Phát hiện bong bóng khí nóng quay quanh hố đen ở trung tâm Dải Ngân hà
Theo một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí "Astronomy and Astrophysics" ngày 22-9, các nhà thiên văn học cho biết họ vừa phát hiện một bong bóng khí nóng quay quanh hố đen ở trung tâm Dải Ngân hà với vận tốc chóng mặt.
- Hố đen mới hình thành có khối lượng gấp 142 lần Mặt trời
- Kính viễn vọng Hubble phát hiện hố đen di chuyển với tốc độ khoảng 160.000km/giờ
- Phát hiện siêu hố đen liên tục nuốt khối vật chất có kích thước tương đương Trái Đất trong mỗi giây
Nhà vật lý thiên văn Maciek Wielgus tại Viện Thiên văn vô tuyến Max Planck (Đức), tác giả nghiên cứu, nêu rõ kính thiên văn vô tuyến ALMA trên dãy núi Andes của Chile đã phát hiện một vài điều "thực sự khó hiểu" liên quan tới siêu hố đen Sagittarius A* ở trung tâm của Dải Ngân hà, cách Trái đất khoảng 27.000 năm ánh sáng.
Chỉ vài phút trước khi ALMA bắt đầu quá trình thu thập dữ liệu vô tuyến, kính thiên văn không gian Chandra đã nhận thấy các tia X tăng đột biến. Vụ nổ năng lượng này đã tạo ra một bong bóng khí nóng quanh xung quanh hố đen.
Bong bóng khí - còn được gọi là một điểm nóng - có quỹ đạo tương tự như quỹ đạo của sao Thủy quay xung quanh Mặt trời. Tuy nhiên, trong khi sao Thủy quay quanh Mặt trời một vòng hết 88 ngày (trên Trái đất) thì chu kỳ quay của bong bóng khí này chỉ trong vòng 70 phút. Điều đó đồng nghĩa nó di chuyển với vận tốc tương ứng khoảng 30% vận tốc ánh sáng.
Các nhà thiên văn học cho biết bong bóng nói trên chỉ tồn tại trong khoảng một vài giờ. Tuy nhiên, họ hy vọng phát hiện này sẽ cung cấp cái nhìn sâu hơn về cách thức hoạt động của những "quái vật" thiên hà không thể quan sát được với vận tốc cực lớn như vậy.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận