Italy - Bao giờ cho đến ngày mai?
Trong lời kêu gọi của Thủ tướng Italy Giuseppe Conte khi phong toả, hạn chế đi lại trên phạm vi toàn quốc với lời khẩn thiết "chúng ta tạm xa cách hôm nay để rồi ngày mai lại ôm nhau nồng ấm hơn" đã khiến nhiều người hoài nghi về việc "bao giờ cho đến ngày mai?" trên đất nước hình chiếc ủng.
- Italy - Tâm dịch của châu Âu ghi nhận gần 1.000 ca nhiễm mới
- Italy ghi nhận ca tử vong thứ 11 do nhiễm COVID-19
- Những bước đi "cứng rắn" của Italy nhằm đẩy lùi dịch COVID-19
“Chúng ta tạm xa cách hôm nay để rồi ngày mai lại ôm nhau nồng ấm hơn”. Đây là lời kêu gọi khẩn thiết của Thủ tướng Italy Giuseppe Conte khi công bố lệnh phong tỏa, hạn chế đi lại trên phạm vi toàn quốc nhằm đối phó với dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Dẫu vậy, đâu đó vẫn có người tỏ ý hoài nghi “bao giờ cho đến ngày mai?”, khi số liệu mới nhất ngày 14/3 cho thấy chỉ trong 24 giờ, Italy đã ghi nhận thêm 250 ca tử vong và hơn 2.500 ca nhiễm mới.
Lệnh phong toả trên toàn quốc được đưa ra khi những con số người nhiễm và tử vong ở Italy gia tăng chóng mặt.
Cuộc sống dường như đang bị đình trệ trên quê hương của nàng Mona Lisa. Đường phố vắng vẻ, đối lập với cảnh tất bật ở các khoa cấp cứu trong các bệnh viện. Trẻ em có vẻ đang “tận hưởng” một kỳ nghỉ bất ngờ, chỉ có khác là hoàn toàn chơi trong nhà.
Đến những buổi hẹn hò lãng mạn, thứ được xem như như “đặc sản tình yêu” của các chàng trai, cô gái Italy từ thời cặp tình nhân bất tử Romeo và Juliet cũng không còn. Giờ đây, hoạt động đi lại được hạn chế tối đa, khi ra đường phải có lý do bất khả kháng.
Mọi thứ dường như đang bị đảo lộn. Khi dịch bùng phát mạnh 3 tuần trước ở quê hương của thiên tài được đánh giá là toàn năng nhất lịch sử nhân loại Leonardo De Vinci, ít ai tưởng tượng Italy sẽ có ngày trở thành tâm dịch COVID-19.
Những chiếc xe nối đuôi nhau chờ đến lượt tại trạm kiểm soát biên giới giữa Italy và Áo, bởi “nước láng giềng thân thiết” cũng đã khép hờ cánh cửa biên giới, thắt chặt kiểm soát. Xa hơn ở Trung Đông, với các nước như Iraq, Kuwait, Arabia Saudi và Israel, người dân Italy không còn được chào đón như trước.
Khi sân bay quốc tế Ciampino bị đóng cửa và tiếp đó là một phần của Fiumicino, hình như mọi con đường không còn dẫn đến thành Rome. Đối với một đất nước đón hơn 100 triệu lượt du khách mỗi năm, trước mắt, chưa thể tính hết những thiệt hại mà ngành du lịch dịch vụ Italy phải hứng chịu.
Đài phun nước Trevi tuy vẫn miệt mài chảy nhưng hầu như không một bóng người. Quảng trường San Marco của Venice (Vơ-ni-dơ) thơ mộng chỉ còn những chiếc ghế trống buồn bã.
Nhà thờ Duomo ở Milan thường ngày náo nhiệt là thế mà giờ đây vắng vẻ lạ thường. Thị trường chứng khoán của đất nước “hình chiếc ủng” cũng liên tục đỏ lửa, làm dấy lên lo ngại trong giới đầu tư tài chính về viễn cảnh một “ngày thứ Ba đen tối” nào đó.
Số liệu về dịch bệnh được Cơ quan Bảo vệ Dân sự cập nhật mỗi ngày. Số ca nhiễm bệnh, tử vong cũng như số ca được chữa khỏi đều tăng liên tục. Lực lượng y, bác sỹ ở Lombardy không tránh khỏi có lúc cảm thấy “lực bất tòng tâm” trước sự quá tải của hệ thống y tế.
Thỉnh thoảng lại xôn xao có tin một quan chức, một chính trị gia, một tướng quân đội, một bác sỹ đầu ngành hay một ngôi sao thể thao của Italy… dương tính với virus SARS-CoV-2. Dịch COVID-19 đang phủ sóng trên tất cả các phương tiện truyền thông của Italy.
Khủng hoảng dịch bệnh nhiều khi làm cho con người thiếu sáng suốt. Những tin tức về sự kì thị đối với người gốc Á có lẽ đã khiến nhiều cửa hàng Trung Quốc ở Rome phải đóng cửa trước khi có lệnh phong tỏa. Rồi những lời đồn đại thiếu cơ sở, các tin tức giả (fake news) lan truyền như vết dầu loang.
Thậm chí, Kênh Canal+ của Pháp còn như “xát thêm muối vào lòng” khi bông đùa không đúng lúc về “chiếc bánh pizza nhiễm virus corona” và đã phải chính thức gửi lời xin lỗi.
Hơn lúc nào hết, trong bối cảnh hiện nay, đạo đức nghề nghiệp đòi hỏi báo chí phải tỉnh táo, có trách nhiệm truyền tải thông tin đúng và rõ về tình hình thực sự của dịch bệnh ở Italy.
Ngoài mất mát về con người và thiệt hại khủng khiếp về kinh tế, thì tâm trạng lo lắng, không biết “khi nào mưa mới tạnh” là loài virus mới đang len lỏi vào mỗi gia đình ở Italy. Nỗi lo thu nhập giảm sút luôn thường trực đối với nhiều người.
Tuy nhiên, trong bức tranh sẫm màu đó bắt đầu hiện nhiều mảng sáng khi chính phủ, dù hơi muộn, song đã có những biện pháp toàn diện, mạnh mẽ và quyết liệt để kiểm soát tình hình. Nhu yếu phẩm không hề khan hiếm.
Chính phủ cũng khẳng định sẽ không có người dân nào bị mất việc làm do dịch bệnh. Người dân có trách nhiệm hơn và thông hiểu hơn với những biện pháp cứng rắn của nhà chức trách.
Những ngày bị phong tỏa này, tại Italy, một tinh thần đoàn kết và quyết tâm chống dịch đang được lan tỏa thông qua sự kiện “Flashmod âm nhạc” trên ban công để truyền đi thông điệp “Mọi chuyện sẽ ổn”.
Phong trào “ban công hy vọng” lan từ Rome tới Milan, cả gia đình tham gia “Flashmod âm nhạc” bên ban công, hát vang Quốc ca Italy, người lớn treo những băng rôn cổ vũ, trẻ em vẽ những bức tranh… để khơi dậy tinh thần mạnh mẽ của người dân trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.
Trong cuộc chiến này, Italy rất cần sự tiếp sức của cộng đồng quốc tế, nhất là Liên minh châu Âu (EU), vốn cũng đang lao đao với dịch bệnh. Bài học trong cuộc khủng hoảng người di cư năm nào, khi sự chia rẽ sâu sắc giữa nước EU khiến Italy tự loay hoay tìm lối thoát, vẫn còn nguyên giá trị.
Châu Âu hiện đã là “trung tâm” mới của đại dịch toàn cầu COVID-19, giờ phải là lúc để các nước đồng lòng, xích lại gần nhau hơn trong cuộc chiến đầy cam go này.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận