Chọn được con trâu ưng ý, kết thúc đẹp là bắt tay, đếm tiền. Ảnh: Đỗ Quang/Tuấn Hoàng
Trái với không khí mua bán nhanh gọn của anh Hiền, chị Chung, khi tôi đến một đám ở cuối chợ, không khí đang rất căng thẳng. Một chủ trâu phát giá 45 triệu đồng mà khách chỉ trả có 35 triệu đồng.
Anh la oai oái: "Ối, 35 thì có mà chết. Trâu này nuôi thả mà, có phải như họ nuôi nhốt đâu mà trả giá đấy."
Một đám khác thì mặc cả sát sạt:
- Con này bán bao nhiêu?
- 29.
- 25 thôi.
- Thêm nữa.
- Thêm 500 nữa.
- Úi, mất bao công chăn nuôi.
- Hết giá đi!
- 24.
- Không.
Đến một đám khác thì đúng lúc ông chủ đang hết lời khen con trâu đực của mình:
- Cao to đẹp trai, ăn tốt, cày khỏe, đùi to, mông to, khoáy tròn.
- 25 (khách trả giá).
- 25 thì anh cứ tìm hết chợ này xem có con nào đẹp bằng không thì bảo em mua cho. Nhà cần tiền mới bán chứ trâu non mà, răng mới mòn một tí (trâu hai tuổi thì thay răng - NV). Đúng 27 đếm tiền.
- Bớt cho hai trăm tiền xe đi!
- Hai trăm anh kỳ kèo làm gì.
- Được. Chơi.
Chủ trâu cầm trịch cuộc ngã giá nghẹt thở nhất phiên chợ mà tôi chứng kiến ấy là anh Dung Văn Ngai, người thôn Phja Đeng, xã Nghiên Loan, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn. Nhà anh có hai bung (2.000m2) ruộng nên nuôi bốn con trâu để cày, bừa, làm giống.
Ngày nông nhàn thì trâu cứ được lùa lên đồi thả cho ăn cỏ dại, tối về chuồng mới cho chúng ăn thêm rơm, lá ngô, cỏ voi. Trâu thả nên khỏe, săn thịt, lanh lợi. Con trâu đực 12 tháng tuổi này là "mua con mẹ về nuôi đẻ ra con con", mất bao nhiêu công sức mới được bán nên chả trách anh ra chiều lưu luyến và chắc giá.
Người mua dạo khắp chợ, ưng con trâu nào thì xem xét kỹ càng từ răng, mũi, mông, dáng… đến cả phân để đánh giá sức khỏe của trâu. Ảnh: Đỗ Quang/Tuấn Hoàng
Trái ngược với phong thái ấy, ai là lái buôn nhìn biết ngay. Họ ăn to nói lớn, mua bán ào ào và không bao giờ nói những lời trìu mến về những con trâu của mình. Có ông bán một lúc năm con trâu mà con nào cũng tuyên bố "bán lỗ lấy may, phiên sau kiếm bù."
Người chào trâu cho khách thì chỉ gọn lỏn: "Chả có bệnh tật gì." Lúc đồng ý bán thì bảo: "Này, dắt về đi! Bớt cho hai trăm tiền lộc. Tao còn lên chợ chứ có bỏ chợ đâu mà mày lo." Người thoáng hơn thì phát giá: "23 triệu rưỡi, chơi đi, bớt một triệu tẹo anh em đi ăn vịt ngay."
12h, nắng hầm hập, mặt đất nhão nhoẹt nước đái, phân trâu, bò, mùi khai, thối càng nồng. Người dắt trâu, bò đi bộ về bản, người bắc cầu dắt chúng lên thùng ô tô tải rồi lên ngược, về xuôi.
Anh Hoàng Văn Hữu, người xã Mỹ Phương, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. 34 tuổi và có thâm niên mười năm trong nghề lái buôn, ngày ngày đi gom trâu, bò ở các nơi mang về nhốt trong chuồng nhà để vỗ béo rồi cứ quay vòng các phiên chợ trong vùng mà lái ô tô chở đi bán.
Phiên này anh chở lên 20 con trâu, bò thì bán được cả. Anh cho biết: "Giá cao nhất là 65 triệu, thấp nhất là 11 triệu rưỡi." Anh đang hể hả cùng hai người đồng nghiệp bá vai bá cổ mấy người nữa vào quán ăn uống.
Họ là những thanh niên người địa phương đến chợ làm cò, dắt trâu, bò, chỉ trỏ, mặc cả, đếm tiền giúp các chủ trâu, bò rồi ai trả đồng nào thì tùy tâm. Họ lấy việc đi chợ ngắm trâu, bò, xem người ta mua bán làm vui.
Theo Tuoitre.vn
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận