Ngô Quý Đăng: Tự hào cầm cờ Tổ quốc nhận huy chương vàng
Giành điểm tuyệt đối 42/42 và đoạt huy chương vàng trong kỳ thi Olympic toán quốc tế (IMO) 2022, chàng trai Ngô Quý Đăng đã cầm cờ đại diện cho đất nước và đứng trên bục nhận huy chương vàng, mang vinh quang về cho Tổ quốc.
Ngô Quý Đăng - Ảnh: NAM TRẦN
Ngô Quý Đăng có cuộc trao đổi với Báo chí sau khi từ bục vinh quang trở về
Giành huy chương vàng năm nay với tôi có nhiều điểm vinh dự và đáng nhớ hơn. Đó là được nhận huy chương vàng từ chính tay bà thị trưởng thành phố Oslo (Na Uy) tại địa điểm Tòa thị chính thành phố - nơi hằng năm trao giải Nobel hòa bình.
Bên cạnh đó, tôi cũng vinh dự được đứng cạnh giáo sư Geoff Smith là chủ tịch của Hội đồng IMO 2022. Đồng thời có mười người được điểm tuyệt đối nhưng chỉ có tôi và hai bạn ở Nhật Bản, Ukraine được cầm cờ của Tổ quốc khi nhận huy chương tại đây. Được cầm cờ đại diện cho đất nước đứng trên bục nhận huy chương vàng tôi thấy rất sung sướng, hãnh diện vì đã mang vinh quang về cho Tổ quốc.
Bên cạnh niềm vui, tôi cùng cả đội có một cảm giác tiếc nuối khi hai bạn được 28 điểm nhưng điểm huy chương bạc lại lấy từ 29 điểm. Tôi cũng nghĩ rằng việc đạt điểm tuyệt đối hay không đạt tùy thuộc vào đề thi. Một số năm IMO ra đề khó quá dẫn đến không ai đạt được điểm tuyệt đối như năm 2020 tôi giành huy chương vàng với 36/42 điểm thì chỉ có duy nhất một bạn ở Trung Quốc đạt được điểm tuyệt đối do có bài khó quá.
Tuy nhiên, nghiêm túc so sánh đề thi năm nay với đề thi cách đây hai năm thì thấy có phần thuận lợi, dễ hơn, không có bài khó quá và đều ở mức làm được, hợp với thế mạnh của tôi.
* Ai là người đã vun đắp tình yêu đối với môn toán với Đăng?
- Ông ngoại từng là thầy giáo dạy toán nên đã truyền tình yêu môn toán với tôi. Khi học tiểu học tôi đã thích môn toán và khi học THCS ở Trường Archimedes (Hà Nội) - là nơi phát hiện, tạo điều kiện cho tôi theo đuổi đam mê. Tôi còn nhớ khi đó dù tiếp thu tốt nhưng trình bày xấu, chữ không đẹp nên năm lớp 9 tôi thi học sinh giỏi toán cấp quận dù làm hết nhưng chỉ được 19/20 điểm, mất 1 điểm trình bày.
Sau đó thầy dạy đại số đưa ra lời khuyên và tôi đã khắc phục điểm yếu của mình bằng việc viết cách dòng để bài thoáng hơn. Tuy không phải to tát nhưng lời khuyên đó đến giờ vẫn rất có ý nghĩa, tạo nền móng cho các thành tích sau này.
Chuyển lên cấp THPT tôi vào học lớp chuyên toán của Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội). Tại đây được học các thầy cô hàng đầu đất nước đã giúp tôi có nhiều điều kiện tốt hơn và tham dự các kỳ thi, giành thành tích như vậy.
* Điều cần nhất với người học môn toán theo Đăng là gì?
Học toán không được lười mà cần sự đầu tư thời gian, chịu khó và nhiều lúc sẽ thấy hơi buồn nhưng điều quan trọng nhất là cần tìm thấy sự thích thú với nó mới có nhiều động lực để theo đuổi. Khi làm bài mà không thấy chán sẽ hay hơn.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ đón đội tuyển toán Việt Nam trở về từ kỳ thi toán học quốc tế 2022 - Ảnh: Bộ GD-ĐT
Không chấp nhận quá khứ
* Khi giành được liên tục những thành tích "đầu tiên" của Việt Nam, Đăng thấy có nhiều áp lực không?
- Năm lớp 11 tôi từng thất bại khi mất cơ hội tham dự IMO và rất buồn, sốc. Lúc đó tôi có hai sự lựa chọn là dừng luôn kỳ thi bởi năm 2020 đã trở thành học sinh lớp 10 đầu tiên của Việt Nam đoạt huy chương vàng IMO và học lực cũng khá ổn, các thầy cô đều công nhận.
Tuy nhiên, tôi thấy việc dừng lại có cảm giác như đang "ăn bám quá khứ, luôn luôn nhìn về quá khứ hào quang, chấp nhận quá khứ". Từ đó tôi bắt đầu lại từ đầu, tham gia vòng sơ loại đầu tiên để học, củng cố những phần thấy còn đang yếu, đặc biệt về hình học.
Bản thân tôi tin chắc chắn gia đình và thầy cô chỉ muốn mình vui vẻ, tận hưởng việc học chứ không bắt đạt được thành tích này, thành tích khác. Song tôi cũng thấy rõ một trong những nhược điểm lớn nhất là thường tự đặt áp lực lớn cho bản thân và điều đó không tốt chút nào cả, chưa kể khi vào phòng thi có thể khiến cảm thấy run.
Tuy nhiên tôi suy nghĩ phải quyết tâm đoạt được huy chương vàng bởi năm lớp 12 là năm cuối tham gia kỳ thi Olympic này. Mục tiêu này đối với mọi người có thể là cao nhưng với tôi đã đạt năm lớp 10. Lớp 11 không làm được nên năm nay nếu không đạt dễ bị không ít người nói là "ăn may" đúng một lần.
Nhiều lúc tôi cũng lo lắng mình không đạt được mục tiêu nhưng sau đó thường lơ đi bởi càng nghĩ càng tiêu tốn thời gian, căng thẳng hơn và trước khi đi thi điều quan trọng nhất là phải có sức khỏe, tinh thần tốt. Cạnh đó, điều may mắn là đằng sau tôi luôn có gia đình, bạn bè và các thầy cô động viên để vượt qua, đạt được thành tích tốt như vừa qua.
* Thời gian tới, Đăng sẽ có những dự định gì?
- Sau khi kết thúc nghỉ hè tôi sẽ tiếp tục theo học hệ cử nhân tài năng toán học của khoa toán - cơ - tin học, Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) khoảng một năm và học ngoại ngữ. Tôi mong muốn sau này trở thành một nhà nghiên cứu về toán học như giáo sư Ngô Bảo Châu nên sẽ đi du học và chọn nước Pháp - nơi được đánh giá cao về lý thuyết, nghiên cứu về toán học.
Biến thất bại thành động lực vươn lên
* Đăng muốn nhắn gửi thế nào đến các bạn, nhất là các thế hệ yêu thích môn toán sau đây để có thể gặt hái được những thành công?
- Không riêng các bạn yêu thích môn toán mà mọi người cần biết mình đam mê môn gì và sau đó phải quyết tâm, chăm chỉ, nỗ lực, dành nhiều thời gian hơn với môn học đó. Việc thất bại trong khi thực hiện đam mê cũng buồn nhưng phải biến đó thành động lực để quyết tâm vươn lên.
Tôi nghĩ rằng có thể chúng ta không đi được đến đích cuối cùng nhưng nỗ lực, quyết tâm để thực hiện nó sẽ giúp thu hội thêm nhiều kiến thức nhằm chọn ngành, nghề sau này. Đồng thời, chính qua sự đam mê đó giúp mình tìm được những người bạn tri kỷ, có cùng sở thích.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận