11 trường đại học được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn nước ngoài năm 2024
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố danh sách cập nhật các cơ sở giáo dục đại học được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục, đáng chú ý là có 11 trường đại học, đại học đánh giá theo tiêu chuẩn nước ngoài.
Cục Quản lý chất lượng - Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố danh sách các cơ sở giáo dục đại học và trường cao đẳng sư phạm được đánh giá, công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục. Danh sách được cập nhật đến ngày 31/7/2024 bao gồm 193 cơ sở giáo dục đại học, 11 trường cao đẳng sư phạm được đánh giá theo tiêu chuẩn trong nước và 11 trường đại học, đại học đánh giá theo tiêu chuẩn nước ngoài.
Kết quả kiểm định chất lượng giáo dục có thể sử dụng làm căn cứ để xác định chất lượng giáo dục đại học.
Trong đó, 11 trường đại học, đại học đánh giá theo tiêu chuẩn nước ngoài gồm: Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV), Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP. Hồ Chí Minh); Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng); Đại học Bách Khoa Hà Nội; Trường ĐH Xây dựng Hà Nội; Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQH Hà Nội); Trường ĐH Tôn Đức Thắng; Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP. Hồ Chí Minh); Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh; Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội; Trường ĐH Văn Lang.
Đại đa số trong danh sách đạt tiêu chuất chất lượng giáo dục từ Hội đồng cấp cao về đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học Pháp – HCERES.
Đáng chú ý, Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV) là trường đại học duy nhất tại Việt Nam đạt chứng nhận kiểm định toàn diện từ cơ quan đảm bảo chất lượng giáo dục đại học của Anh Quốc - QAA (The Quality Assurance Agency for Higher Education).
Danh sách 11 cơ sở giáo dục đại học được công nhận theo tiêu chuẩn nước ngoài.
Đây là đơn vị kiểm định chất lượng giáo dục của Anh Quốc với thang đánh giá dựa trên 10 tiêu chí cực kỳ khắt khe, được áp dụng rộng rãi tại nhiều trường đại học top đầu thế giới như Oxford, Cambridge, Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London…
Căn cứ Điều 51 Quy định về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học, kết quả kiểm định chất lượng giáo dục có thể sử dụng làm căn cứ để xác định chất lượng giáo dục đại học, vị thế và uy tín của cơ sở giáo dục; thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Đây là một trong các tiêu chí để cơ quan có thẩm quyền xem xét hỗ trợ đầu tư, giao nhiệm vụ, thực hiện phân tầng, xếp hạng, giao quyền tự chủ và sắp xếp lại mạng lưới cơ sở giáo dục. Các đơn vị đạt tiêu chuẩn sẽ được cơ quan có thẩm quyền ưu tiên lựa chọn để đầu tư phát triển, được thực hiện quyền tự chủ cao hơn.
Theo tạp chí Điện tử và Ứng dụng