Chuyển đổi số hoạt động truyền thanh cơ sở
Truyền thanh cơ sở là loại hình thông tin chủ lực trong hoạt động thông tin, tuyên truyền ở cơ sở hiện nay. Cả nước hiện có 9.606 xã, phường, thị trấn có đài truyền thanh cơ sở với hệ thống loa truyền thanh đến tận thôn, bản, tổ dân phố, khu dân cư, đạt tỷ lệ phủ sóng trên 82% số hộ gia đình cả nước.
- Truyền thanh cơ sở, kênh truyền thông hữu ích trong công tác tuyên truyền
- Đài truyền thanh kỹ thuật số - Giải pháp hiệu quả cho truyền thanh cơ sở
- SAVIS bàn giao Đài truyền thanh số cho huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa
Ban biên tập Tạp chí Điện tử trích lược tham luận của Ông Nguyễn Văn Tạo - Cục trưởng Cục Thông tin cơ sở - Bộ thông tin và Truyền thông tại Hội nghị tổng kết năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021.
Hệ thống truyền thanh cơ sở. Ảnh: VOV.vn
Đài truyền thanh cơ sở hằng ngày phát 02 buổi (sáng, chiều) vào khung giờ nhất định, với thời lượng từ 01 đến 1,5h/buổi, tác động trực tiếp đến hàng chục triệu người nghe, nhất là người dân ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo.
Đặc trưng của truyền thanh cơ sở là thông tin có tính “cưỡng bức”, người dân khi đang lao động, sản xuất vẫn nghe được thông tin từ loa truyền thanh; nên đây là kênh thông tin đông người nghe nhất, gần dân nhất, sát dân nhất, có sức thuyết phục và hiệu quả cao, vì phát thanh viên chính là người địa phương, nói tiếng nói địa phương, phù hợp với văn hóa của người dân địa phương.
Tuy nhiên, bức tranh chung về truyền thanh cơ sở hiện nay có nhiều vấn đề cần phải quan tâm:
- Cơ sở vật chất, thiết bị kỹ thuật của đài truyền thanh cơ sở nhiều nơi xuống cấp, công nghệ cũ, lạc hậu: Truyền thanh có dây chiếm 26,3%; truyền thanh FM chiếm 62%; có đài sử dụng cả có dây và FM chiếm 9,2%. Truyền thanh công nghệ mới sử dụng hạ tầng viễn thông, Internet (truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông) chỉ chiếm 2,5%.
- Nhân lực làm công tác truyền thanh cơ sở chủ yếu là kiêm nhiệm hoặc hoạt động không chuyên trách nên thường không ổn định, hiệu quả hoạt động không cao. Trong tổng số hơn 14.000 người làm công tác truyền thanh cơ sở, công chức cấp xã kiêm nhiệm chiếm 50,6%; người hoạt động không chuyên trách chiếm 49,4%.
- Nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống truyền thanh cơ sở rất hạn chế. Đến nay vẫn còn khoảng 1.000 xã, phường chưa có đài truyền thanh. Kinh phí bảo dưỡng, duy trì hoạt động, bình quân cả nước khoảng 5 triệu đồng/năm/đài.
Thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tất cả các quốc gia đều phải thực hiện “chuyển đổi số” để vươn lên phát triển thịnh vượng. Lĩnh vực truyền thanh cơ sở cũng đang đứng trước vận hội mới để chuyển mình - thực hiện chuyển đổi số, hiện đại hóa để thông tin thiết yếu liên quan trực tiếp đến đời sống dân sinh tiếp cận được đến người dân nhanh nhất và nhiều nhất.
Truyền thanh cơ sở hiện là kênh thông tin lạc hậu nhất. Vì thế, có thể khẳng định, việc thúc đẩy chuyển đổi số sẽ mang lại hiệu quả cao nhất, bởi lẽ:
- Chuyển đổi số trong lĩnh vực truyền thanh cơ sở dựa trên hạ tầng viễn thông, Internet đã có sẵn nên giá thành đầu tư rẻ hơn.
- Giải quyết được bài toán thiếu nhân lực, thay thế phần lớn sức lao động trực tiếp trong quản lý, vận hành thiết bị kỹ thuật và sản xuất nội dung chương trình phát thanh, như sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc chuyển đổi bản tin giấy sang giọng nói.
- Xây dựng cơ sở dữ liệu về thông tin cơ sở từ Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện đến cơ sở, bảo đảm chủ động, kịp thời cung cấp thông tin thiết yếu đến người dân một cách chính xác, ngắn gọn; do đó giám sát được hiệu quả hoạt động của đài truyền thanh ở từng địa phương và trong cả nước. Hệ thống truyền thanh cơ sở thay đổi cách thức quản lý theo hướng liên thông đồng bộ từ Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện đến cơ sở.
- Thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước nghiên cứu sáng tạo sản phẩm mới, dịch vụ mới trong lĩnh vực phát thanh, truyền thanh và có thể xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài.
Trong thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 39/TT-BTTTT ngày 24/11/2020 quy định về quản lý đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông làm cơ sở pháp lý để các doanh nghiệp trong nước sản xuất, cung cấp thiết bị và các địa phương triển khai đầu tư xây dựng hệ thống truyền thanh theo công nghệ mới. Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức xây dựng 03 mô hình điểm đài truyền thanh cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông ở khu vực miền núi (tại tỉnh Hòa Bình); khu vực đồng bằng và khu vực đô thị (tại tỉnh Hải Dương) để các tỉnh, thành phố tham khảo, học tập mô hình, từ đó có kế hoạch từng bước chuyển đổi hệ thống truyền thanh có dây/truyền thanh FM sang truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông theo tinh thần Quyết định số 135/QĐ-TTg ngày 20/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin.
Để thực hiện thành công chuyển đổi số hoạt động truyền thanh cơ sở cần thực hiện nhiều giải pháp, trong đó tập trung vào một số giải pháp sau:
(i) Địa phương bố trí nguồn lực từ ngân sách và huy động nguồn lực xã hội hóa theo phương châm “số lượng nhiều thì dựa vào các ông nhỏ” để vận động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân là con em người địa phương tài trợ, đóng góp xây dựng quê hương.
(ii) Các doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp công nghệ trong nước đầu tư hạ tầng kỹ thuật, thiết bị truyền thanh theo công nghệ mới, chính quyền địa phương thuê lại để tổ chức các hoạt động tuyên truyền trên địa bàn.
(iii) Hỗ trợ nguồn lực cho những địa phương khó khăn ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, thông qua thực hiện Chương trình MTQG Xây dựng nông thôn mới và Chương trình MTQG Giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025.
Với vai trò là một kết cấu hạ tầng quan trọng của hạ tầng kinh tế - xã hội ở cơ sở, cần phải được quan tâm đầu tư đồng bộ với các kết cấu hạ tầng khác ở cơ sở và để chuyển đổi số thành công, xin phép được kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành trung ương và các địa phương huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển, hiện đại hóa hệ thống truyền thanh cơ sở của cả nước, trong đó có chính sách hỗ trợ nguồn lực của Trung ương cho những địa phương khó khăn ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Nguyễn Văn Tạo - Cục trưởng Cục Thông tin cơ sở
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận