Sinh viên mới ra trường và vấn đề lựa chọn nghề nghiệp hiện nay
Nhờ người khác quyết định hộ hoặc chọn nghề vì ai đó là một trong những thực trạng định hướng nghề nghiệp của sinh viên hiện nay, dẫn đến nhiều hậu quả khó lường.
Thực trạng hiện nay cho thấy, doanh nghiệp đổ lỗi cho nhà trường đào tạo sinh viên thiếu khả năng khi làm việc thực tế. Nhà trường đổ lỗi cho doanh nghiệp đòi hỏi quá cao trong khi sự hỗ trợ của các doanh nghiệp cho sinh viên chưa hiệu quả; doanh nghiệp tiếp nhận các bạn sinh viên vào thực tập chỉ mang tính chất hình thức chứ chưa thực sự cho các bạn làm giống như một nhân viên thực thụ thì làm sao mà các bạn có được những kiến thức cũng như những kỹ năng thực tế. Và câu chuyện "đổ lỗi" cứ quanh quẩn để rồi người chịu thiệt thòi nhất là các bạn sinh viên sau khi ra trường.
Tỉ lệ sinh viên sau khi ra trường không kiếm được việc làm hoặc làm trái ngành rất cao. Tuy nhiên, để thay đổi việc này không thể một sớm một chiều, phần lớn sinh viên ra trường đáp ứng công việc thực tế ngoài doanh nghiệp không cao. Nói tóm lại, đó chính là kết quả của rất nhiều nguyên nhân mà chung quy lại là từ 3 phía Nhà Trường – Doanh Nghiệp – Sinh Viên.
Nhưng nguyên nhân lớn nhất vẫn là từ sinh viên. Nhìn cái cách mà các bạn học tập, thái độ các bạn học tập mà cảm thấy xót xa cho tâm huyết của thầy cô. Và cả nhà trường, doanh nghiệp đều có những điểm hạn chế khiến kết quả đầu ra của các bạn sinh viên chưa được như mong muốn.
Chương trình đào tạo từ nhà trường thiếu nhiều thực tế và khó có thể bắt kịp sự phát triển của công nghệ, bản thân các thầy giáo trong trường cũng không được đào tạo bồi dưỡng thêm kiến thức thực tế.
Nhưng trước khi chờ những thay đổi từ yếu tố bên ngoài, bản thân các bạn sinh viên phải tự thay đổi bản thân mình trước, cũng như trước khi chờ gió đổi chiều thì mình hãy chủ động điều chỉnh cánh buồm.
Ảnh minh họa
Chọn sai nghề vì thiếu đi chính kiến riêng
Chọn ngành nghề vì gia đình: Là những người đi trước có nhiều kinh nghiệm và cái nhìn sâu sắc về cuộc sống, nhiều bố mẹ Việt Nam thường bắt ép con đi theo kế hoạch và mong muốn của bản thân. Nếu định hướng chưa phù hợp, không sớm thì muộn bạn cũng sẽ chuyển sang ngành nghề khác
Vì không có chính kiến, nhiều bạn trẻ ngày nay đang chịu sự áp đặt từ bố mẹ, dẫn đến hậu quả chọn sai ngành học.
Chọn ngành nghề vì bạn bè : Đây là một thực trạng định hướng nghề điển hình và phổ biến của nhiều học sinh THPT. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, hẳn bạn có một vài bằng hữu chí cốt khó tách rời và mong muốn làm gì cũng có nhau.
Điều này sẽ dễ dẫn đến việc học sinh chọn ngành, chọn trường nào đó chỉ để được theo cùng bè bạn mà không quan tâm đến những khó khăn vấp phải trong quá trình học và tiếp cận cơ hội việc làm tương lai.
Chọn ngành nghề theo số đông : Ở những năm trước đây, ngân hàng được biết đến là một trong các ngành “hot” với mức lương “khủng” nên có rất nhiều bạn chọn và đăng ký học. Hậu quả là thừa cử nhân, làm việc trái chuyên môn và thậm chí một số sinh viên nhận ra đây không phải công việc bản thân yêu thích để theo đuổi lâu dài.
Vì thế, bạn đừng vội “cắm chốt” ngay một ngành nghề nào đó chỉ vì nhiều người chọn mà hãy cân nhắc kỹ càng những yếu tố như sở thích, tính cách, năng lực của bản thân, điều kiện gia đình, nhu cầu xã hội…
Hậu quả là gì?
Câu nói “chọn sai ngành học, chết nửa cuộc đời” thật sự không sai. Vì chúng ta phải tiêu tốn hơn 30 năm để học (những kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm thực tế), nếm trải mùi vị thành bại trong công việc và đi đến đỉnh cao sự nghiệp. Do đó, định hướng nghề trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Một bước đi sai sẽ dẫn đến nhiều hậu quả khó lường như :
Lãng phí thời gian, một số bạn bỏ phí nhiều năm chỉ để học ngành mà ba mẹ, thầy cô mong muốn hoặc theo xu hướng hiện tại. Kết quả là đánh mất thời gian quý báu, có bằng nhưng không sử dụng được.
Theo đó, phần lớn sinh viên đều khát khao quay trở lại thời điểm chọn nghề để có thể đưa ra quyết định về ngành phù hợp với niềm yêu thích, năng lực của bản thân cũng như vào đúng trường đào tạo.
Trên thực tế, sẽ có một vài người bằng lòng chấp nhận số phận “thuyền đến đầu cầu ắt tự nhiên thẳng” mà tiếp tục lao theo công việc sai hướng đó. Ở diễn biến khác, nhiều bạn quyết định làm lại từ đầu để bản thân không phải hối hận nhiều trong tương lai.
Lãng phí thời gian là một trong những hậu quả của việc chọn sai ngành. Do đó, hãy lên chiến lược định hướng nghề nghiệp phù hợp nhé!
Lãng phí chất xám : Bên cạnh việc bỏ lỡ thời gian, chất xám cũng là yếu tố bị lãng phí nhiều khi lựa chọn sai ngành. Trong 3 – 4 năm đào tạo tại trường, bạn phải tập trung toàn bộ trí óc để tiếp thu, ghi nhớ kiến thức; ôn tập cho các bài thi giữa kỳ, kết thúc học phần cũng như thực tập và hoàn thành khóa luận. Sau khi ra trường, nhiều sinh viên “cất bằng vào tủ” mà đi làm công nhân hoặc tài xế của những ứng dụng chạy xe công nghệ.
Có thể thấy, việc chọn nghề cho bản thân là một trong các bước quan trọng đối với cuộc đời của mỗi chúng ta. Do đó, hãy luôn sáng suốt khi đưa ra bất kỳ quyết định nào, từ ngành học, cơ sở đào tạo đến những điều cần làm trên ghế nhà trường.
Bố mẹ, thầy cô sẽ là những người đồng hành, nhà tư vấn tuyệt vời, đưa ra nhiều lời khuyên hữu ích dành cho bạn. Tuy nhiên, sinh viên cũng không nên quá phụ thuộc vào họ để rồi đánh mất đi chính kiến, suy nghĩ, sự chọn lựa của bản thân.
Cần làm gì để chọn đúng nghề?Nên nghiên cứu tin tức xét tuyển mới nhất thông qua cẩm nang tuyển sinh, một số kênh tham khảo uy tín để tìm hiểu ngành nghề và nội dung đào tạo của các trường. Sinh viên cần nắm bắt tình hình thị trường lao động hiện nay, xu hướng nghề nghiệp tương lai tại Việt Nam này. Sau đó, hãy nghiên cứu thông tin về ngành mình chọn; đồng thời, so sánh với những công việc khác và dự đoán nhu cầu sử dụng nhân lực trong 3 – 4 năm tới. Để thực hiện được điều này, sinh viên nên tham khảo ý kiến từ người thân, thầy cô hoặc chuyên gia tư vấn hướng nghiệp. Các bạn nên chọn ngành dựa theo ưu điểm nổi trội và tính cách của bản thân. Như vậy, người học mới thực sự có đủ năng lực và động cơ để vượt qua những khó khăn và tiếp tục theo đuổi đam mê, ước vọng. Hãy cân nhắc học phí của các chương trình đào tạo để xác định chúng có thực sự phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình hay không. Ngoài ra, người học cũng nên tham khảo thông tin về cơ sở vật chất, hoạt động sinh viên, chất lượng giảng dạy... của trường để có thể chọn lựa cho mình một nơi trau dồi kiến thức và rèn luyện kỹ năng tốt nhất. |
Theo Tạp chí điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận