Mang Xuân về trên rẻo cao xã Thái Học, tỉnh Cao Bằng
Những ánh mắt, những nụ cười rạng rỡ của học sinh và bà con dân tộc Dao đã tràn ngập chương trình “Đưa tết lên bản” do Trung tâm Khuyến nông Hà Nội (Trung tâm) và những người bạn mang đến huyện vùng cao Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng.
Tặng quà học sinh xã Thái Học
Đây là hoạt động thiện nguyện thường niên của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội và những người bạn thực hiện. Trước mỗi lần tổ chức, công tác chuẩn bị đều được thực hiện rất bài bản từ việc khảo sát điểm, kết nối với nhà trường và chính quyền để tìm hiểu nhu cầu thực tế nhằm trao tặng những món quà thiết thực nhất. Chương trình năm nay, đoàn đã trao tặng gần 400 suất quà (trị giá gần 100 triệu đồng) cùng nhiều loại cây giống và các vật dụng thiết thực cho cô trò và bà con dân tộc thiểu số sống trên mảnh đất còn thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần này.
Chương trình "Đưa tết lên bản" của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội và những người bạn
Thái Học – Xã nghèo đặc biệt khó khăn
Đoàn thiện nguyện khởi hành từ Hà Nội vào một sáng sớm mùa đông, trời sáng sớm buốt lạnh nhưng trên khuôn mặt mỗi thành viên lại ấm áp và phấn khởi hơn bao giờ hết, bởi trong chuyến đi lần này họ đã mang hơi ấm lên với trẻ em, học sinh nghèo và bà con dân tộc thiểu số ở mảnh đất vùng cao huyện Nguyên Bình.
Dừng nghỉ dưới chân đèo Giàng
Tại điểm dừng nghỉ dưới chân đèo Giàng, Chủ tịch hội CCB Trung tâm khuyến nông Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn chia sẻ: Để có được những món quà trao đến tay các em và bà con dân tộc thiểu số như hôm nay, Trung tâm đã phát động đóng góp, chia sẻ trong vòng 30 ngày. Ngoài sự đóng góp của cán bộ, CNVC, NLĐ Trung tâm là sự chung tay đồng hành của nhóm hoạt động xã hội “Khơi ấm mùa Đông”, một nhóm hoạt động thiện nguyện có uy tín từ nhiều năm nay hỗ trợ kết nối và tổ chức.
Đường vào xã Thái Học
Vượt hơn 300km đường đèo núi quanh co, hiểm trở, nhiều cua tay áo. Theo đúng kế hoạch 14h00 đoàn có mặt tại sân trường THCS – Tiểu học – Mần non Thái Học. Tại đây hơn 300 học sinh các cấp đã có mặt đầy đủ, các em ngồi ngay ngắn, thẳng hàng theo từng khối đồng thanh hát theo sự bắt nhịp của cô giáo. Ngoài ra còn có cha mẹ học sinh và bà con dân tộc Dao sống ở xung quanh trường tới tham dự.
Các em ngồi ngay ngắn, thẳng hàng theo từng khối đồng
Theo cô Nguyễn Thị Hoan, Hiệu trưởng nhà trường tiểu học cho biết, Trường xã Thái Học có 1 điểm chính ngoài ra còn có 3 điểm bản: Lũng Ỉn, Lũng Kèng, Lũng Chang, tổng số 348 học sinh người dân tộc Dao Đỏ và chủ yếu là con hộ nghèo. Cùng với tổng số cán bộ, giáo viên là 39 người. Những năm qua tuy được sự quan tâm của ban ngành các cấp nhưng hiện tại cơ sở vật chất của nhà trường còn nhiều thiếu thốn đặc biệt là nơi ăn chốn nghỉ, bể nước, nhà tắm, nhà vệ sinh của học sinh ăn ở nội trú tại nhà trường.
Cổng trường THCS – Tiểu học – Mần non Thái Học
Các điểm trường đều tổ chức học 2 buổi/ngày tuy nhiên các điểm trường cách xa nhau, có những điểm bản cách nhà trường gần 10km, các khó khăn về nguồn nước nên Nhà trường không có bếp ăn, do đó bữa trưa của các học sinh nơi đây là nắm xôi, gói mỳ tôm sống, cơm nắm... được đựng trong túi nilon, lá rừng. Mặc dù ăn chưa đủ no, mặc chưa đủ ấm và đi lại gặp rất nhiều gian nan đặc biệt là những ngày mưa gió, giá rét, phải dậy sớm đến trường khi trời mưa đường trơn các em còn bị ướt và ngã quần áo bẩn hết. Nhưng với quyết tâm gieo chữ của thầy cô và lòng hiếu học, các em vẫn đi học đầy đủ, không có học sinh bỏ học giữa chừng.
Theo ông Vũ Văn May – Trường phòng Giáo dục huyện cho biết, đại đa số người dân từ những thế hệ trước là ông bà bố mẹ không biết chữ, không biết nói tiếng phổ thông nên rất khó khăn trong công tác trao đổi giữa gia đình và nhà trường. Nhưng với lòng nhiệt tình yêu nghề tâm huyết với nghề của thầy cô nên những năm qua nhà trường luôn duy trì được sĩ số học sinh, chất lượng dạy và học ngày càng được nâng lên.
Toàn xã có 342 hộ với 1761 nhân khẩu 100% là dân tộc Dao Đỏ. Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo chiếm hơn 70 % điều kiện kinh tế gia đình còn hết sức khó khăn, thiếu đất canh tác và các loại cây trồng chính chủ yếu là cây ngô, còn trồng lúa là xem canh các xã bạn. Những năm gần đây đang dần chuyển sang trồng các loại cây khác như trồng cây thanh long, cây cải bắp để tăng thu nhập thêm cho hộ gia đình nhưng chủ yếu vẫn đang tự cung tự cấp là chính chưa mạng tính hàng hóa, ông Triệu Toàn Sinh Chủ tịch xã Thái Học cho biết.
Ông Nguyễn Hồng Sơn - Chủ tịch hội CCB Trung tâm khuyến nông Hà Nội
Ươm mầm xanh trên núi đá Nguyên Bình
Với mong muốn được ủng hộ bằng cả tinh thần và vật chất, đoàn thiện nguyện Trung tâm khuyến nông Hà Nội đã trao tặng 352 chiếc áo khoác và khăn ấm; chăn ấm 150 chiếc; cặp lồng 250 chiếc; bình nước 250 chiếc; xốp trải nền 70 chiếc; bánh, kẹo, sữa cho học sinh và 40 phích nước tới thầy cô nhà trường.
Quà tặng của chương trình "Đưa tết lên bản" trao tặng học sinh xã Thái Học - huyện Bình Nguyên - tỉnh Cao Bằng
“Ngoài sự hỗ trợ vật chất, còn là sự ghi nhận, động viên, sẻ chia những khó khăn vất vả của thầy cô người đang ngày đêm miệt mài gieo từng con chữ. Đặc biệt là dịp tết Nguyên đán Canh tý 2020 đang tới gần” ông Nguyễn Hồng Sơn chia sẻ thêm.
Các loại cây giống
Đồng thời để tạo sinh kế cho bà con trong xã, đoàn thiện nguyện của Trung tâm còn mang tới đây các loại cây giống như 500 cây bưởi da xanh, 300 cây cam, 200 cây trám đen và 200 cây lê vàng… trao tặng đến các hộ gia đình.
Hơn 1200 cây giống các loại được trao tặng cho các hộ gia đình
"Việc đoàn công tác xã hội từ thiện đến với trường là một sự động viên vô cùng quý báu đối với cả thầy và trò nhà trường. Chỉ vậy thôi đã là động lực vô bờ để các thầy cô quên đi bao khó khăn thiếu thốn hàng ngày vững tâm đứng trên bục giảng, nay đoàn còn trợ giúp cho đồng bào trong xã tạo sinh kế bền vững thì không còn gì giá trị hơn" Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn nói.
Cầm trên tay những cây giống do đoàn trao tặng, anh Bế Văn Thắng không ngăn nổi cảm xúc nghẹn ngào nói: Đây là món quà thiết thực đầy ý nghĩa, tôi sẽ vun trồng và chăm bón để một ngày không xa sẽ đơm hoa kết trái trên vùng núi đá Nguyên Bình.
Ghi nhận và cảm ơn những tấm lòng của các nhà hảo tâm cũng như mong muốn được sự trợ giúp của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã Thái Học, ông Hà Ngọc Tú - Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyên Bình cho biết, Nguyên Bình là huyện 30A nhưng điều kiện khó khăn trong chương trình xây dựng nông thôn mới do địa bàn vùng sâu, vùng xa cộng với chi phí lớn nên mong được sự chung tay của các tập thể, cá nhân để ủng hộ cho xã nói riêng và toàn huyện hoàn thành các chỉ tiêu đáp ứng yêu cầu mới.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận