Chống thất thu thuế TMĐT: Cần chuẩn bị các điều kiện về hạ tầng quản lý
Để bịt “lỗ hổng” thu thuế đối với hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử (TMĐT), chuyên gia khuyến cáo, bên cạnh các quy định, cần chuẩn bị các điều kiện về hạ tầng quản lý…
- Indonesia áp dụng biện pháp thuế nhập khẩu hàng hóa thương mại điện tử
- Bkav eHoadon đứng đầu danh sách phần mềm tốt nhất được Cục Thuế Hà Nội đánh giá
Theo đó, Báo cáo kinh tế internet khu vực Đông Nam Á của Google mới đây dự báo, TMĐT Việt Nam sẽ đạt khoảng 29 tỷ USD vào năm 2025. Việt Nam đã và đang trở thành là một trong những nước có thị trường TMĐT phát triển nhanh nhất toàn cầu.
Thống kê cho thấy, doanh thu bán lẻ TMĐT năm 2021 ở Việt Nam đạt hơn 13,7 tỷ USD. Trong đó, hình thức kinh doanh online qua các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook, TikTok,… ngày một bùng nổ. Tuy nhiên, việc thu thuế và các chế định pháp luật quản lý đối với TMĐT chưa đạt kết quả như kỳ vọng.
Báo cáo tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính - Hồ Đức Phớc cũng thừa nhận, vẫn đang thất thu rất lớn đối với sàn TMĐT và hoạt động kinh doanh công nghệ.
Thực tế, để chống thất thu ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý thuế (mới) có hiệu lực vào giữa năm 2020 đã bổ sung quy định về trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước có liên quan (Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước) trong quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT. Nghị định số 126/2020/NĐ-CP cũng quy định chi tiết việc kinh doanh TMĐT đối với cá nhân.
Theo đó, tổ chức hợp tác kinh doanh với cá nhân thì cá nhân không trực tiếp khai thuế, mà tổ chức có trách nhiệm khai thuế GTGT đối với toàn bộ doanh thu của hoạt động hợp tác kinh doanh, không phân biệt hình thức phân chia kết quả hợp tác kinh doanh. Đồng thời, tổ chức hợp tác khai thay và nộp thay thuế thu nhập cá nhân cho người hợp tác kinh doanh.
Với quy định này thì đơn vị hợp tác kinh doanh với phía nước ngoài nộp thuế thay cho nhà cung cấp nước ngoài; các sàn TMĐT khai và nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh trên sàn. Nếu chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT không được ủy quyền khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh trên sàn thì cơ quan thuế phối hợp với sàn giao dịch TMĐT trong việc chia sẻ và cung cấp thông tin của cá nhân kinh doanh để quản lý thu thuế theo quy định pháp luật.
Nhờ những quy định chi tiết này, cơ quan thuế đã tiến hành thanh kiểm tra, truy thu, xử phạt nhiều cá nhân cư trú tại Việt Nam cung cấp dịch vụ xuyên biên giới tại các trang mạng xã hội nước ngoài như: Google, Facebook, TikTok,...
Cụ thể, bằng nhiều giải pháp thu thuế hoạt động kinh doanh xuyên biên giới (kể cả số thu từ các tổ chức tại Việt Nam khai thay, nộp thay thuế nhà thầu), từ năm 2018 đến nay, cơ quan thuế thu khoảng 5.500 tỷ đồng, tương đương 1.200 tỷ đồng/năm. Trong đó, có nhiều nhà cung cấp nước ngoài đã khai nộp thuế với số tiền lớn, như Facebook hơn 2.000 tỷ đồng, Google hơn 2.000 tỷ đồng, Microsoft khoảng 700 tỷ đồng,…
Thế nhưng, theo các chuyên gia, số thuế thu được từ hoạt động TMĐT đã công bố chỉ là bước đầu, chưa phản ánh đầy đủ sự bùng nổ mạnh mẽ của hoạt động TMĐT trong thời gian qua. Bởi trên thực tế, nguồn thu từ hoạt động kinh doanh TMĐT của cá nhân bán hàng qua các sàn giao dịch TMĐT và qua các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook, Instagram, Twitter... rất cao, nhưng kê khai chưa đầy đủ.
Cùng với đó, theo quy định pháp luật, sàn TMĐT phải nhận ủy quyền dân sự từ các cá nhân kinh doanh để kê khai thuế giúp họ, nhưng nếu cá nhân không chịu ủy quyền thì vẫn không có chế tài để xử lý.
Từ đó, các chuyên gia cho rằng, bên cạnh các quy định đã có cũng cần sớm ban hành thêm quy định để hoàn thiện hành lang pháp lý và chuẩn bị các điều kiện về hạ tầng để quản lý thuế TMĐT.
Thông tin với báo chí, ông Nguyễn Việt Anh - chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, quản lý thuế đối với các hoạt động TMĐT và kinh doanh dựa trên nền tảng số là việc làm khá mới đối với nhiều cơ quan thuế trên thế giới. Gần đây mới đạt được một số thông lệ quốc tế tốt.
“Các nước thuộc khối EU, cũng như Úc, Malaysia, Indonesia, Thái Lan đã ban hành quy định cũng như chuẩn bị các điều kiện về hạ tầng để quản lý thuế TMĐT. Việt Nam có thể tham khảo và chọn lọc cách làm từ các nước đã có kinh nghiệm, để tiến đến kiểm soát tốt nguồn thu từ thuế TMĐT”, ông Việt Anh khuyến cáo.
Còn theo PGS.TS Lê Xuân Trường - Trưởng Khoa Thuế và Hải quan (Học viện Tài chính), bên cạnh việc hoàn thiện hành lang pháp lý, cần đẩy mạnh áp dụng công nghệ để thúc đẩy sự minh bạch và giám sát công bằng với các chủ thể nộp thuế.
“Nên thành lập Trung tâm phòng chống trốn lậu thuế công nghệ cao thuộc Tổng cục Thuế hoặc giao bổ sung chức năng này cho Cục Công nghệ thông tin (Tổng cục Thuế) để làm đầu mối triển khai hệ thống phần mềm quản lý thuế đối với TMĐT”, ông Trường gợi ý.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận