'Vua Bắc Cực' đã thay đổi 'khẩu vị' trước tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay
Gấu Bắc Cực luôn được biết đến với thói quen ăn động vật dưới nước nhưng trước ảnh hưởng của biến đối khí hậu hiện nay, các vị "Vua của Bắc Cực" đã phải sử dụng nguồn thức ăn trên cạn để thay thế cho khẩu phần ăn từ thuỷ sinh ngày càng bị hạn chế.
- Thiếu thịt, Trung Quốc quyết định nhân giống lợn khổng lồ, to bằng gấu Bắc cực
- Băng vĩnh cửu tan chảy ở Bắc Cực: Mối nguy hiện hữu khi các chất lưu giữ trong đó thoát ra môi trường
- Giới khoa học lo ngại vì cỏ dại ngày càng nhiều ở Bắc Cực
Một con gấu Bắc Cực rượt đuổi một con tuần lộc, kéo nó xuống nước rồi lại lôi lên bờ trước khi gần như nuốt chửng con mồi - đây là lần đầu tiên cảnh tượng săn mồi kỳ thú này được ghi lại.
Các nhà khoa học cho rằng đây là một biểu hiện cho thấy "Vua của Bắc Cực" có thể đang thay đổi "khẩu vị" với chế độ ăn uống mới để thích nghi với tình trạng băng tan nhanh hơn như hiện nay.
Cảnh tượng bất ngờ trên diễn ra tại quần đảo Svalbard của Na Uy vào ngày 21/8/2020 - một ngày mùa Hè, khi băng trên biển rút đi và hải cẩu - loài động vật vốn là nguồn thức ăn chính của gấu Bắc Cực - cũng trở nên thưa thớt hơn.
Ghi lại cảnh tượng này là một nhóm các nhà khoa học làm việc tại trạm nghiên cứu của Ba Lan ở gần đó đang theo dõi những ảnh hưởng của tình trạng băng tan.
Gấu Bắc Cực đã phải thay đổi thói quen săn mồi từ dưới nước lên trên cạn cho thấy về tình trạng ô nhiễm ngày càng nặng nề hơn. Ảnh: Phys.org
Bà Izabela Kulaszewicz - nhà sinh vật học thuộc trường Đại học Gdansk (Ba Lan) cho biết: "Toàn bộ cảnh tượng ấy kỳ thú tới mức giống như thể chúng ta đang xem một cuốn phim tài liệu vậy. Thậm chí, trong đoạn phim có cả tiếng những người chứng kiến cảnh đó nhấn mạnh rằng có thể chúng ta sẽ không bao giờ được xem bất cứ điều gì tương tự như vậy nữa".
Trong báo cáo mang tên "Polar Biology" (Sinh vật học Bắc cực), bà Izabela Kulaszewicz cùng các cộng sự nhận định những diễn biến trên cho thấy gấu Bắc Cực ngày càng có xu hướng săn mồi là động vật sống trên cạn, do nguồn thức ăn chính của chúng là hải cẩu ngày càng bị thu hẹp.
Ở Svalbard - cách Bắc Cực hơn 1.000 km, có khoảng 300 con gấu Bắc Cực "chung sống" cùng khoảng 20.000 con tuần lộc. Theo các tác giả của báo cáo, có những dấu hiệu cho thấy gấu Bắc Cực đã săn tuần lộc thường xuyên hơn trong những thập kỷ gần đây.
Các nhà khoa học cho rằng hai yếu tố chủ chốt dẫn đến tình trạng này là: băng trên biển đang rút dần đi khiến những con gấu bị mắc cạn trên đất liền trong thời gian dài hơn và số lượng tuần lộc đã tăng đều đặn ở Svalbard kể từ lệnh cấm săn bắn năm 1925. Họ cho rằng việc gấu ăn thịt tuần lộc là một hệ quả tất yếu của quy luật sinh tồn.
Những con hải cẩu múp míp, giàu chất béo và calorie là thực phẩm chính của gấu Bắc Cực, tuy nhiên loài động vật lông trắng này cũng thường ăn các loại trứng động vật, chim muông, các loài động vật gặm nhấm và thậm chí cả cá heo.
Với cân nặng từ 70-90kg khi trưởng thành, tuần lộc là nguồn dinh dưỡng bổ sung tốt cho những con gấu trong mùa Hè vốn đang có xu hướng kéo dài hơn do tình trạng Trái Đất đang dần nóng lên.
Theo các chuyên gia, chế độ ăn uống mới của gấu Bắc Cực sẽ không tạo ra sự thay đổi lớn đối với cả hai loài động vật trên. Giáo sư Ian Stirling thuộc Cơ quan quản lý động vật hoang dã Canada cho biết gấu Bắc Cực là những "vận động viên" bơi lội siêu giỏi, nhưng chúng khó có thể theo kịp tuần lộc khi rượt đuổi trên đất liền.
Trong khi đó, ông Andrew Derocher - Giáo sư thuộc trường Đại học Alberta - tỏ ra bi quan về tương lai của gấu Bắc Cực tại Svalbard. Ông Derocher cho biết: “Không có đủ băng để duy trì một quần thể gấu Bắc Cực. Tôi lo ngại rằng cho rằng với xu hướng này, quần thể gấu Bắc Cực ở biển Barents - trong đó bao gồm cả Svalbard - có thể sẽ biến mất trong thế kỷ này".
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận