Giáo dục trực tuyến thời COVID-19 cần những phiên bản an toàn
Trước thực trạng về các phần mềm dạy và học trực tuyến đang gặp phải các vấn đề về bảo mật, đồng thời cũng là lần đầu áp dụng trên diện rộng hình thức đào tạo này đang đặt ra những bài toán cho toàn ngành giáo dục để ứng dụng công nghệ đáp ứng được yêu cầu trong thời kỳ dịch COVID-19 hoành hành hiện nay.
- Bộ Giáo dục Singapore tạm ngừng giảng dạy trực tuyến qua Zoom
- Phụ huynh có phải đóng tiền khi trường dạy trực tuyến mùa Covid-19?
- Bộ GD&ĐT đặt quy chuẩn để công nhận kết quả dạy và học online mùa dịch COVID-19
Để kịp thời khắc phục những bất cập này, Bộ GD&ĐT đã cho phép thử nghiệm phần mềm do đơn vị trong nước là Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC sản xuất triển khai tại nhiều trường thuộc 5 tỉnh, thành phố gồm: TP HCM, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Thái Bình và Yên Bái.
Đây được xem là giải pháp để khắc phục những tồn tại hạn chế trong việc dạy và học hiện nay, cũng như khuyến khích sự sáng tạo, chung tay của các doanh nghiệp công nghệ trong nước sản xuất với hai tiêu chí được ưu tiên đó là tính bảo mật cao và sử dụng bằng tiếng Việt.
Học trực tuyến đang phát huy hiệu quả khi ngành giáo dục thực hiện chỉ thị giãn cách xã hội.
Cũng theo ghi nhận, thực tế những ngày đầu triển khai phần mềm "AIC - Học trực tuyến" gặp không ít khó khăn do cơ sở hạ tầng của các tỉnh, thành phố vẫn chưa đảm bảo; trình độ công nghệ của giáo viên và học sinh chưa đồng đều. Một số lỗi kỹ thuật nhỏ vẫn xảy ra...
Do đó, qua việc triển khai ở nhiều tỉnh thành trên, đơn vị sản xuất đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm và khắc phục sự cố để có thể triển khai trên diện rộng các vùng miền cả nước.
Đại diện AIC Group cho biết: Phần mềm "AIC - Học trực tuyến" khá thuận tiện khi sử dụng. Tất cả các chức năng đều nằm trong một ứng dụng, giáo viên, học sinh chỉ cần vào một phần mềm, thực hiện tất cả các thao tác của buổi học và không có các nội dụng xấu làm gián đoạn tiết học.
Theo các chuyên gia công nghệ, phần mềm này là ứng dụng tối ưu hóa, tích hợp nhiều phần mềm khác nhau vào cùng một ứng dụng để giáo viên và học sinh dễ sử dụng.
Chẳng hạn như giáo viên có thể trao đổi trực tiếp với học sinh, lựa chọn học sinh giơ tay phát biểu, chấm bài, trả bài hoặc bật, tắt micro... tất cả đều nằm trong phần mềm "AIC - Học trực tuyến" chạy trên cả nền tảng Androi và IOS và người dùng có thể sử dụng máy tính mảng, điện thoại thông minh hay là máy tính bàn.
Đặc biệt, sự nổi trội của ứng dụng này là tính bảo mật được bảo vệ 9 lớp và đặt máy chủ quản lý tại các tỉnh, thành sử dụng. Ngoài ra, tất cả việc học trực tuyến đang được miễn phí và không hạn chế thời gian học như hiện nay tại một số ứng dụng khác.
Hiện nay, phần mềm này đã được thẩm định bởi các nhóm chuyên gia của Bộ TT&TT, Bộ GD&ĐT để đảm bảo cả về phương diện nền tảng kỹ thuật, nội dung chuyên môn cũng như độ bảo mật an toàn, qua đó giúp các thầy cô và học trò cả nước yên tâm sử dụng.
Đáng chú ý, với việc thí điểm triển khai phần mềm "AIC - Học trực tuyến" tại một số địa phương đã cho kết quả khả quan, đó là dấu hiệu tích cực cho thấy phần mềm ứng dụng sản xuất trong nước đi vào đời sống thực tế.
Thời gian qua, học sinh trên địa bàn Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung chủ yếu phải học tập trực tuyến qua mạng hoặc qua truyền hình do chưa thể đến trường học tập trung để phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Do lần đầu tiên được triển khai trên diện rộng nên cách học này gặp nhiều khó khăn và bộc lộ những hạn chế như: Nền tảng công nghệ chưa đồng bộ, đường truyền còn chậm và yếu, song song với đó là trình độ công nghệ của giáo viên, phụ huynh, học sinh chưa đáp ứng được yêu cầu.
Các chuyên gia giáo dục cho rằng, cả hai loại hình học trực tuyến qua mạng và truyền hình đều có nhiều ưu, nhược điểm khác nhau. Học qua truyền hình thì thuận tiện, có lượng học sinh ngồi nghe nhiều, nhưng lại có yếu điểm là chỉ có giáo viên giảng mà không tương tác, trao đổi được với học sinh.
Còn học trực tuyến qua qua mạng internet thì mặt tích cực là có nhiều học sinh có thể học cùng phòng và tương tác trực tiếp với giáo viên nhưng các phần mềm học chủ yếu đặt máy chủ tại nước ngoài, bảo mật thông tin không cao, do giáo viên và học sinh phải khai báo mật khẩu để vào học dễ bị tiết lộ, đánh cắp thông tin cá nhân. Có phần mềm xuất hiện các hình ảnh phản cảm, nội dung xấu, bởi những đối tượng quấy rối, làm gián đoạn tiết học.
Một cô giáo tại trường Tiểu học Nam Trung Yên (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, do các học sinh có thái độ học tập không tốt hoặc muốn quấy phá lớp học trực tuyến, nên đã chia sẻ tài khoản lên mạng và đã bị các đối tượng xấu xâm nhập vào chia sẻ nội dung với mục đích khác. Thêm vào đó, muốn dạy và học trực tuyến thì giáo viên phải sử dụng nhiều phần mềm khác nhau để hỗ trợ học, nhắn tin trao đổi bài kiểm tra, chấm bài... dẫn tới giáo viên phải "loay hoay" nhiều công đoạn.
"Trong lúc đó, các phần mềm phần lớn quy định chỉ cho phép mỗi tài khoản được dạy 40 phút, nếu không thành thạo các thao tác hoặc đường truyền bị nghẽn thì dường như buổi học đấy không mang lại hiệu quả và quá ít thời gian. Nếu muốn dạy thêm giờ thì các trường phải bỏ tiền ra mua, trong lúc không có kinh phí cho việc này" giáo viên này cho biết thêm.
Một số hiệu trưởng, giáo viên trên địa bàn quận Long Biên (Hà Nội) chia sẻ, thời gian đầu làm quen với ứng dụng Zoom Cloud Meetings (gọi tắt Zoom) mất khá nhiều thời gian do phải sử dụng một lần nhiều phần mềm khác nhau để dạy, chấm và trả bài kiểm tra nên rất bất tiện, thậm chí nhiều phụ huynh không biết sử dụng nên phải nhờ xe Grab đưa đến tận nhà cho các em. Hơn nữa, phần lớn các tiết học bị gián đoạn do người sử dụng chưa thành thạo và đường truyền, muốn dạy thêm giờ thì phải mua thêm, trong lúc không có kinh phí.
Theo ghi nhận, trên địa bàn nhiều tỉnh, thành và các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, giáo viên chủ yếu sử dụng phần mềm Zoom khá tiện lợi. Tuy nhiên phần mềm này cũng cần thêm ứng dụng Zalo để trao đổi nhắn tin, chấm trả bài kiểm tra. Và gần đây, khi các trường mới bắt đầu làm quen thì đã gặp cảnh báo từ các cơ quan chức năng và thông tin trên báo chí cho rằng không nên dùng vì lỗi bảo mật...
Bên cạnh đó, ngoài phần mềm Zoom được sử dụng nhiều thì ở các tỉnh, thành khác nhau còn sử dụng các phần mềm như F1 School, Shub Classroom... Vấn đề được đặt ra là làm sao đảm bảo về an ninh, an toàn và bảo mật thông tin cá nhân.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận