Du lịch Việt cần làm gì để hạn chế tác động tiêu cực của COVID-19
Những tác động của COVID-19 đang khiến cho Du lịch Việt Nam bị ảnh hướng khá lớn khiến cho các nhà quản lý cũng như các đơn vị cung cấp dịch vụ phải có những biện pháp cụ thể để kích cầu tiêu dùng nhằm hạn chế những tác động tiêu cực hiện nay.
- Vì corona du lịch Việt Nam giảm 800 nghìn khách trong quí 1/2020
- Du lịch Việt Nam thiết lập kỷ lục đón khách quốc tế trong tháng 10/2019
- 16 người nhiễm Covid-19 ở Việt Nam đã khỏi bệnh
Tại hội nghị ứng phó với dịch bệnh COVID-19, ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho biết, ngành du lịch Việt Nam đang hướng đến mục tiêu xây dựng tiêu chí về “Du lịch Việt Nam an toàn” nhằm thông tin phá bỏ rào cản tâm lý của người dân, khách du lịch trong giai đoạn hiện nay.
Ngành cũng sẽ kích cầu du lịch nội địa, tháo gỡ khó khăn về điểm đến, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch tại các địa phương. Ngành du lịch sẽ khôi phục hoạt động tại địa phương, điểm đến không có dịch bệnh COVID-19.
Theo ông Hà Văn Siêu, xây dựng tiêu chí du lịch an toàn cho du khách và đối tượng tham gia hoạt động du lịch trong thời gian xảy ra dịch COVID-19 nhằm khẳng định thông điệp về sự an toàn của địa phương, điểm đến du lịch tại Việt Nam.
Sau khi hết dịch, ngành du lịch cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá để khắc phục hậu quả, lấy lại và duy trì sự tin tưởng của khách du lịch quốc tế về hình ảnh điểm đến du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn.
Ngành du lịch đã chịu tổn thất nặng nề do tác động của dịch COVID-19, lượng khách sụt giảm mạnh, tâm lý khách e ngại. Do đó, để đạt được mục tiêu trên, các cơ quan quản lý nhà nước và hiệp hội, doanh nghiệp phải đồng hành cùng nhau trong việc triển khai các chương trình truyền thông, kích cầu, xúc tiến du lịch.
Về phía địa phương, đại diện Sở Du lịch TP HCM cho biết, triển khai chương trình kích cầu phục hồi du lịch thành phố trong và sau dịch bệnh COVID-19, từ tháng 4 đến tháng 7/2020, Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch thành phố phối hợp cùng các doanh nghiệp thực hiện nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá đặc biệt, tặng thêm dịch vụ bổ sung cho khách du lịch nhằm thu hút du khách. Song song đó, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành cũng xây dựng chương trình du lịch về các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam Bộ.
Để chương trình kích cầu du lịch đạt hiệu quả, Sở Du lịch TP HCM đã kiến nghị Ủy ban nhân dân thành phố có chính sách miễn, giảm chi phí vé tham quan (từ 50% giá vé trở lên) tại các điểm tham quan trên địa bàn; xem xét giảm hoặc miễn phí đỗ xe tại điểm cho xe đỗ chờ khách tham quan... Đặc biệt, TP HCM xem xét giảm và giãn lãi suất, xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ tài chính... cho đơn vị hoạt động trong ngành du lịch.
Còn theo bà Nguyễn Thị Khánh, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch TP HCM, trong bối cảnh hiện nay, nhiều doanh nghiệp mong muốn triển khai sớm những chương trình kích cầu du lịch, tạo sức hút cho ngành du lịch Việt Nam.
Cụ thể, chương trình kích cầu du lịch do Hiệp hội thực hiện dự kiến sẽ triển khai vào tháng 3/2019, đã có sự tham gia của hơn 40 đơn vị lữ hành, công ty du lịch. Trong đó, doanh nghiệp cũng xây dựng nhiều chương trình tour với giá ưu đãi cho khách du lịch.
Dự kiến, sau khi tình hình dịch bệnh ổn định, các đơn vị lữ hành, công ty du lịch sẽ tung ra những chương trình chất lượng. Hiệp hội Du lịch TP HCM tiếp tục có những chương trình kích cầu du lịch hiệu quả và đảm bảo an toàn cho du khách.
Không chỉ TP HCM, các hiệp hội, doanh nghiệp tại một số địa phương đã sẵn sàng thực hiện chương trình kích cầu ngành du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng kích cầu cần song song với chương trình nội địa và quốc tế, trong đó du lịch nội địa nên được triển khai ngay từ tháng 3/2019.
Các đơn vị hoạt động trong ngành nên ưu tiên những thị trường đang khai thác tốt gồm: Hàn Quốc, Nhật Bản, khu vực Đông Bắc Á...; từng bước khôi phục thị trường Trung Quốc; khai thác thị trường mới như Ấn Độ, ASEAN...
Trong bối cảnh hiện nay, các chuyên gia đề xuất ngành du lịch Việt Nam xem xét giải bài toán kích cầu du lịch đối với mảng nội địa. Cụ thể, các đơn vị tham gia chuỗi cung - cầu trong ngành du lịch có thể xây dựng mức giá giảm tối đa lên đến 50%, phụ thuộc vào nhu cầu mà du khách hướng đến.
Doanh nghiệp lữ hành, doanh nghiệp du lịch cần phối hợp thông tin với những đơn vị hoạt động trong ngành để lựa chọn thị trường, điểm đến tiềm năng nhằm tránh dàn trải các chương trình kích cầu.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận