimmoi ngang nhiên đăng tải các bộ phim chưa có bản quyền.
Sử dụng những câu lệnh đơn giản trên Google, khán giả có thể dễ dàng tìm ra những nguồn chiếu phim "lậu". Nhưng chính hành động này đã khiến cho các nhà sản xuất phải chịu tổn thất doanh thu nặng nề.
Thay vào đó, các trang web chiếu phim "lậu" có thể thu về hàng trăm triệu USD dù không phải trả một xu để sản xuất hay mua bản quyền. Theo số liệu của Hiệp hội Điện ảnh Mỹ (MPAA), hiện có 710 triệu bộ phim và truyền hình được chia sẻ trên các web một cách phi pháp, gây thiệt hại hàng tỷ USD.
Các nước xử lý vi phạm thế nào?
Nói về tình trạng trên, luật sư Matt Huppertz cho biết: “Nếu bạn bị bắt vì tội chia sẻ phim trên các trang web, bạn có thể đối mặt với mức phạt từ 750 USD trở lên”. Theo USA Today, vào tháng 8/2019, FBI đã buộc tội 8 người đàn ông với tội danh vi phạm bản quyền bằng cách sao chép và phát tán phim trên các website cá nhân.
Đối với người dùng, khi click vào trang web xem phim miễn phí, họ có thể thay đổi miền VPN. Nhưng điều này không có nghĩa cảnh sát công nghệ sẽ mất dấu truy cập.
Ông Huppertz chia sẻ thêm: “Các cơ quan liên bang vẫn có thể sử dụng địa chỉ IP của họ để theo dõi. Nhà cung cấp Internet có thể xác định được thiết bị nào đang truy cập web ‘lậu’ để xem phim. Điều đó sẽ khiến người dùng hầu tòa”.
Nhà báo Nelson Granados của Forbes cho biết: “Nếu ngành công nghiệp và chính phủ phối hợp hiệu quả với nhau, tình trạng này có thể bị chặn đứng tuyệt đối. Hoặc các nhà an ninh mạng hãy chặn các trang web có nội dung bất hợp pháp để hạn chế tình trạng này”.
Để giải quyết nạn phát tán và xem phim “lậu”, chính phủ Ấn Độ đã giảm thuế dịch vụ để từ đó giảm giá vé xem phim. Điều này cho thấy Ấn Độ xem trọng đến sự sáng tạo nghệ thuật, quyền sở hữu trí tuệ của nhà sản xuất. Các nhà làm phim gọi đây là một bước tiến lớn để đẩy lùi nạn phim “lậu” tràn lan trên các website.
Người dùng ở Ấn Độ có thể ngồi tù nếu vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Không chỉ đơn giản vậy, người dùng ở Ấn Độ thậm chí phải ngồi tù nếu như cố tình truy cập hoặc phát tán phim trên nền tảng Internet khi chưa có sự đồng ý của chủ sở hữu.
Tùy theo từng mức án, người truy cập sẽ đối mặt với các mức án từ hành chính đến phạt tù. Trong lần vi phạm đầu tiên, người dùng có thể bị ngồi tù từ 6 tháng đến 3 năm, phạt từ 50.000 đến 200.000 rupee (tương đương 655 đến 2.600 USD).
Nếu vẫn còn tiếp tục vi phạm, hình phạt sẽ nghiêm khắc hơn. Ngược lại, nếu người dùng chứng minh được hành vi vi phạm không mang tính chất thương mại (chỉ sử dụng với mục đích cá nhân thay vì phát tán, bán hoặc cho thuê), mức phạt sẽ nhẹ hơn.
Còn tại Việt Nam
Cụ thể, tại khoản 10 Điều 28 luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009 và năm 2019) quy định việc “Nhân bản, sản xuất bản sao, phân phối, trưng bày hoặc truyền đạt tác phẩm đến công chúng qua mạng truyền thông và các phương tiện kỹ thuật số mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả” là hành vi xâm phạm quyền tác giả. Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, sẽ có mức xử lý khác nhau.
Về xử phạt vi phạm hành chính, LS Chánh cho biết, tại Điều 17 Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định hành vi truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 15 - 30 triệu đồng. Đồng thời, người vi phạm bị buộc phải dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm. Trường hợp tổ chức vi phạm thì mức phạt sẽ gấp 2 lần so với khung phạt tiền của cá nhân.
Về xử lý hình sự, hành vi công khai trình chiếu các tác phẩm điện ảnh được bảo hộ quyền tác giả tại Việt Nam khi chưa được cấp bản quyền là hành vi có dấu hiệu của tội "xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan" được quy định tại Điều 225 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017.
Nếu cá nhân phạm tội, mức phạt có thể lên đến 3 năm tù trong trường hợp thu lợi bất chính trên 300 triệu đồng. Pháp nhân thương mại phạm tội có thể bị phạt tiền lên đến 3 tỉ đồng, bị đình chỉ hoạt động có thời hạn.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận