Visa tối đa hóa lợi ích cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam
Nhằm giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam có thể tối đa hóa lợi ích phương pháp thanh toán không tiếp xúc, Visa đã giới thiệu loạt nguồn lực và công cụ để các doanh nghiệp SMBs có thể tận dụng tối đa các giải pháp thanh toán kỹ thuật số của Visa vào hoạt động kinh doanh.
Đây là một phần trong cam kết của Visa nhằm hỗ trợ doanh nghiệp SMBs, đồng thời hướng tới mục tiêu thúc đẩy nền kinh tế quốc gia thông qua thanh toán kỹ thuật số.
Bộ công cụ tại Bắt đầu chấp nhận thanh toán thẻ Visa | Dành cho nhà bán hàng, có hướng dẫn từng bước và giải đáp các câu hỏi thường gặp của nhà bán hàng, bằng tiếng Việt và tiếng Anh, để họ có thể xử lý thành công các giao dịch không tiếp xúc. Đồng thời nêu bật biểu tượng thanh toán không tiếp xúc đặc trưng trên thẻ Visa cũng như trên tất cả các thiết bị chấp nhận thanh toán thẻ. Chỉ cần chạm thẻ Visa hoặc bất kỳ thiết bị nào có chức năng thanh toán không tiếp xúc như điện thoại, thiết bị điện tử bỏ túi hoặc đồng hồ thông minh vào thiết bị đọc thẻ, khách hàng có thể dễ dàng thực hiện thanh toán không tiếp xúc. Đây đồng thời là phương thức thanh toán được yêu thích kể từ sau đại dịch COVID-19.
Trong nghiên cứu mới đây về Thái độ thanh toán của người tiêu dùng do Visa thực hiện cho thấy làn sóng thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam vẫn duy trì đà tăng trưởng ấn tượng, với 88% người được khảo sát cho biết đang ưu tiên thanh toán không sử dụng tiền mặt. Người dùng Việt ngày càng ưa chuộng thanh toán qua thẻ vật lý và các phương thức thanh toán kỹ thuật số. Trên toàn cầu, tỉ lệ chạm để thanh toán của Visa đã đạt mức 65%, tăng gấp đôi so với năm 2019.
Tương tự tại Việt Nam, hơn 70% giao dịch trực tiếp thực hiện trên thẻ Visa là thanh toán không tiếp xúc. Điều này đã tiếp tục khẳng định mối quan tâm của người tiêu dùng với thanh toán không tiếp xúc và sự kỳ vọng đối với doanh nghiệp trong việc đáp ứng nhu cầu này.
“Người tiêu dùng Việt Nam và trên toàn thế giới đang ngày càng ưa chuộng các phương thức thanh toán không tiếp xúc bởi tốc độ, tính bảo mật và sự tiện lợi mà công nghệ này mang lại trong giao dịch hàng ngày. Đây đồng thời là yếu tố thúc đẩy các nhà bán hàng mở rộng phạm vi chấp nhận thanh toán không tiếp xúc. Visa cam kết hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam với các giải pháp tài chính và thanh toán tiên tiến nhất để họ có thể phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có. Với bộ công cụ mới này, chúng tôi hi vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng rộng rãi thanh toán kỹ thuật số của các SMBs nhằm đáp ứng tốt hơn sở thích và nhu cầu của người tiêu dùng, từ đó tiến gần hơn đến mục tiêu xây dựng một xã hội không dùng tiền mặt ở Việt Nam”. Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa Việt Nam và Lào, chia sẻ.
Bộ công cụ trực tuyến là một trong nhiều sáng kiến của Visa nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và tăng cường sự tham gia vào nền kinh tế kỹ thuật số.
Gần đây nhất, Visa cũng đã hợp tác với VNPAY nhằm đẩy mạnh thanh toán không tiếp xúc qua VNPAY SoftPOS – giải pháp thanh toán biến điện thoại thông minh thành thiết bị POS chấp nhận giao dịch “chạm để thanh toán". Công nghệ này được kỳ vọng sẽ nâng cao trải nghiệm mua sắm, giảm chi phí thiết bị và quản lý tiền mặt, đồng thời cải thiện báo cáo tài chính cho người bán nhờ kết nối trực tiếp với ngân hàng và hệ thống kế toán.
Và để đáp ứng làn sóng du lịch đang tăng trưởng trên toàn cầu, thanh toán không tiếp xúc cũng đóng vai trò thiết yếu trong việc thúc đẩy ngành du lịch tại Việt Nam. Được biết, 6 tháng đầu năm nay cả nước đón gần 9 triệu lượt khách quốc tế, trong đó Xu hướng Du lịch toàn cầu (GTI) cho thấy 97% du khách châu Á - Thái Bình Dương sẽ mang theo thẻ khi đi du lịch và chỉ 17% có ý định mang theo tiền mặt (ngoại tệ).
Như vậy, khi đi du lịch khách du lịch thường sử dụng phương pháp thanh toán không tiền mặt, chính vì vậy doanh nghiệp địa phương với tùy chọn thanh toán không tiếp xúc đa dạng có thể nâng cao trải nghiệm của khách hàng, từ đó tăng doanh thu tiềm năng và phát triển kinh doanh.
Bên cạnh các giải pháp tài chính toàn diện, các doanh nghiệp SMBs cũng có thể tận dụng những thế mạnh về uy tín của thương hiệu Visa đã được công nhận gồm: thương hiệu thanh toán có giá trị nhất thế giới và top 6 thương hiệu giá trị trên toàn cầu.
Với những cập nhật mới nhất trong quy trình xử lý tranh chấp, quyền lợi người tiêu dùng và người bán sẽ được Visa bảo vệ thông qua cam kết của mạng lưới về việc không chịu trách nhiệm pháp lý đối với các giao dịch trái phép. Qua đó, giúp doanh nghiệp được đảm bảo thanh toán từ các giao dịch hợp pháp và người tiêu dùng có thể mua sắm một cách thuận tiện và an tâm.
Theo tạp chí Điện tử và Ứng dụng