Các nhà cung cấp dịch vụ băng thông rộng di dộng, ISP và ĐTĐM được vinh danh tại WMB 2022
Ngày 9/3, Hội thảo World Mobile Broadband & ICT năm 2022 (WMB 2022) đã được tổ chức trong bối cảnh ngành viễn thông cần được phát triển và thúc đẩy để làm nền tảng cho sự phát triển của kinh tế số, xã hội số như mong muốn của chính phủ. Trong khuôn khổ Hội nghị Ban tổ chức đã trao giải thưởng cho các cung cấp dịch vụ băng thông rộng di động, ISP và điện toán đám mây (ĐTĐM) tiêu biểu năm 2022.
- World Mobile Broadband & ICT 2022: Nhà mạng nào sẽ làm hài lòng khách hàng Việt nhất?
- World Mobile Broadband & ICT 2022: Nhận diện cơ hội và thách thức của mạng viễn thông trong phát triển kinh tế số Việt Nam
Hội thảo WMB 2022 với chủ đề "Hiện đại hoá hạ tầng viễn thông và dịch vụ nội dung số hướng tới thúc đẩy kinh tế số, xã hội số" do IDG Vietnam phối hợp cùng với Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam (REV) tổ chức, báo cáo kết quả khảo sát Mức độ hài lòng của người sử dụng dịch vụ băng thông rộng di động, ISP và ĐTĐM do IDG Vietnam thực hiện đã được công bố.
Một điểm nhấn quan trọng trong sự kiện là bản Báo cáo kết quả khảo sát Mức độ hài lòng của người sử dụng dịch vụ băng thông rộng di động, ISP & điện toán đám mây do IDG Vietnam thực hiện.
Chủ tịch VDCA Nguyễn Minh Hồng phát biểu tại Hội nghị.
Ông Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch Hội Truyền thông số (VDCA), Chủ tịch Hội đồng cố vấn cho biết, năm 2022, chương trình khảo sát diễn ra từ ngày 30/01 đến 25/2 tại 11 tỉnh, thành tại Việt Nam, thu được 6.758 mẫu khảo sát cá nhân và 319 mẫu khảo sát doanh nghiệp. Do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 nên toàn bộ phiếu khảo sát được thực hiện dưới hình thức online. Đối tượng tham gia khảo sát được chia thành 11 nhóm tuổi, thuộc 6 lĩnh vực/ngành nghề khác nhau.
Đây là năm thứ 6 liên tiếp, IDG Vietnam tiến hành chương trình khảo sát này và qua đây chúng ta thấy rõ sự thay đổi, dịch chuyển của các dịch vụ viễn thông trong đó đáng chú ý nhất là sự thay đổi về thị phần, về mức độ hài lòng và về thói quen người sử dụng.
Ngoài ra, một trong những điểm nhấn của thị trường viễn thông trong vòng 2-3 năm qua là việc các đơn vị nhà mạng tích cực tham gia vào thị trường cung cấp dịch vụ ĐTĐM và coi đó là lợi thế cạnh tranh, là điểm nhấn cạnh tranh mới của mình.
Từ thực tế đó, IDG Việt Nam cũng đã tổ chức chương trình khảo sát mức độ hài lòng của các doanh nghiệp tại Việt Nam, tập trung trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thương mại điện tử, vận tải logistic, truyền thông…
Căn cứ trên kết quả chương trình khảo sát trên, Hội đồng Cố vấn Bình chọn giải thưởng nhà cung cấp dịch vụ băng thông rộng di động, ISP và ĐTĐM tiêu biểu năm 2022. Hội đồng có 9 thành viên là các chuyên gia hàng đầu đã và đang tham gia công tác, quản lý lĩnh vực viễn thông tại Việt Nam như các ông Mai Liêm Trực, Trần Đức Lai, Nguyễn Minh Hồng,… thống nhất hệ tiêu chí xét duyệt và các nhận định, đánh giá chuyên sâu trên cơ sở kết quả bình chọn của người sử dụng rồi công bố, vinh danh các đơn vị cung cấp dịch vụ tiêu biểu.
5 doanh nghiệp được bình chọn cụ thể như sau:
Tổng công ty Dịch vụ Viễn thông VNPT Vinaphone đạt danh hiệu "nhà cung cấp dịch vụ viễn thông băng rộng cố định tiêu biểu về chất lượng dịch vụ", gồm các tiêu chí: sự ổn định của đường truyền mạng; tốc độ tải dữ liệu; tốc độ đăng dữ liệu và các gói dịch vụ.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Mai Liêm Trực trao giải cho đại diện VNPT Vinaphone
Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel đạt danh hiệu "nhà cung cấp dịch vụ viễn thông băng rộng di động tiêu biểu về chất lượng dịch vụ", gồm các tiêu chí: Chất lượng sóng; đảm bảo kết nối ổn định vào thời gian cao điểm (thứ 7, chủ nhật, ngày lễ, ngày Tết); sự tương xứng giữa chất lượng và giá cước; tốc độ tải dữ liệu (download) và tốc độ đăng dữ liệu (upload).
Ông Nguyễn Minh Hồng trao giải thưởng cho đại diện Viettel
Tổng công ty Viễn thông MobiFone đạt danh hiệu "nhà cung cấp dịch vụ viễn thông băng rộng di động tiêu biểu về chăm sóc khách hàng", gồm các tiêu chí: giá cả hợp lý so với mức sóng; quy trình/thủ tục đăng ký các dịch vụ băng thông rộng di động; chương trình khuyến mãi; tổng đài chăm sóc, tư vấn, hỗ trợ khách hàng.
Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng phụ trách điều hành Cục Viễn thông - Bộ TT&TT trao giải cho đại diện MobiFone
FPT Telecom đạt danh hiệu “nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tiêu biểu về Chất lượng Chăm sóc khách hàng Băng thông rộng Cố định”, gồm các tiêu chí: Giá cước hợp lý; Dịch vụ chăm sóc khách hàng; Chương trình khuyến mãi; Thời gian giải quyết sự cố, khiếu nại.
Ông Lê Thanh Tâm, Tổng giám đốc IDG trao giải cho đại diện FPT Telecom
Công ty FPT Smart Cloud đạt danh hiệu "nhà cung cấp dịch vụ phần mềm ĐTĐM tiêu biểu", gồm các tiêu chí: khả năng bảo mật; khả năng phục hồi tính liên tục và khắc phục sự cố; kiểm soát chi phí và tăng lợi nhuận; chất lượng hỗ trợ khách hang; hiệu quả đem lại cho DN.
Ông Đoàn Quang Hoan trao giải cho đại diện FPT Cloud
Theo IDG Việt Nam, đây là năm thứ 2 liên tiếp, chương trình khảo sát mức độ hài lòng của các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ điện toán đám mây được thực hiện và được báo cáo công khai trong sự kiện Hội thảo World Mobile Broadband & ICT.
Tổng thể, bản báo cáo Mức độ hài lòng của người sử dụng dịch vụ băng thông rộng di động, ISP & điện toán đám mây được kỳ vọng sẽ cung cấp những thông tin quan trọng giúp các nhà mạng, đơn vị cung cấp dịch vụ điện toán đám mây có thể nhìn nhận và thay đổi dịch vụ của mình nhằm hướng tới sự phát triển mạnh mẽ hơn.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận