World Mobile Broadband & ICT 2022: Nhận diện cơ hội và thách thức của mạng viễn thông trong phát triển kinh tế số Việt Nam
Trong bối cảnh Việt Nam đang thúc đẩy kinh tế số làm động lực để phục hồi và phát triển nền kinh tế thời kỳ hậu đại dịch COVID-19, Hội thảo World Mobile Broadband & ICT năm 2022 do Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam (REV) phối hợp cùng với Tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDG Vietnam) nhận diễn những cơ hội và thách thức của mạng viễn trong phát triển kinh tế số ở tương lai.
- World Mobile Broadband & ICT 2022: Nhà mạng nào sẽ làm hài lòng khách hàng Việt nhất?
- World Mobile Broadband & ICT 2021: Người dùng đánh giá cao dịch vụ điện toán đám mây của VNG và Viettel
Ngày 9/3 tại Hà Nội, REV phối hợp cùng với IDG Vietnam tổ chức Hội thảo World Mobile Broadband & ICT. Năm 2022, hội thảo mang chủ đề "Hiện đại hoá Hạ tầng viễn thông & Dịch vụ nội dung số hướng tới thúc đẩy kinh tế số, xã hội số".
Toàn cảnh Hội thảo World Mobile Broadband & ICT 2022.
Hội thảo World Mobile Broadband & ICT năm 2022 được tổ chức trong bối cảnh ngành viễn thông cần được phát triển và thúc đẩy để làm nền tảng cho sự phát triển của kinh tế số, xã hội số như mong muốn của chính phủ.
Đánh giá về dịch vụ băng thông rộng vô tuyến đã và đang đóng góp vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, ông Đoàn Quang Hoan Phó Chủ tịch, Tổng thư ký REV cho biết, cứ 10 năm thì vô tuyến băng rộng thay đổi thế hệ một lần, và thế hệ sau đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội lớn hơn, với những thách thức lớn hơn thế hệ trước đó không có được.
Ông Đoàn Quang Hoan, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký REV phát biểu khai mạc Hội thảo.
"Những cải tiến, đổi mới trong mỗi thế hệ mạng viễn thông vẫn liên tục diễn ra trong cả mạng lưới lẫn các dịch vụ của mỗi nhà mạng" ông Đoàn Quang Hoan nhấn mạnh.
Về sự phát triển hạ tầng viễn thông, ông Nguyễn Phong Nhã Phó Cục trưởng phụ trách Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho biết, trong năm 2021, Việt Nam có 70,9 triệu thuê bao băng rộng di động (chiếm 57,23% tổng số thuê bao di động), tăng hơn 4% so với năm 2020; có 18,79 triệu thuê bao Internet băng rộng cố định, tăng 14,59%...
Với mức doanh thu trung bình (ARPU) của thuê bao băng rộng cố định trong 10 tháng năm 2021 chỉ đạt khoảng 137.000 đồng (tương đương 6 USD), giảm 8% so với mức doanh thu 149.000đ của năm 2020 (149.000 đồng).
Năm 2022, Cục Viễn thông cũng đặt mục tiêu thực hiện việc phủ sóng mạng băng rộng di động tốc độ trên 1Gb đến các khu công nghiệp, khu công nghệ cao; 100% người trưởng thành có điện thoại thông minh; 75% hộ gia đình có FTTH (Internet cáp quang); 85% thuê bao băng rộng di động/100 dân.
Tuy nhiên, việc hoàn thiện hạ tầng viễn thông băng rộng vừa để phục vụ kết nối người dân, doanh nghiệp trong giai đoạn còn chịu tác động của dịch Covid-19 và xa hơn là việc thúc đẩy hệ sinh thái số trên nền tảng viễn thông đó hoạt động được hiệu quả, góp phần giúp nền kinh tế số của Việt Nam phát triển mạnh mẽ là một vấn đề không dễ giải quyết đối với cơ quan quản lý nhà nước, với doanh nghiệp và với chính các đơn vị cung cấp giải pháp viễn thông, công nghệ thông tin.
Chia sẻ về mục tiêu của sự kiện này, Tổng giám đốc IDG Vietnam Lê Thanh Tâm cho biết, Hội thảo cấp cao World Mobile Broadband & ICT 2022 tổ chức với mục đích trao đổi và chia sẻ phương pháp quản lý, đầu tư, phát triển sản phẩm và kinh doanh trên nền tảng viễn thông công nghệ cao.
Tổng giám đốc IDG Vietnam Lê Thanh Tâm báo cáo khảo sát mức độ hài lòng của người dùng với dịch vụ của các nhà mạng viễn thông.
Không chỉ vậy, hội thảo hứa hẹn sẽ cung cấp những thông tin về chiến lược phát triển hạ tầng viễn thông của Việt Nam, tiềm năng của 5G và IoT trong chuyển đổi số công nghiệp hay những cơ hội và thách thức khi phát triển dịch vụ thương mại trên nền tảng viễn thông tốc độ cao.
Hội thảo bao gồm 01 phiên báo chính và 01 phiên toạ đàm cấp cao tập chung vào hiện đại hoá hạ tầng viễn thông để thúc đẩy kinh tế số và xã hội số tại Việt Nam.
Trong khuôn khổ Hội thảo, Ban Tổ chức cũng đã vinh danh các Nhà cung cấp dịch vụ băng thông rộng di động, ISP & điện toán đám mây tiêu biểu năm 2022 trên cơ sở khảo sát và đánh giá trực tiếp của người dùng Việt.
Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel đạt danh hiệu: “Nhà cung cấp dịch vụ viễn thông băng rộng di động tiêu biểu về chất lượng dịch vụ".
Tổng công ty Viễn thông MobiFone đạt danh hiệu: “Nhà cung cấp dịch vụ viễn thông băng rộng di động tiêu biểu về chăm sóc khách hàng".
Tổng công ty Dịch vụ Viễn thông VNPT Vinaphone đạt danh hiệu: “Nhà cung cấp dịch vụ viễn thông băng rộng cố định tiêu biểu về chất lượng dịch vụ”.
Công ty Cổ phần Viễn thông FPT đạt danh hiệu: “Nhà cung cấp dịch vụ viễn thông băng rộng cố định tiêu biểu về chăm sóc khách hàng”.
Công ty FPT Smart Cloud đạt danh hiệu: “Nhà cung cấp dịch vụ phần mềm điện toán đám mây tiêu biểu".
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận