CTCP Đầu tư Thế giới Di Động liên tục vướng 2 cuộc khủng hoảng truyền thông.
Chỉ trong chưa đến 90 ngày, CTCP Đầu tư Thế giới Di Động (HOSE: MWG) liên tục vướng 2 cuộc khủng hoảng truyền thông. Điều này đã khiến giá cổ phiếu đã giảm lại càng thêm giảm khi đà tăng hiện chỉ là niềm hy vọng xa xôi.
Hình minh họa
Từ bị “tố” tăng giá giữa dịch…
Khoảng tuần đầu tháng 7/2021, chuỗi siêu thị Bách hóa Xanh đang trở thành tâm điểm khi bị "tố" tăng giá sản phẩm giữa dịch Covid-19. Khi đó, một số khách hàng khác còn đăng lên mạng xã hội để thể hiện thái độ không đồng tình việc lên giá các mặt hàng thiết yếu của Bách hóa Xanh. Nhiều người còn chụp hình mặt hàng rau củ lại để so sánh giá của Bách hóa Xanh với các siêu thị khác.
Nguồn: Hình ảnh được cộng đồng mạng đem ra so sánh |
Ngày 13/07, Thế giới Di động (TGDĐ) đã có văn bản gửi đến cổ đông cũng như khách hàng, giải thích lý do về việc tăng giá. TGDĐ khẳng định, Bách hóa Xanh không có chủ trương tăng giá bán lẻ để kiếm lời trong giai đoạn dịch bệnh. Tuy nhiên, Công ty không thể giữ giá bán như trước đợt dịch đối với một số mặt hàng do phải bù đắp chi phí vận chuyển tăng cao, chi phí nhân công tăng do phải tăng ca liên tục, chi phí xét nghiệm, hàng hóa tăng giá từ phía nhà cung cấp...
Mặc dù các lý do phía TGDĐ đưa ra có vẻ hợp tình hợp lý do tình hình dịch bệnh, nhưng lời giải thích này vẫn không nhận được sự đồng tình từ phần đông khách hàng mà thay vào đó là hàng loạt làn sóng đòi tẩy chay chuỗi siêu thị này.
Những ngày sau đó, khi cơ quan quản lý vào cuộc kiểm tra thì đã có nhiều cửa hàng Bách hóa Xanh bị xử phạt về hành vi bán hàng không niêm yết giá và quá hạn sử dụng.
Tại buổi làm việc với tổ công tác của Bộ Công Thương ngày 22/07, ông Trần Kinh Doanh cho biết trong lúc áp lực cầu thị trường tăng cao, khối lượng công việc lớn thì sai sót khó tránh khỏi. Đồng thời ông Doanh cho biết sẽ hoàn trả mọi chênh lệch thiệt hại, đền khách hàng thêm 100,000 đồng/lần mua hàng.
Sự cố khủng hoảng tại Bách hóa Xanh vừa tạm lắng xuống thì Thế giới Di động lại vướng tiếp một biến cố khác, đó là tự ý giảm tiền thuê mặt bằng.
Cụ thể, theo thông tin ông T.K.M (chủ mặt bằng Thế giới Di Động chi nhánh tại Bình Định đang thuê) cho biết, đầu tháng 8/2021, TGDĐ đã có công văn gửi đến các đối tác mặt bằng về việc thanh toán tiền thuê mặt bằng trong giai đoạn cửa hàng tạm đóng cửa do ảnh hưởng dịch Covid-19. Đến tháng 9/2021, TGDĐ có thông báo về thanh toán chi phí tiền thuê mặt bằng và tự chuyển khoản tiền thuê đã giảm.
Không đồng ý với động thái mà TGDĐ thực hiện, ông M. đã có đơn phúc đáp lại Công văn 0208/2021/TGDĐ – ĐMX ngày 02/08/2021 về việc điều chỉnh giảm trừ thanh toán chi phí mặt bằng liên quan đến dịch Covid-19 cũng như số tiền mà TGDĐ chuyển khoản thanh toán vào tài khoản chỉ định.
Ông T.K.M cho biết: “Trước đó, TGDĐ đã có liên hệ giảm 50% tiền thuê nhà trong 1 năm, còn những ngày giãn cách là giảm 100%, nhưng tôi không đồng ý, sau đó phía TGDĐ tự chuyển khoản tiền thuê đã giảm cho tôi. Tôi không ký bất cứ thỏa thuận hay hợp đồng giảm tiền thuê nào. Tôi đã gửi công văn phúc đáp cho phía Thế giới Di Động và kể cả cửa hàng cho thuê mặt bằng nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi”.
Chủ tịch Thế giới Di động nói gì?
Liên quan đến vấn đề này, ngày 02/10, ông Trần Bằng Việt - Cựu Tổng giám đốc Mai Linh Taxi – chia sẻ trên Facebook cá nhân cho biết đã liên hệ với ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT CTCP Thế Giới Di Động và có được một số xác nhận. Cụ thể, ông Nguyễn Đức Tài khẳng định công văn đề nghị đối tác miễn, giảm tiền thuê mặt bằng nêu trên là đúng sự thật. Tuy nhiên, “công văn này chỉ được gửi cho 10% chủ mặt bằng cuối cùng không có bất kỳ thiện chí, né tránh gặp mặt nhóm phụ trách mặt bằng của TGDĐ để thương lượng, hỗ trợ một phần phí mặt bằng trong giai đoạn lock down”.
Chủ tịch MWG cho biết, trước công văn trên, các chủ mặt bằng đã nhận được 2 - 3 công văn theo hướng xin gặp mặt để thương lượng hỗ trợ. Chủ mặt bằng nào đã hoàn tất thương lượng hỗ trợ sẽ không nhận được công văn cuối theo hướng áp đặt này.
‘’90% chủ mặt bằng có thiện chí không nhận được công văn này’’, ông Tài cho biết.
Người đứng đầu TGDĐ cho biết có khả năng Công ty sẽ tìm mặt bằng khác thay thế đối với những chủ mặt bằng không có thiện chí vì “không thú vị với những đối tác sống chết mặc bay’’. Trong năm 2020, TGDĐ cũng đã trả mặt bằng đối với một số chủ nhà không thiện chí và di dời sang mặt bằng khác.
Ngoài ra, ông Tài cho biết thêm, nếu tách riêng các mặt bằng này thì TGDĐ lỗ nặng vì không có doanh thu ở đó khi lock down mà chủ mặt bằng vẫn đòi đầy đủ tiền thuê.
Nếu không có dịch bệnh, thì theo kế hoạch lợi nhuận tháng 8 của Tập đoàn phải trên 400 tỷ đồng nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh chỉ đạt một nửa. Mặc dù vậy, TGDĐ vẫn may mắn hơn so với nhiều doanh nghiệp khác bị ảnh hưởng trầm trọng bởi dịch Covid-19.
Đối với khả năng sự việc này sẽ ảnh hưởng đến giá cổ phiếu, Chủ tịch Nguyễn Đức Tài cho biết “không quan tâm nhiều đến giá cổ phiếu. Cái gì thật thì sẽ tồn tại, cái gì ảo sẽ ra đi’’.
Quan điểm của luật sư ra sao?
Tham khảo ý kiến một luật sư có văn phòng tại TPHCM, vị này cho biết, trước hết phải xem trên hợp đồng có điều khoản quy định thế nào, nếu có phát sinh tình huống dịch bệnh thì có nằm trong dự tính của hợp đồng không.
Nếu trong hợp đồng có điều khoản quy định rõ tiền thuê sẽ được giảm bao nhiêu phần trăm khi có thiên tai, dịch bệnh hay trường hợp bất khả kháng nào đó, khi trường hợp này xảy ra thì bên đi thuê có nghĩa vụ thông báo với bên cho thuê. Trong trường hợp này người đi thuê thông báo và thực hiện đúng theo những gì đã thỏa thuận trên hợp đồng.
Còn trong trường hợp không có điều khoản nêu rõ ràng quy định được giảm tiền thuê trong trường hợp bất khả kháng (quy định cụ thể), nếu bên cho thuê chưa đồng ý giảm tiền thuê mà bên đi thuê tự ý giảm, thì họ có quyền khởi kiện trong trường hợp không đúng hợp đồng.
Luật sư cũng nói thêm trường hợp dịch bệnh Covid-19 như vừa qua Chính phủ cũng chưa ban hành được xem như là trường hợp bất khả kháng. Do đó, theo luật sư nếu do dịch bệnh ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh cũng chưa được xem là nguyên nhân mặc nhiên người đi thuê được tự ý giảm tiền thuê khi chưa có sự đồng thuận từ phía chủ cho thuê. Trong trường hợp này, cả 2 bên có thể thương lượng, để đi đến thống nhất là hỗ trợ giảm tiền thuê mặt bằng bao nhiêu. Nếu 1 trong 2 bên tự ý giảm tiền thuê mà chưa có sự đồng thuận từ 2 bên thì sẽ phá vỡ nguyên tắc của hợp đồng. Trường hợp này, bên còn lại bị tổn hại, có thể khởi kiện để yêu cầu thanh toán hết số tiền theo thỏa thuận của hợp đồng đã cam kết.
Tuy nhiên, Tòa án sẽ cân nhắc thiệt hại và tính khách quan của sự việc để đi đến giải quyết thỏa đáng.
Luật sư cho biết thêm, trong đợt dịch tái bùng phát vừa qua, phần đông người cho thuê mặt bằng cũng có giảm tiền thuê cho bên cho thuê, nhưng tỷ lệ giảm bao nhiêu tùy thuộc vào 2 bên thỏa thuận với nhau, dựa trên tình hình thực tế.
Một luật sư khác tại TPHCM cho biết thêm, cho dù trên hợp đồng đi thuê có quy định hay không có điều khoản bất khả kháng thì việc giảm tiền thuê và giảm bao nhiêu phần trăm cũng không thể do 1 bên tự ý quyết định được, 2 bên phải có sự thoả thuận cụ thể.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận