Chuyển đổi số quốc gia - Nền tảng cho Kinh tế số thúc đẩy tăng trưởng trởi lại trước thách thức
Những cơ hội và thách thức của các nền kinh tế là không nhỏ nhưng trước tác động của đại dịch thì các quốc gia sẽ phải đưa ra những lựa chọn để thích ứng với những mô hình kinh tế mới trong trạng thái bình thường mới để tăng trưởng trở lại.
- Kinh tế số - Giải pháp bứt phá để phục hồi tăng trưởng thời kỳ hậu dịch COVID-19
- Dữ liệu chính là đơn vị tiền tệ trong thời đại kinh tế số
- Mạng di động MVNO I-Telecom phục vụ nền kinh tế số
Cơ hội cho phát triển kinh tế số rõ ràng là rất lớn, xu thế tất yếu phải thực hiện. Tuy nhiên, những thách thức đặt ra cũng không hề nhỏ với nền kinh tế nước ta, nhất là trong bối cảnh Việt Nam có xuất phát điểm thấp, hạ tầng kinh tế - xã hội phục vụ kinh tế số còn rất hạn chế.
Kinh tế số trên nền tảng kết nối hạn chế
Có thể nói, kinh tế số của Việt Nam nói chung, TP HCM nói riêng đã có những bước phát triển rất đáng khích lệ cũng như các điều kiện hỗ trợ cho kinh tế số phát triển đã bước đầu hình thành.
Những hạn chế trong mục tiêu đi lên kinh tế số là rất lớn.
Tuy nhiên, thực tế cũng còn rất nhiều rào cản, hạn chế đặt ra đối với việc thúc đẩy phát triển kinh tế số hiện nay như: hạ tầng cho kinh tế số chưa phát triển đồng bộ, thể chế còn chưa đầy đủ, quy mô kinh tế số còn nhỏ bé so với khu vực và thế giới; năng lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp còn yếu…
Theo TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, hạ tầng cho kinh tế số phát triển chưa đồng bộ, hạ tầng kinh tế - xã hội còn thấp, hạ tầng kết nối số và năng lực kết nối vẫn còn hạn chế. Việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia chậm được triển khai. Việc kết nối, chia sẻ các cơ sở dữ liệu của cả khu vực công và tư còn nhiều bất cập.
Hạ tầng kết nối số và năng lực kết nối số vẫn còn ở mức thấp. Năng lực nghiên cứu, phát triển công nghệ và các ứng dụng, chế tạo thiết bị còn hạn chế, dựa nhiều vào nguồn nhập khẩu, giá cao. Trang bị kỹ thuật cho thu thập, lưu trữ, xử lý dữ liệu còn ít, thiếu sự kết nối, liên thông; an toàn, an ninh mạng chưa được đảm bảo.
Cùng với đó, thể chế cho các hoạt động kinh tế số chưa được hình thành đồng bộ, chậm được hoàn thiện; chưa có hành lang pháp lý cho thí điểm triển khai áp dụng các mô hình kinh doanh, dịch vụ mới.
Còn thiếu các quy định về bảo vệ cơ sở dữ liệu, dữ liệu cá nhân, thông tin riêng tư; vấn đề quyền cá nhân, đạo đức khi ứng dụng trí tuệ nhân tạo; định danh số và xác thực điện tử cho người dân chưa phát triển.
Dưới góc độ tài chính cho chuyển đổi kỹ thuật số, chuyên gia tài chính Nguyễn Chí Hiếu phân tích, với các doanh nghiệp có tiềm năng phát triển thì việc chuyển đổi sự vận hành của doanh nghiệp sang nền tảng kỹ thuật số từ khâu lập kế hoạch, đến quản trị và quản lý, quy trình sản xuất kinh doanh, tồn kho, bán hàng, marketing, nhân sự, kế toán, là một xu hướng phát triển tất yếu.
Trong thời đại cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư nếu không chuyển đổi trên nền tảng kỹ thuật số, doanh nghiệp có thể bị bỏ lại phía sau. Tuy nhiên, chi phí cho chuyển đổi số là rất lớn. Nếu chỉ chuyển đổi số tại một số khâu như quản lý, tài chính hay quy trình sản xuất thì số vốn bỏ ra không nhiều, có thể chỉ vài chục nghìn USD.
Nhưng nếu toàn bộ sự vận hành của một doanh nghiệp được chuyển đổi số với rất nhiều những lãnh vực hoạt động trước kia làm bằng tay, thì chi phí có thể lên đến hàng triệu USD.
Từ phân tích trên, ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, với những doanh nghiệp đang vật lộn với những tác động của đại dịch COVID -19 thì nguồn vốn tự có và vốn vay đã không đủ để trang trải chi phí thì việc đầu tư vào quá trình chuyển đổi số là điều không thể. Chính vì thế nếu không có một giải pháp tài chính để hỗ trợ các doanh nghiệp thì quá trình chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ bị lùi lại.
Một trong những rào càn được chỉ ra là cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực số chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế số. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, mức tăng trung bình hàng năm đối với nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin là 13%.
Tuy nhiên, theo nghiên cứu của VietnamWorks, trong 3 năm qua, nguồn cung hàng năm đối với nhân lực công nghệ thông tin tăng trưởng ở mức trung bình 8%, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng trung bình hàng năm đối với số lượng việc làm trong ngành công nghệ thông tin là 47%. Sẽ rất khó để đáp ứng nhu cầu lớn như vậy nếu tăng trưởng nguồn cung vẫn ở mức thấp.
Theo các chuyên gia kinh tế, kinh tế số đang làm thay đổi lợi thế so sánh của nước ta về nhân công giá rẻ, tạo ra nhiều nghề mới đòi hỏi kỹ năng mới, đồng thời làm giảm một số nghề theo lối “truyền thống” dẫn đến thay đổi cơ cấu kinh tế và cơ cấu việc làm. Mặc dù vậy, hầu như chưa có sự chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi số trên quy mô lớn.
Ngoài ra, chưa có phương thức giảm thiểu tác động tiêu cực và quản lý hiệu quả để ngăn ngừa tình trạng gian lận thương mại, trốn thuế, thông tin giả, độc hại...Việc đấu tranh với tội phạm, đảm bảo an ninh mạng còn nhiều thách thức.
Chuyển đổi số quốc gia - Nền tảng lớn của kinh tế số
Để khơi dòng và tận dụng những cơ hội của kinh tế số mang lại, trước mắt cũng như lâu dài, cần phải triển khai những giải pháp đồng bộ cũng như sự vào cuộc mạnh mẽ của hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, người lao động, nhất là có trong nhận thức, đầu tư.
Chuyển đổi số quốc gia là lời giải cho bài toán kinh tế số tăng trưởng trở lại.
Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết, để hỗ trợ kinh tế số phát triển, thời gian tới cần thúc đẩy xây dựng hạ tầng kinh tế số, xã hội số, hạ tầng kết nối vạn vật. Tiếp tục xây dựng mạng viễn thông băng rộng, từng bước hình thành hạ tầng mạng thông tin di động 5G phục vụ cho phát triển nền kinh tế số, xã hội số.
Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số. Thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu lớn, quan trọng và liên thông các hệ thống thông tin, hạ tầng cơ sở dữ liệu quốc gia; tăng cường sử dụng chung cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông.
Theo ông Phương, xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý cho các loại hình kinh doanh mới, kinh tế số, cung cấp dịch vụ công, quản lý và bảo vệ môi trường theo nguyên tắc thị trường. Xây dựng chính sách thử nghiệm (Sandbox) để cho phép thử nghiệm các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ, mô hình kinh doanh, công nghệ mới tại Việt Nam như thanh toán điện tử, đô thị thông minh… Đẩy nhanh mô hình thử nghiệm chính sách thông qua các Trung tâm đổi mới sáng tạo để tạo dựng môi trường phù hợp cho việc áp dụng các công nghệ mới có tính đột phá.
Về nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển kinh tế số, TS. Nguyễn Đức Hiển cho rằng, tăng số nhân lực ngành công nghệ thông tin bằng cách mở các ngành đào tạo mới; đổi mới hình thức đào tạo lấy doanh nghiệp làm trung tâm; cơ cấu lại lao động trong lĩnh vực công nghệ thông tin theo hướng tăng tỷ trọng lao động có kỹ năng, chuyên môn cao; xây dựng Quỹ phát triển nguồn nhân lực.
Để phát triển kinh tế số một cách bền vững, mạnh mẽ, theo các chuyên gia kinh tế cần khuyến khích doanh nghiệp phát triển công nghệ nền tảng số, nhất là các nền tảng trong lĩnh vực IoT, đặc biệt khuyến khích các doanh nghiệp lớn có tiềm năng công nghệ và tài chính, như Viettel, Vingroup, VNPT, FPT… đầu tư vào các công nghệ nền tảng của IoT; thu hút các tập đoàn công nghệ hàng đầu trên thế giới.
Đồng thời, khuyến khích và hỗ trợ phát triển các công ty công nghệ nội địa; hỗ trợ nâng cao kỹ năng của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tiếp cận, áp dụng các công nghệ, các mô hình quản lý và kinh doanh phổ biến trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để tiếp cận được với thị trường toàn cầu; tôn vinh và trao giải sản phẩm “Make in Viet Nam”, doanh nghiệp công nghệ Việt Nam để khơi dậy lòng tự hào dân tộc, phát huy tinh thần khởi nghiệp công nghệ, nhân rộng các mô hình thành công.
Mặt khác, tập trung thực hiện chuyển đổi hạ tầng viễn thông sang hạ tầng công nghệ thông tin, phát triển hạ tầng băng rộng quốc gia, hạ tầng điện toán đám mây, quản trị dữ liệu quốc gia, hạ tầng dịch vụ định danh và xác thực điện tử tin cậy.
Đồng thời, xây dựng thể chế cho việc hình thành, kết nối, chia sẻ và thương mại hóa các cơ sở dữ liệu quốc gia về công nghệ, quy trình, quản lý và khai thác; xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan về bảo mật dữ liệu người dùng, an ninh, an toàn thông tin nhằm tạo dựng môi trường giao dịch số an toàn, tin cậy.
Giáo sư, TS. Nguyễn Thị Cành, Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia Tp.Hồ Chí Minh) cho rằng, để chuẩn bị cho những thay đổi các mô hình kinh doanh mới cần phải xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số cho phép trao đổi dữ liệu chất lượng cao và hạ tầng chất lượng cao thông qua cảm biến, máy chủ lớn, trung tâm dữ liệu và hệ thống bảo mật đáng tin cậy. Đồng thời, cần đào tạo lực lượng lao động có trình độ và thích ứng khả năng nền tảng kỹ thuật số.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận