Điện hoá phương tiện kết hợp chuyển đổi đô thị - Giải pháp đảm bảo hành tinh xanh
Theo công bố của Viện Chính sách giao thông và phát triển (ITDP) khi nghiên cứu về đáp ứng yêu cầu của Hiệp định Paris, bên cạnh việc điện khí hoá các phương tiện giao thông thì nhân loại còn cần phải đảm bảo kết hợp chuyển đổi các đô thị sẽ làm giảm lượng lớn khí thải.
- Anh: Các toà nhà mới xây dựng từ 2022 sẽ phải có trạm sạc xe điện
- Châu Âu: Thị trường xe điện vẫn đạt mức tăng trưởng 7,2% dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19
- Elon Musk: Tesla sẽ chia sẻ trạm sạc cho các loại xe điện trên toàn cầu
Theo nghiên cứu chung giữa ITDP và Đại học California (UC Davis) ở Mỹ, bà Heather Thompson, CEO của ITDP cho biết các nhà nghiên cứu đã xem xét 4 phương án giao thông đô thị là “duy trì các hoạt động giao thông như thường lệ”, “điện khí hóa quy mô lớn toàn bộ các phương tiện công cộng và cá nhân vào năm 2050”, “thực hiện cuộc chuyển đổi lớn sang sử dụng các phương tiện giao thông thay thế ô tô tại các thành phố” và phương án cuối cùng là “xe điện kết hợp chuyển đổi” - phổ biến xe điện kết hợp với việc chuyển đổi các thành phố “thu nhỏ”.
Phương án thứ tư là phương án duy nhất được ước tính có mức phát thải trong giai đoạn 2020-2050 phù hợp với các mục tiêu đề ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, cụ thể là giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu “dưới 2 độ C”. Bà Thompson cho rằng mấu chốt là giảm thiểu lượng các phương tiện giao thông và điện khí hóa các phương tiện còn lại.
Nghiên cứu cho thấy vận tải hành khách đô thị chiếm khoảng 10% lượng khí thải gây biến đổi khí hậu trên toàn cầu, song lượng khí thải này đang tăng dần khi người tham gia giao thông càng ngày dễ dàng sở hữu các phương tiện cá nhân tại các quốc gia có nền kinh tế mới nổi.
Mô hình thành phố xanh cũng tương đương với giải pháp điện hoá phương tiện giúp thế giới giảm lượng khí thải trên toàn cầu.
Các nhà nghiên cứu thừa nhận việc triển khai phương án “xe điện kết hợp chuyển đổi” quy mô lớn đòi hỏi “nỗ lực toàn cầu rất lớn”, được ví như việc xây dựng hệ thống đường cao tốc giữa các bang của Mỹ vào những năm 1950.
Trong khi đó, nghiên cứu cũng liệt kê những ví dụ điển hình tại một số thành phố, nơi sử dụng hiệu quả mặt bằng đô thị và thúc đẩy các phương án chuyển đổi giao thông công cộng, có thể đem lại kinh nghiệm cho các thành phố khác.
Chẳng hạn như thủ đô Mexico City của Mexico sở hữu hệ thống chia sẻ xe đạp công cộng và ban hành chính sách không khuyến khích hoặc giảm thiểu nơi đỗ xe.
Thành phố Portland ở Mỹ cũng đã ban hành luật phân vùng, khuyến khích phát triển mật độ cao, giúp người dân có thể dễ dàng đi bộ để tiếp cận các dịch vụ, trong khi thành phố Seattle (Mỹ) cũng nỗ lực đảm bảo người dân có thể tiếp cận gần các tuyến xe buýt tần suất cao.
Nghiên cứu chỉ ra rằng thủ đô Paris của Pháp đã giảm gần 50% lượng ô tô trong 30 năm bằng cách thúc đẩy người dân lựa chọn các phương tiện giao thông khác, trong khi thủ đô Jakarta của Indonesia vào năm 2004 đã mở một hệ thống giao thông công cộng thu hút gần một triệu người đi lại hằng ngày trong giai đoạn trước đại dịch.
Giám đốc điều hành của ITDP nhấn mạnh nhà chức trách cần đem lại những lựa chọn giao thông tốt hơn cho người dân tại chính nơi họ đang sinh sống, bằng việc xây dựng các làn đường dành riêng cho xe đạp và vỉa hè cho người đi bộ, đồng thời đẩy nhanh việc chuyển đổi các phương tiện giao thông.
Ông Brendan Shane, Giám đốc về khí hậu của tổ chức phi lợi nhuận The Trust for Public Land, cho biết các thiết kế và tư duy cũ đang là những trở ngại lớn. Ông cho rằng ý tưởng thiết kế hệ thống đường sá tại một khu vực mới dành cho ô tô trước khi người dân đến sinh sống vẫn đang là xu hướng phổ biến.
Theo báo cáo của ITDP, đến năm 2050, việc chuyển đổi sang các thành phố “nhỏ gọn” hơn có thể cắt giảm 5.000 tỉ USD chi phí vận tải hành khách đô thị công cộng và tư nhân so với các phương án khác là "duy trì các hoạt động như bình thường" và “điện khí hóa quy mô lớn toàn bộ phương tiện công cộng và cá nhân”.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận